Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt

Thứ Sáu, 23/02/2024 - 06:00

Để hiểu thêm về những tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của “miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phạm Quốc Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận.

PV: Thưa ông, Ninh Thuận có những yếu tố đặc thù và cơ hội gì trong phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2030?

Ông Lê Phạm Quốc Vinh: Khí hậu đặc thù với nắng ấm quanh năm, năng lượng bức xạ lớn, tốc độ gió mạnh, ổn định là điều kiện để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời) và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đồng thời, với tính chất là vùng khô hạn với các khu vực “sa mạc” phía Nam, tỉnh có điều kiện phát triển những điểm du lịch hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là nơi quy tụ của hệ sinh thái rừng lùn khô hạn độc nhất Đông Nam Á; là một trong số ít tỉnh ở Việt Nam có 2 vườn quốc gia, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa vừa được (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vịnh Vĩnh Hy được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, là điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Về hạ tầng, Ninh Thuận có đường bờ biển dài 105km, là cung đường biển dài và đẹp nhất cả nước, mở ra không gian mới cho phát triển các ngành kinh tế biển, và phát triển các đô thị ven biển, tạo sức hấp dẫn cho phát triển du lịch. Ninh Thuận còn có tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt độc đáo nhất Đông Nam Á - là 1 trong 2 tuyến đường sắt răng cưa duy nhất trên thế giới, đang có chủ trương cho khôi phục lại - là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Ngoài ra, Ninh Thuận có hạ tầng thủy lợi được đầu tư theo hướng liên thông, đa mục tiêu, trong đó hệ thống Tân Mỹ được đầu tư đường ống thép, quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước, giúp Ninh Thuận giải quyết được vấn đề thiếu nước, hạn hán và đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế.

PV: Với những điều kiện trên, ông cho rằng đâu là lợi thế về thu hút đầu tư của địa phương?

Ông Lê Phạm Quốc Vinh: Về thu hút đầu tư của địa phương, bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và địa lý, Ninh Thuận có các lợi thế để thu hút đầu tư như sau:

Thứ nhất về cơ chế chính sách, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Đây là chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Trung ương tổng kết và tiếp tục đề xuất chính sách mới để hỗ trợ.

Ninh Thuận áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 1.

Vịnh Vĩnh Hy (Ảnh: Nguyễn Văn Quang)

Trong đó, toàn bộ các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo địa bàn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách ưu đãi tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp. Cụ thể, đối với việc xây dựng hạ tầng các KCN Phước Nam, Du Long, Cà Ná, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian và được ưu đãi thuế TNDN với thuế suất 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.

Thứ hai, về hạ tầng giao thông, thủy lợi, Ninh Thuận có đường ven biển dài 105km, là cung đường biển dài và đẹp nhất cả nước, mở ra không gian mới cho phát triển các ngành kinh tế biển, và phát triển các đô thị, du lịch ven biển. Tỉnh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối cả hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc, cảng biển, kết nối Ninh Thuận với các trung tâm kinh tế lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên; các kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 2.

Bảo tàng Ninh Thuận (Ảnh: iVIVU.com)

Ninh Thuận có sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nghiên cứu chuyển đổi thành sân bay lưỡng dụng. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng đề án khai thác sân bay Thành Sơn để huy động nguồn lực xã hội hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để triển khai thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và liên kết phát triển vùng.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt độc đáo nhất Đông Nam Á đang được Trung ương có chủ trương cho khôi phục lại, tạo sức hấp dẫn cho phát triển du lịch, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu mét vuông, đây là dự án đa mục tiêu, hiện đại nhất cả nước hiện nay mang lại hiệu quả lớn cho sản xuất nông nghiệp, với hệ thống ống kín liên thông các hồ chứa và hệ thống van điều tiết có áp có thể nối trực tiếp với các hệ thống tưới tiết kiệm như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt…

Thứ ba, về không gian phát triển, Ninh Thuận có lợi thế về quỹ đất, còn nhiều dư địa cho phát triển, cơ hội tăng trưởng cao, với giá đất thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 20 - 30%). Về công nghiệp, Ninh Thuận có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 855ha đã đầu tư cơ bản hạ tầng kỹ thuật và 1 khu công nghiệp Cà Ná có diện tích 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư, mới lấp đầy khoảng 15%, còn quỹ đất khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.

PV: Kết quả về thu hút đầu tư trên địa bàn đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Phạm Quốc Vinh: Công tác thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, có lợi thế giúp Ninh Thuận đạt kết quả tích cực.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 40 dự án với tổng mức đầu tư 22.161 tỷ đồng. Đến nay, có 445 dự án với tổng mức đầu tư 195.240 tỷ đồng còn hiệu lực đang thực hiện (trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài 35 dự án, tổng mức đầu tư 23.687 tỷ đồng); có 315 dự án với mức đầu tư 109.526 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 70,8% số dự án đóng góp tích cực cho tăng trưởng của tỉnh.

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng thị trường bất động sản Ninh Thuận trong thời gian qua?

Ông Lê Phạm Quốc Vinh: Vào giai đoạn trước đây, các dòng sản phẩm bất động sản tại Ninh Thuận có giá thị trường khá thấp, cũng có rất ít nhà đầu tư quan tâm. Hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện, các dự báo về thị trường thiếu và không sát với thực tế.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, Ninh Thuận đã thu hút và triển khai thành công nhiều dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, qua đó đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 3.

Với khát vọng và mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2050, xây dựng Ninh Thuận trở thành miền đất hội tụ những giá trị khác biệt, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng chính quyền và nhân dân, Ninh Thuận đang là một trong những điểm sáng hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản.

Đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đang quy hoạch xây dựng trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước được các nhà đầu tư chiến lược quan tâm đầu tư với các dự án trọng điểm, như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná là cảng nước sâu của khu vực; trung tâm điện khí LNG Cà Ná; hạ tầng khu công nghiệp; tổng kho xăng dầu; chế biến hóa chất sau muối…

Đồng thời, với chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, Ninh Thuận đang được các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhiều khu đô thị mới, đô thị ven biển đang được ưu tiên đầu tư là điểm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu và đầu tư.

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 4.
Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 5.
Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 6.

Ninh Thuận có thế mạnh thu hút đầu tư bất động sản du lịch

Với những sự phát triển và đột phá như trên, thị trường bất động sản cũng vì thế mà trở nên sôi động khi các nhà đầu tư thường xuyên săn lùng những vị trí đẹp, có tiềm năng tăng trưởng bền vững để “đón sóng” từ cú hích hạ tầng, du lịch và các dự án lớn đang được triển khai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Lượng giao dịch bất động sản hàng năm trên địa bàn tỉnh còn thấp, chủ yếu là giao dịch về đất nền và nhà ở, không có các loại hình khác như biệt thự cho thuê, văn phòng kết hợp lưu trú… Loại hình nhà ở xã hội ít, gần như được giao dịch hết qua các đợt xét nhu cầu cho các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê mua theo quy định.

Cũng như các địa phương trong cả nước, do sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và những vướng mắc về pháp lý đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án bất động sản, dẫn đến nguồn cung khan hiếm nên trong 2 năm vừa qua thị trường bất động sản khá trầm lắng.

PV: Vậy Ninh Thuận đang và sẽ triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững?

Ông Lê Phạm Quốc Vinh: Nhằm góp phần hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập các khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ; giải quyết về nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân với tiêu chuẩn môi trường sống cao trong khu đô thị, góp phần giãn dân trên địa bàn các huyện, thành phố, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4944/KH-UBND về việc triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, khu dân cư trong năm 2022 - 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh với 46 dự án.

Trong thời gian tới, khi các dự án khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh được triển khai, nhất là các dự án thuộc khu vực trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các dự án dọc dải ven biển được hình thành sẽ tạo nguồn cung dồi dào, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km (qua địa phận tỉnh Ninh Thuận dài 63km) đang được các đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Khi tuyến đường được lưu thông và khai thác sẽ là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về giao thông và khơi nguồn phát triển kinh tế - xã hội cho Ninh Thuận, qua đó mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục và phát triển.

Ninh Thuận: Hội tụ những giá trị khác biệt- Ảnh 7.

Hang Rái Ninh Thuận (Ảnh: Freepik)

Cùng với đó, sự phục hồi của ngành du lịch và chủ trương bổ sung Cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là những động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trên các lĩnh vực.

Với những cơ chế, sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, kỳ vọng trong thời gian tới thị trường bất động sản tỉnh Ninh Thuận sẽ sớm phục hồi và phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững, góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành miền đất hội tụ những giá trị khác biệt, kinh tế đa dạng, phát triển thịnh vượng theo mô hình tăng trưởng xanh và có môi trường sống tốt, bền vững.

Để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số giải pháp như sau:

Trước mắt, tỉnh tập trung vào việc công khai hóa các thông tin về quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch sử dụng đất để giúp các nhà đầu tư nắm bắt thông tin về thị trường một cách minh bạch, rõ ràng, để xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với định hướng của tỉnh; có sự kết hợp giữa bất động sản với các ngành khác như: du lịch, công nghiệp - thương mại - dịch vụ... để tạo sự đa dạng các loại hình bất động sản. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh bất động sản để khai thác hài hòa các phân khúc thị trường, tạo nên hệ sinh thái bất động sản và nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm ngành này.

Về lâu dài, Ninh Thuận thực hiện tốt những giải pháp đã được xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư công, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, vốn tư nhân để thực hiện quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về liên kết, hợp tác phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn; nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước…/.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top