Trong đó, đáng kể nhất là dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty Innoflow Ninh Thuận chỉ sau hơn nửa năm đầu tư xây dựng, đến đầu năm 2023 đã được đưa vào hoạt động. Đây là nhà máy đầu tiên được xây dựng trong KCN này với quy mô công suất 6 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động địa phương.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận, cơ sở hạ tầng của KCN Du Long về cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nhà đầu tư. Đây cũng là KCN có vị trí rất thuận lợi cạnh Quốc lộ 1 đảm bảo cho việc vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy và hàng hóa xuất khẩu từ nhà máy ra cảng.
Được tái khởi động thi công từ đầu năm 2022, KCN Du Long có quy mô 407,28ha. Đến nay, chủ đầu tư đã san gạt mặt bằng 337ha, trong đó hoàn thiện đầu tư hạ tầng trên phạm vi khoảng 150ha đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp và đang tiếp tục hoàn thiện công tác san nền thêm 70ha. Đến thời điểm này, KCN đã thu hút 6 dự án với diện tích cho thuê hơn 40ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 10%.
Không chỉ KCN Du Long đang có sự chuyển mình tích cực tại KCN Phước Nam (Thuận Nam), sau hơn 10 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, KCN này cũng đã được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận. Hiện nay, KCN đang triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước và cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 151ha, đạt khoảng 85% khối lượng giai đoạn 1. Với điều kiện thuận lợi kết nối với nhiều trục giao thông quan trọng như đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1, cảng tổng hợp Cà Ná và tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024, KCN Phước Nam đã thu hút được 12 nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Vũ Văn Lâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận cho biết: KCN Phước Nam có quy mô diện tích 370ha được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích khoảng trên 153ha. Hiện chúng tôi đang khẩn trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện các bước dọn dẹp mặt bằng, bóc lớp đất hữu cơ tổng, tiến hành san nền khoảng 85% khối lượng. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đã triển khai thực hiện gồm: Nhà thường trực KCN, bó vỉa dải phân cách các tuyến đường, trồng cây xanh, lát vỉa hè, xây dựng hàng rào khu văn phòng trung tâm; hệ thống điện, đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước và đổ bê tông nền đường; hoàn thành 100% hàng rào mặt trước và cổng của KCN. Tổng giá trị xây lắp giải ngân khoảng 65% (182,3 tỷ đồng /279,4 tỷ đồng) tổng mức đầu tư giai đoạn 1.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung khơi thông các điểm nghẽn để đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN), tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật để thu hút, phát triển công nghiệp. Trong đó, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 8 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.145 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 675,5 tỷ đồng (tương đương 28,15 triệu USD). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu, CCN. Trong đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả, đến nay, Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 4 KCN và 19 CCN. Trong đó, hiện đã có 3 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Thành Hải, Du Long, Phước Nam. Đối với KCN Cà Ná đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất tại các KCN trong thời gian tới tỉnh đang tập trung thực hiện một số giải pháp về tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường vào các KCN. Đôn đốc hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó chú trọng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tại các KCN.
Với những chuyển biến tích cực, các KCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.