UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định về việc công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gồm Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần Bất động sản Đông Đô - Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Kiều Anh Tuấn) là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông báo và hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung nộp hồ sơ trình Quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Tài chính phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, các đơn vị liên quan khẩn trương xác lập giá sàn nộp ngân sách Nhà nước, làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.
Trước đó, hồi tháng 10/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với Khu đô thị mới Đầm Cà Ná. Theo đó, dự án nằm trên địa bàn thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, với quy mô diện tích đất 64,46ha, quy mô dân số khoảng 9.956 dân.
Mục tiêu đầu tư dự án là nhằm hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với khu dân cư hiện hữu tại xã Phước Diêm; giải quyết tốt về nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân với tiêu chuẩn môi trường sống cao trong khu đô thị, góp phần giãn dân trên địa bàn huyện Thuận Nam, nhất là xã Cà Ná và xã Phước Diêm vào khu dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná. Đồng thời, hỗ trợ chức năng, dịch vụ cho khu Cảng biển tổng hợp Cà Ná, cũng như phục vụ một phần nhu cầu làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cảng biển và khu điện khí LNG… Tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 4.400 tỷ đồng.
Cũng theo thông báo, thời hạn, tiến độ đầu tư dự án là 6 năm kể từ ngày được lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, giai đoạn triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư là 1 năm; hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm; công tác đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, điện chiếu sáng đô thị, khu công viên - cây xanh, hồ nước…) trong 2 năm; công tác đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất thời gian hoàn thành trong 1,5 năm, gồm đầu tư xây dựng toàn bộ các công trình nhà ở xã hội, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS, trạm y tế, công viên, cây xanh, hồ nước, công trình văn hóa, siêu thị, bãi xe và nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, công trình hỗn hợp sau khi đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu đất.
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã đón nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào các dự án lớn. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 633/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, với hàng loạt dự án bất động sản, gồm các khu đô thị, khu dân cư, dự án du lịch… hứa hẹn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.