Theo số liệu thống kê tổng hợp 27 ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam của FiinGroup, tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm 2021.
Tính đến hết 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng ghi nhận 120.938 tỷ đồng tăng 20%, riêng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 40% lên hơn 62.316 tỷ đồng, chiếm 51,5% trên tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,84% thời điểm đầu năm lên 2,13%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 113% lên 118%.
Về tỷ lệ nợ xấu, 13/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Ngoài NCB (tỷ lệ nợ xấu 11%) và VPBank (5,2%), VietBank (UPCoM: VBB) cũng là ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên 3%, ở mức 3,7%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietBank giảm từ 49,7% đầu năm xuống còn 39,5%.
Các nhà băng như VietCapital Bank, PGBank, SHB, VIB, ABBank cùng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên 2%.
Ở hướng ngược lại, top 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% tính đến hết quý II là Techcombank, Vietcombank, BacABank, ACB và TPBank. Trong đó, Techcombank (HoSE: TCB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của ngân hàng ở mức 0,6%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 162% lên 171,6%.
Sau Techcombank, Vietcombank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,61%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành đạt 506%.
Nợ xấu nhóm 5 tăng
Tính đến hết 30/6, VietinBank (HoSE: CTG) ghi nhận nợ xấu nhóm 5 cao nhất toàn ngành, vượt BIDV, với hơn 11.858 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với đầu năm, chiếm 71% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên hơn 1,34%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 180% lên 189%.
BIDV (HoSE: BID) xếp vị trí thứ hai với nợ nhóm 5 hơn 8.604 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tổng nợ xấu ghi nhận 15.139 tỷ đồng, tăng 11,8%. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 36% lên hơn 39.742 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 214% lên 262%
VPBank (HoSE: VPB) đứng thứ ba, ghi nhận nợ nhóm 5 tăng hơn 2,4 lần lên 4.970 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 20% lên 9.091 tỷ đồng. Hết quý II, tỷ lệ nợ xấu vượt 5,2% tổng nợ xấu cao nhất toàn ngành với hơn 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm.
Bên cạnh VPBank, NCB (HNX: NVB) cũng là ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng cao trong quý II. NCB ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 4.899 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 tăng 90% lên 1.143 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 14,5 lần lên 2.626 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 2,4 lần lên 1.129 tỷ đồng.
Ngoài ra, NCB ghi nhận nợ xấu 3%, hết quý II tăng lên 11,04%, tương đương với việc cứ 100 đồng nợ tại NCB thì có đến 11 đồng là nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 55% xuống còn 17,5%.
MB (HoSE: MBB) cũng là nhà băng ghi nhận khoản nợ xấu nhóm 5 tăng cao so với đầu năm, nợ xấu nhóm 5 ghi nhận 1.826 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 cũng ghi nhận tăng lần lượt 38% và 15%, tương ứng với 1.981 tỷ đồng và 1.167 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,89% lên hơn 1,19%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 267% xuống còn 221%.
4 ngân hàng gồm VIB, VietBank, ACB và TPBank cùng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng trên 50%, trong đó VIB ghi nhận nợ xấu nhóm 5 là 2.210 tỷ đồng (tăng 68%), VietBank ghi nhận 1.488 tỷ đồng (tăng 61,5%), ACB ở mức 2.190 tỷ đồng (tăng 59%) và TPBank ghi nhận 448 tỷ đồng (tăng 51%).
Trên tổng số 27 ngân hàng, chỉ có 3 nhà băng ghi nhận nợ nhóm 5 giảm so với đầu năm. Theo đó, Sacombank (HoSE: STB) ghi nhận nợ nhóm 5 ở mức 4.242 tỷ đồng, giảm 6,3%, tại MSB ( HoSE: MSB ) nợ xấu nhóm 5 giảm 1,6% xuống còn 939 tỷ đồng, BacABank ( HNX: BAB ) ghi nhận giảm 0,2% ở mức 552 tỷ đồng.
Sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 6%. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức 1,4%. Tuy nhiên sau 6 tháng vừa qua, Thông tư 14 hết hiệu lực và nếu không được gia hạn thì một số khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm và làm gia tăng nợ xấu.
Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu. Theo đó, những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 cần phải xử lý nốt trong thời gian được gia hạn. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu, phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.
Nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhóm chuyên gia lưu ý về việc ngành ngân hàng đã phải đối mặt với những khó khăn do lo ngại về lạm phát, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14 kết thúc. Tuy nhiên, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng và các ngân hàng Việt Nam có thể vượt qua mọi rủi ro về chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng lớn và việc kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia VNDirect nhận định nợ xấu tăng lên trong những tháng tới cũng là điều đáng lưu ý khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên tới 7,3% nếu tính cả các khoản cho vay tái cơ cấu và nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), tương đương mức nợ xấu giai đoạn 2016 - 2017.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016 - 2017. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết các ngân hàng vào cuối năm 2021. Mặt khác, các ngân hàng cũng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu thay vì mức 30% như quy định. Theo quan điểm của nhóm chuyên gia, nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ có thể giảm thiểu được tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới./.