Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần

Thứ Hai, 12/05/2025 - 07:13

Big Invest Group được thành lập tháng 11/2017, tiền thân là Công ty CP Thiết bị Công nghệ Nam Sơn và hoạt động trong lĩnh vực mua bán vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công trình, cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc thiết bị công trình với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Năm 2019, nhằm mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, Đại hội cổ đông đã nhất trí thông qua việc đổi tên thành Công ty Cổ phần Bất động sản Big Group, kinh doanh về tư vấn và môi giới bất động sản. Đồng thời, Công ty cũng đã thực hiện hai đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng.

Trước thời điểm niêm yết, vào tháng 9/2021, Công ty chỉ có 2 cổ đông lớn là Chủ tịch Võ Phi Nhật Huy và em trai Võ Phi Nhật Quang sở hữu 46,46% vốn điều lệ; còn lại 53,32% thuộc về nhóm cổ đông nhỏ. Ngày 10/1/2022, Big Group đưa Công ty Cổ phần Big Invest Group chính thức giao dịch ở sàn chứng khoán UPCOM với mã BIG.

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần- Ảnh 1.

Ông Võ Phi Nhật Huy, Chủ tịch HĐQT Big Invest Group - người từng gây xôn xao khi đặt mục tiêu IPO tại Mỹ vốn hóa 200 tỷ USD vào năm 2025 (Ảnh: BIG)

Ông Võ Phi Nhật Huy là người sáng lập Big Invest Group, từng gây xôn xao khi đặt mục tiêu IPO tại Mỹ vốn hóa 200 tỷ USD vào năm 2025. Doanh nhân này cũng đưa ra tầm nhìn cho Big Invest Group là trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành, nắm giữ nhiều thương vụ thành công với 7 giá trị cốt lõi, trong đó có "thay đổi thế giới". Mặc dù đưa ra nhiều kế hoạch tham vọng, song thực tế kinh doanh của Big Invest Group lại là hình ảnh đối nghịch.

Tính đến cuối năm 2024, nợ phải trả của Big Invest Group đạt 195,9 tỷ đồng, tăng 49,2% so với đầu năm 2024 là 131,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 120,55% so với vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Big Invest Group cuối năm 2024 là 1,21 lần, tức là doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 1,21 đồng nợ để đầu tư cho mỗi 1 đồng vốn chủ sở hữu.

Điều này dẫn đến việc Big Invest Group triển khai nhiều đợt huy động vốn để tái cấu trúc tài chính và thanh toán các khoản nợ. Cụ thể, tháng 10/2024, Big Invest Group chào bán 9,335 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động tổng cộng 93,35 tỷ đồng. Số tiền thu về, Big Invest Group dùng hơn 48 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay tại các tổ chức tín dụng; còn lại 45 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ phát sinh do mua tài sản tăng quy mô kinh doanh.

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần- Ảnh 2.

Tính đến cuối năm 2024, nợ phải trả của Big Invest Group đạt 195,9 tỷ đồng, tăng 49,2% so với đầu năm 2024 (Ảnh: BIG)

Năm 2025, Big Invest Group cũng dự kiến chào bán gần 10,56 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi thị giá đóng cửa ngày 9/5 (4.800 đồng/cổ phiếu) để huy động 105,59 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được dùng để trả nợ các tổ chức tín dụng là Ngân hàng VPBank, Ngân hàng Agribank và Ngân hàng HDBank.

Để thu hút sự chú ý của cổ đông bên ngoài, Big Invest Group chia sẻ: "Do những nguyên nhân khách quan của thị trường chứng khoán đã làm cho giá cổ phiếu BIG trên thị trường hiện vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại. Cổ phiếu BIG đang bị định giá thấp và chưa phản ánh đúng tiềm năng thực sự của doanh nghiệp. Đây là một cơ hội đầu tư vô cùng hấp dẫn cho các cổ đông có tầm nhìn dài hạn - khi mà doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những chiến lược tái cấu trúc toàn diện và mục tiêu lớn".

Mặt khác, Công ty đang mở rộng lĩnh vực thương mại xuất khẩu nông sản với mặt hàng chủ lực là sầu riêng và mang lại kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Năm 2024, BIG ghi nhận doanh thu thuần hơn 460 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng nông sản, đặc biệt là sầu riêng, đã vượt qua mảng thương mại vật liệu xây dựng, vốn chiếm khoảng 80% doanh thu trong ba năm qua.

Theo lãnh đạo Big Invest Group, doanh thu từ cả mảng nông sản và vật liệu xây dựng đều đạt trên 200 tỷ đồng, trong khi các mảng khách sạn và mảng khác đóng góp tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng.

"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đưa BIG trở thành một tập đoàn đa ngành nghìn tỷ, tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE trong tương lai 3 đến 5 năm nữa. Chúng tôi tin rằng, với định hướng rõ ràng, nền tảng tài chính vững chắc và sự quyết tâm từ đội ngũ lãnh đạo, BIG sẽ tạo ra những giá trị vượt trội, lâu dài và bền vững cho toàn thể cổ đông.

Giữ cổ phiếu BIG hôm nay là nắm giữ tương lai. Mua thêm cổ phiếu BIG hôm nay là đón đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, niềm tin và sự đầu tư lâu dài từ quý cổ đông - những người sẽ cùng chúng tôi xây dựng nên một tập đoàn mang tầm vóc mới: Big Group Holdings", ông Võ Phi Nhật Huy, Chủ tịch HĐQT Big Invest Group gửi thông điệp trong báo cáo thường niên năm 2024.

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần- Ảnh 3.

1 trong 7 giá trị cốt lõi của Big Invest Group là "thay đổi thế giới" (Ảnh chụp màn hình)

Về dữ liệu sức khỏe tài chính gần nhất (năm 2024), ước tính giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu BIG là 10.770 đồng/cổ phiếu (vốn chủ sở hữu là 162,3 tỷ đồng/số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 15.084.689). Tính đến ngày 9/5/2025, giá đóng cửa cổ phiếu BIG là 4.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 55,8% so với giá trị sổ sách..

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào chất lượng tài sản, mặc dù Big Invest Group sở hữu tổng tài sản 359 tỷ đồng nhưng tài sản này chủ yếu nằm ở bên thứ ba và vốn chủ sở hữu chỉ 162,3 tỷ đồng, còn lại 195,9 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm khoảng 120,55% nguồn vốn. Trong đó, BIG Invest Group ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn ngày một "phình to", từ 53,67 tỷ đồng vào cuối năm 2023, lên 159,49 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Cùng với sự "phình to" của các khoản phải thu liên quan tới bên thứ ba, BIG Invest Group còn đang thâm hụt dòng tiền kinh doanh trong các năm liên tiếp.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp thường truyền thông rằng cổ phiếu đang bị định giá thấp so với giá trị thực (giá sổ sách trên mỗi cổ phiếu là 10.770 đồng, nhưng cổ phiếu BIG chỉ giao dịch quanh mức 4.800). Mục tiêu của thông điệp này là kêu gọi niềm tin của nhà đầu tư rằng thị trường đang "đánh giá sai" doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, giá trị sổ sách không phản ánh đầy đủ sức khỏe dòng tiền, chất lượng tài sản hay khả năng sinh lời. Đặc biệt, nếu tài sản gồm nhiều khoản phải thu khó đòi hoặc đất nông nghiệp chưa tạo dòng tiền thực thì "giá trị sổ sách" chỉ là con số kế toán.

Trái với câu chuyện kỳ vọng cổ phiếu đang giao dịch dưới giá sổ sách, lãnh đạo Big Invest Group thời gian gần đây liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu. Ông Võ Phi Nhật Huy, Chủ tịch HĐQT Big Invest Group bán thêm 172.600 cổ phiếu BIG để giảm sở hữu từ 2.672.653 cổ phiếu (17,72% vốn điều lệ), về 2.500.053 cổ phiếu (16,57% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện từ ngày 14/2 đến ngày 13/3.

Trước đó, từ ngày 5/12/2024 đến ngày 12/12/2024, ông Huy đã bán ra toàn bộ 800.000 cổ phiếu BIG tự do chuyển nhượng để giảm sở hữu từ 23,02% về 17,72% vốn điều lệ.

Hiện tại, ông Huy chỉ giữ lại toàn bộ 2,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới mua năm 2024 đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm không thể bán được.

Lý giải động thái bán cổ phiếu dù giá thị trường đang thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, ông Huy chia sẻ, việc bán ra 800.000 cổ phiếu BIG để đầu tư hạ tầng kho vựa, nhà xưởng và hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh sầu riêng.

Tuy nhiên, thực tế sở hữu cổ phiếu BIG là sở hữu của cá nhân ông Huy và theo nguyên tắc kế toán, ông Huy bán và đầu tư nhà xưởng, hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh sầu riêng thì sẽ tách bạch với Big Invest Group.

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần- Ảnh 4.

Ban lãnh đạo Big Invest Group tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 (Ảnh: BIG)

Không chỉ ông Huy, trước đó, ngày 12/12/2024, bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Tổng giám đốc đã bán ra 25.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,87% về 0,71% vốn điều lệ. Ông Kiều Văn Khoa, Uỷ viên HĐQT Big Invest Group bán ra 50.100 cổ phiếu BIG để giảm sở hữu từ 405.248 cổ phiếu (2,69% vốn điều lệ) về 355.148 cổ phiếu (2,35% vốn điều lệ), giao dịch thực hiện từ ngày 20/12/2024 đến ngày 3/1/2025.

Việc lãnh đạo công ty – những người hiểu rõ nội tình nhất liên tục bán cổ phiếu, trong bối cảnh cổ phiếu BIG giao dịch thấp hơn nhiều giá sổ sách phát đi tín hiệu cảnh báo với nhà đầu tư bên ngoài. Việc lãnh đạo thoái vốn quy mô lớn, đồng loạt và giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức thấp đặt ra nghi vấn về cam kết gắn bó dài hạn với doanh nghiệp.

Mặt khác, báo cáo tài chính của Big Invest Group gần đây cho thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm (lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2024 là âm 25 tỷ đồng; lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư là âm 59,4 tỷ đồng), nghĩa là doanh nghiệp không tạo ra tiền thực từ hoạt động cốt lõi. Các khoản phải thu lớn (khoản thu ngắn hạn là 159,49 tỷ đồng), đồng nghĩa với việc Big Invest Group bán hàng hoặc hợp tác đầu tư nhưng chưa thu được tiền. Lợi nhuận không đi kèm với dòng tiền thì rủi ro cho nhà đầu tư là rất cao.

Bước sang năm 2025, Big Invest Group tuyên bố sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc toàn diện và hoạt động dưới tên gọi mới: Big Group Holdings. Big Invest Group cũng định hướng đưa công ty trở thành một tập đoàn đầu tư đa ngành, vận hành theo mô hình holdings hiện đại, minh bạch và hiệu quả - nhằm tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông.

Theo đó, Big Invest Group sẽ lập các doanh nghiệp thành viên phụ trách trực tiếp từng hoạt động kinh doanh và hợp nhất kết quả về cho công ty mẹ. Trong năm 2025, Big Invest Group dự kiến thành lập công ty thành viên phụ trách mảng thương mại và xuất nhập khẩu nông sản. Bên cạnh mặt hàng trái cây, Big Invest Group cũng sẽ kinh doanh các loại nông sản thô như cà phê, tiêu.

Với nền tảng mới, Big Invest Group đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 khoảng 50 tỷ đồng, lấy kinh doanh nông sản làm trọng tâm (doanh dự kiến 30 tỷ đồng). Bên cạnh đó, mảng thương mại sắt thép vẫn giữ tỷ trọng ổn định, sẽ mang về khoảng 150 tỷ đồng trong năm 2025. Các hoạt động còn lại gồm môi giới bất động sản, đầu tư tài chính và hoạt động chuỗi khách sạn BIG Hotel đóng góp khoảng 50 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với chuỗi BIG Hotel, HĐQT Big Invest Group cho biết sẽ mở rộng thêm mạng lưới khách sạn một số thành phố lớn. Dù đóng góp doanh thu không lớn, nhưng chuỗi BIG Hotel đang mang về cho Big Invest Group dòng tiền đều đặn. Hiện tại, Big Invest Group có 5 khách sạn hoạt động tại Lào Cai, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. Và dự kiến sẽ mua tiếp một khách sạn ở Cần Thơ trong năm nay.

Với kết quả kinh doanh 2024 và kế hoạch tăng trưởng trong 2025, Big Invest Group sẽ triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán ngay để mở rộng cơ hội huy động vốn và gia tăng giá trị cho cổ đông.

Dù vậy, việc Big Invest Group mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trồng sầu riêng, cà phê thô và mua đất nông nghiệp mang lại tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro.

Nợ "phình to", cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo Big Invest Group ồ ạt bán cổ phần- Ảnh 5.

Ban Lãnh đạo BIG khai trương vựa nông sản tại Cần Thơ (Ảnh: BIG)

Với sầu riêng, mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm hơn 90% thị phần. Điều này khiến Big Invest Group dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động chính sách nhập khẩu, kiểm dịch và nhu cầu tiêu dùng từ thị trường. Mặt khác, đây là loại nông sản tươi, có thời gian thu hoạch ngắn và yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt. Việc không kiểm soát tốt chất lượng đầu vào có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp và nông dân đổ xô trồng sầu riêng theo "trend" có thể dẫn đến dư cung, khiến giá giảm mạnh trong tương lai.

Đối với cà phê thô, giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế thường xuyên biến động do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và chính sách thương mại toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng cũng phải cạnh tranh với các nước như Brazil, Colombia… Do vậy, việc gia nhập thị trường này đòi hỏi Big Invest Group phải có chiến lược rõ ràng để cạnh tranh hiệu quả.

Đối với việc mua đất và phát triển vùng trồng nông sản, việc này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, đặc biệt là với cây trồng lâu năm như sầu riêng và cà phê. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền sở hữu và các quy định liên quan đến đất nông nghiệp có thể thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của Big Invest Group.

Đặc biệt, Big Invest Group đang phải huy động vốn để trả nợ, cho thấy áp lực tài chính lớn. Việc mở rộng đầu tư vào nông nghiệp có thể làm gia tăng gánh nặng nợ nếu không được quản lý chặt chẽ.

Ngoài ra, việc lãnh đạo công ty bán ra cổ phiếu trong bối cảnh giá giảm mạnh có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top