Giao thừa (lễ cúng giao thừa hay lễ trừ tịch) là gì?
Lễ cúng giao thừa là nghi lễ được diễn ra trong giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tức 12h đêm ngày 30 Tết hay 0h sáng ngày Mùng 1 Tết. Theo quan niệm dân gian, lễ cúng giao thừa mang ý nghĩa như một hình thức để "khu trừ ma quỷ", do đó nó còn được gọi với tên là lễ trừ tịch.
Bên cạnh đó, lễ cúng giao thừa cũng đóng vai trò như một nghi thức tiễn biệt, cảm tạ quan quân cai quản nhân gian của năm cũ và chào đón quan quân cai quản nhân gian mới đến nhận nhiệm vụ theo lệnh của Ngọc Hoàng ở thiên đình.
Chuẩn bị mâm lễ cúng giao thừa
- Hướng đặt mâm lễ cúng giao thừa chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tuỳ theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).
- Một chiếc lọng màu vàng có diềm đỏ để che nắng che mưa.
- Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ cúng giao thừa, mặt bàn được trải tấm vải vàng sang trọng ngay ngắn.
- Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất trong không gian diễn ra lễ cúng giao thừa như miếng thảm đỏ để tiễn và rước các vị cựu niên và đương niên hành khiển.
- Một mâm lễ cúng giao thừa đủ đẩy thức vật và đặt ở vị trí phù hợp: 1 con gà trống luộc, một đĩa xôi, gạo, muối, rượu, trầu cau, hoa tươi
- Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá mỗi loại 99 nén.
- Thắp 9 ngọn nến hoặc 9 cây đèn dầu.
*Lưu ý không đốt tiền âm phủ trong lễ đón giao thừa để tránh các vong âm lai vãng