Ninh Thuận sẽ hình thành và phát triển nhiều đô thị ven biển

Ninh Thuận sẽ hình thành và phát triển nhiều đô thị ven biển

Thứ Hai, 18/07/2022 - 06:06

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Để hiểu rõ hơn về những tiềm năng, cơ hội và thách thức, cũng như những định hướng trong phát triển đô thị ven sông, ven biển tại Ninh Thuận, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phan Tấn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

PV: Thưa ông, nói về việc hình thành, phát triển các đô thị khu vực ven sông, ven biển, tỉnh Ninh Thuận có những tiềm năng, lợi thế gì?

Ông Phan Tấn Cảnh: Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có tỉnh lỵ là TP. Phan Rang - Tháp Chàm và 6 huyện lỵ, có vị trí nằm ở trung tâm vùng liên kết phát triển “tam giác du lịch” Khánh Hòa - Bình Thuận - Lâm Đồng tạo điều thuận lợi kết nối du lịch.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án du lịch, khu đô thị, khu dân cư, trong đó nhiều dự án tập trung tại các khu ven biển. (Ảnh: T.N)

Ninh Thuận được thiên nhiên ưu ái với bờ biển dài 105km trải dài từ Bình Tiên tới Cà Ná với những bãi tắm có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng như rùa biển, san hô, bãi trồi... và có những khu vực cảnh quan sông nước rất đặc trưng như vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Bình Tiên, làng chài Đông Hải, hải đăng Mũi Dinh… Đặc biệt, tại khu vực phía Bắc tỉnh có Vườn Quốc gia Núi Chúa là khu bảo tồn sinh thái quan trọng đã được UNESCO công nhận là 1 trong 11 khu bảo tồn sinh quyển của Việt Nam.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn có nhiều hệ thống sông, suối, thác nước đẹp có tiềm năng du lịch như: Suối Lồ Ô, suối Kiền Kiền, suối Thương, suối nước nóng Tân Sơn (Krongpha), Đầm Nại, thác Chapơr, thác Tiên… và hệ thống các hồ chứa nước. Trong đó, hệ thống sông Cái Phan Rang (còn gọi là Sông Dinh) chạy bao quanh khu vực cửa ngõ phía Nam TP. Phan Rang - Tháp Chàm tạo nên những không gian mở, những tầm nhìn rất đẹp hai bên bờ sông.

Với những lợi thế cảnh quan thiên nhiên như trên kết hợp với sự đa dạng về văn hóa địa phương, Ninh Thuận hội đủ các yếu tố để phát triển các không gian ven biển mang tính đặc trưng và tính cạnh tranh với các tỉnh ven biển lân cận. Đây chính là những động lực chính để hình thành các khu đô thị du lịch ven sông, ven biển, tạo thành chuỗi đô thị động lực chính của tỉnh.

PV: Thực trạng các khu đô thị ven sông, ven biển tại Ninh Thuận hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tấn Cảnh: Mặc dù có đủ các yếu tố để phát triển nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có một số dự án khu đô thị ven sông, ven biển đã và đang được triển khai thực hiện. Cụ thể, các dự án khu đô thị ven biển gồm có: Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn, Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (đang triển khai thi công), Khu đô thị Đầm Cá Ná (mới được chấp thuận đầu tư, đang triển khai giải phóng mặt bằng). Trong khi đó, các dự án khu đô thị ven sông gồm có: Khu đô thị mới bờ sông Dinh (đã được chấp thuận đầu tư, đang triển khai giải phóng mặt bằng); Khu đô thị phía Bắc sông Dinh (đang lập hồ sơ đề xuất); Khu đô thị phía Nam bờ sông Dinh (đang kêu gọi xã hội hóa lập quy hoạch).

Nhìn chung, việc định hình phát triển các khu đô thị ven sông, ven biển đã có từ lâu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển còn chậm, chưa đồng bộ, thiếu kiểm soát, hình thái và kiến trúc khu đô thị ven sông chưa mang nét đặc trưng riêng.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các quy hoạch phát triển đô thị, nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển đô thị theo hướng bền vững, trước mắt hình thành các khu đô thị tập trung ven sông, ven biển có quy mô hợp lý, tăng tính liên kết vùng.

Một góc TP. Phan Rang – Tháp Chàm với sông Dinh chạy bao quanh khu vực cửa ngõ phía Nam tạo nên những không gian mở, tầm nhìn rất đẹp hai bên bờ sông. (Ảnh: Lê Văn Hùng)

PV: Theo ông, những khó khăn, thách thức địa phương cần giải quyết để có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại là gì?

Ông Phan Tấn Cảnh: Việc xây dựng và phát triển các đô thị ven sông, ven biển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tuy nhiên, để phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại thì cần phải cân nhắc, xem xét giải quyết được một số vấn đề.

Thứ nhất, về vấn đề môi trường: Khi các đô thị nói chung và các đô thị ven sông, ven biển nói riêng được hình thành và phát triển sẽ kéo theo sự gia tăng dân số, phát sinh chất thải, thoát nước đô thị… nếu không có sự kiểm soát tốt sẽ dẫn đến khả năng gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và cảnh quan đô thị.

Thứ hai, về vấn đề biến đổi khí hậu: Các đô thị ven sông, ven biển là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu do tình trạng nước biển dâng, ngập lụt, sạt lở đất… Do đó, để các khu đô thị ven sông, ven biển được phát triển theo hướng bền vững thì cần phải tính toán các giải pháp để ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Hiện nay, hầu hết sinh kế các cư dân đang sinh sống tại khu vực ven sông, ven biển đều phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên sẵn có (sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản), trong đó có nhiều làng nghề, làng chài đã tồn tại lâu đời. Do vậy, khi các đô thị được hình thành sẽ ảnh hưởng, làm xáo trộn đến đời sống và phong tục tập quán của người dân. Đồng thời, quá trình đô thị hóa sẽ làm mất cân bằng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên nước bị khai thác triệt để, nhiều cảnh quan thiên nhiên sẽ mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó như tình trạng đã và đang diễn ra tại một số khu đô thị trên cả nước. Do đó, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo cân bằng hài hòa giữa kinh tế, an sinh xã hội và môi trường sinh thái; giữa phát triển với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và bản sắc của địa phương.

PV: Tỉnh Ninh Thuận đã có những định hướng gì trong công tác quy hoạch các khu đô thị ven sông, ven biển nhằm phát triển một cách hiệu quả, bền vững, thưa ông?

Ông Phan Tấn Cảnh: Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, trong thời gian qua, từ Tỉnh ủy, UBND đến chính quyền địa phương đều chú trọng công tác lập quy hoạch nhằm xác định những hướng đi hiệu quả và bền vững. Cụ thể, Ninh Thuận đã thuê tập đoàn Monitor của Mỹ và Tập đoàn Arup của Anh để lập chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồ án quy hoạch phát triển TP. Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh. Hiện nay, Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai lập Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ và Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030. Một trong những định hướng được xác định xuyên suốt qua các thời kỳ là phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bản sắc địa phương và giữ gìn tính nguyên bản của cảnh quan tự nhiên; đồng thời ngành du lịch chính là động lực thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị và các ngành kinh tế khác.

Theo định hướng được xác định trong Quy hoạch tỉnh, trong tương lai, Ninh Thuận sẽ phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và hình thành dải ven biển phát triển theo cấu trúc không gian đan xen hỗn hợp đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Định hướng phát triển và tổ chức không gian các đô thị du lịch, các khu chức năng được gắn kết với hướng phát triển của những đô thị ven biển.

PV: Với việc chú trọng phát triển các khu đô thị ven sông, ven biển, diện mạo TP. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung sẽ có những thay đổi như thế nào trong tương lai, thưa ông?

Ông Phan Tấn Cảnh: Trong tương lai, khi các khu đô thị ven sông, ven biển được hình thành, diện mạo TP. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung được dự báo là một điểm đến hấp dẫn với những giá trị khác biệt. Ninh Thuận sẽ được nhắc đến với nét đặc trưng là các khu đô thị bền vững, độc đáo và đẳng cấp. Những khu vực “mặt tiền sông” sống động, ở đó hình thành lối đi dạo dọc dòng sông kết nối với các không gian công cộng, đóng vai trò tiện ích công cộng và liên kết với mạng lưới địa phương hoặc những khu đô thị sinh thái du lịch dọc dải ven biển với cấu trúc đô thị mở, tiếp giáp ven biển, đa dạng về chức năng, loại hình sẽ là những nét đặc trưng khi nhắc về Ninh Thuận.

PV: Công tác quy hoạch khu vực ven sông, ven biển tại Ninh Thuận sẽ giúp gì cho địa phương trong công tác thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời góp phần như thế nào vào việc gia tăng giá trị bất động sản?

Ông Phan Tấn Cảnh: Không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở cả các thành phố lớn trên thế giới, bất động sản ven sông, ven biển luôn là loại hình mà giới đầu tư địa ốc ưa chuộng do trong không gian đô thị hiện đại, hướng nhìn ra sông, biển hoặc bến cảng sẽ tạo cảm giác cởi mở và kết nối với thế giới tự nhiên, phù hợp phong cách sống, thích hợp cho nghỉ dưỡng. Do vậy, bất động sản tại những khu vực này có giá trị lớn hơn rất nhiều so với những khu vực còn lại, đặc biệt là phân khúc vừa ở vừa kinh doanh. Điều này khiến các nhà đầu tư không ngừng nỗ lực đáp ứng xu thế, nhu cầu của khách hàng. 

Bất động sản ven sông, ven biển luôn là loại hình mà giới đầu tư địa ốc ưa chuộng. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Hiện nay, quỹ đất ven sông, ven biển ngày càng hạn hẹp và trở nên khan hiếm, do vậy, cần có sự hoạch định tổng thể và có tầm nhìn chiến lược để phát triển các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án bất động sản ven sông, ven biển để tạo ra sự thu hút, quan tâm, đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng; có chiến lược nhằm tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho thị trường bất động sản đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

PV: Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án bất động sản. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Ninh Thuận có Quyết định số 633/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có hàng loạt dự án bất động sản, gồm các khu đô thị, khu dân cư, dự án du lịch… được tỉnh phê duyệt kêu gọi đầu tư. Ông có thể cho biết đến thời điểm này, tình hình thu hút đầu tư tại địa phương đã có những kết quả như thế nào?

Ông Phan Tấn Cảnh: Ngày 16/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 633/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 31 dự án khu dân cư, khu đô thị. Đến nay, đã có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư với tổng diện tích là 119,57ha và tổng mức đầu tư khoảng 7.264 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; 8 dự án đang lập hồ sơ đề xuất đầu tư; các dự án còn lại đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư. Trong đó, tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý để kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như dự án Khu đô thị Đầm Nại, Khu đô thị phía Nam sông Dinh, Khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn…

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát để bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! 

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top