Aa

Nợ đọng ở mức… nghiêm trọng

Thứ Tư, 21/03/2018 - 14:00

Một lần nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2018 cơ quan quản lý phải xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ mới.

Con số nợ đọng thực tế còn lớn hơn rất nhiều

Con số nợ đọng thực tế còn lớn hơn rất nhiều

Theo Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 thì nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách TW là hơn 9.557 tỷ đồng. Còn trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến đầu năm 2016, số nợ đọng là hơn 15.000 tỷ đồng.

Số nợ đọng không hồi kết

Các địa phương có nợ đọng lớn gồm: Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, số nợ xấu (trên 160.000 tỷ đồng tính đến hết 2016), bao gồm cả 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi hàng loạt đơn vị đang bị nợ tới vài nghìn tỷ đồng.

“Chỉ riêng với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tổng số nợ đọng đã là 2.644 tỷ đồng. Điển hình các công trình chưa bố trí đủ vốn như: dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 1A, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, chương trình rà soát bom mìn vật nổ 504...”, ông Đào Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết.

Mặc dù Thủ tướng đã có nhiều văn bản nhắc nhở về nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đầu tiên phải kể đến Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm trước ngày 20/5/2013 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tiếp đó, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ Tài chính - NSNN năm 2013 yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Thế nhưng theo số liệu từ Phó Chủ tịch VACC Dương Văn Cận chia sẻ thì tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các dự án đầu tư xây dựng trong cả nước đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu, dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, đầu tư kém. Vấn đề này nếu không có biện pháp xử lý thì sẽ không có hồi kết.

Giải pháp đồng bộ

Các chuyên gia chỉ rõ, một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều “kẽ hở”, thiếu các quy định cụ thể nhằm hạn chế nợ đọng, chưa đủ chế tài mạnh tạo sức ép buộc chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký.

Điển hình như theo Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành Trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng cơ bản, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Thế nhưng, trên thực tế, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn phát sinh và chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự vì tội danh này.

Ông Dương Văn Cận cho rằng, để giảm dần gánh nặng nợ đọng xây dựng cơ bản, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Thứ nhất, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Trước mắt, cần sửa ngay các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, trong đó có những quy định mang tính “bắt chẹt” các nhà thầu. Cũng cần sửa đổi những cơ sở pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể đưa nhanh việc đòi nợ ra tòa án hay trọng tài kinh tế.

Thứ hai, các chủ đầu tư cần có cơ chế giám sát đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc phối hợp với các nhà thầu để giải ngân thanh toán đúng luật. Các doanh nghiệp hành nghề xây dựng cũng cần thận trọng hơn trong việc đấu thầu hoặc xin được chỉ định thầu.

Thứ ba, hợp đồng xây dựng phải bảo đảm cơ sở pháp lý và có chế tài xử lý các sai phạm, nhất là sai phạm về việc thanh quyết toán.

"Một biện pháp quan trọng nữa là thực hiện xử lý và truy cứu trách nhiệm cả tập thể và các cá nhân sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước của Chính phủ - Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra việc nợ đọng vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản" - ông Cận nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top