Aa

Nở rộ kinh doanh homestay tại Sài Gòn

Thứ Ba, 02/10/2018 - 06:01

Là mô hình kinh doanh mới nở rộ vài năm trở lại đây, homestay (loại hình lưu trú của khách du lịch tại địa phương) ngày càng được nhà đầu tư cá nhân (NĐT) quan tâm, đặc biệt những NĐT trẻ tuổi.

Bùng nổ tại TP.HCM

Nếu trước đây homestay thường được đặt tại những khu vực phát triển du lịch như Sapa, Hội An, Đà Lạt, Bình Thuận… thì hiện nay TP.HCM đang là "điểm ngắm" của nhiều NĐT cá nhân bởi những lợi thế về du lịch và tiện ích sống.

Theo ghi nhận, những căn hộ tại khu trung tâm TP.HCM đang được các NĐT thuê lại và đầu tư homestay cho khách du lịch bụi hoặc đối tượng khách đi công tác thuê lại. Mô hình kinh doanh này đang mang lại lợi nhuận đáng kể cho NĐT.

Chị Phương Thảo (33 tuổi), chủ Lela homestay Saigon ký hợp đồng thuê 5 năm một căn hộ tại chung cư cũ ở Q.1. Sau thuê, chị Thảo tiến hành sơn tường, đặt nội thất, gắn đèn, giường tầng để cho du khách thuê lại. Một căn hộ, chị Thảo thiết kế 12 giường ngủ với 8 giường đơn và 4 giường đôi.

Mỗi chiếc giường ngủ đơn được tính từ mức giá chỉ 250.000- 350.000 đồng/ mỗi du khách. Theo cách NĐT này nói thì đó là ngôi nhà chia sẻ không gian sinh hoạt chung với nhau, mọi người cùng nhau chia sẻ chi phí khi đi du lịch.

Được biết, thời gian đầu khi mới đầu tư homestay do khách chưa biết tới nhiều nên chị Thảo phải bù lỗ cho chi phí marketing. Sau này, lượng khách thuê ổn định đã đem lại cho NĐT này nguồn thu nhập kha khá mỗi tháng.

Anh Võ Hoàng Hải người sáng lập chuỗi homestay Bare Boutique stays ở TP.HCM cho biết: "Ban đầu tôi thuê lại các chung cư cũ có giá mềm từ 5 - 7 triệu đồng xung quanh khu vực trung tâm Q.1, sau đó đầu tư sửa chữa, mua sắm nội thất để cho khách du lịch, người đi công tác thuê lại. Tiếp đến tôi mở rộng thuê lại căn nhà rồi đầu tư cải tạo, thuê cả nhân viên bảo vệ để dành cho nhóm khách có nhu cầu cao cấp hơn khi đến Việt Nam".

Mô hình homestay đang nở rộ ở trung tâm Sài Gòn.

Mô hình homestay đang nở rộ ở trung tâm Sài Gòn.

Theo NĐT này, người kinh doanh homestay thường sử dụng 2 hình thức là thuê nhà phố và căn hộ chung cư có phòng cho thuê hoặc có thể sử dụng chính căn hộ của mình để kinh doanh. Anh Hải cho biết, lượng khách lưu trú tại các homestay của anh hiện đang chiếm ưu thế là khách Hàn Quốc và Trung Quốc.

Họ sẵn sàng chi trả từ 7 trăm ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng cho một phòng ngủ dạng chung cư có thiết kế đẹp, vị trí ở gần các điểm du lịch tại Q.1. "Khi có thu nhập ổn định, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng tại các điểm du lịch lớn như Đà Lạt, Phan Thiết để hình thành các điểm lưu trú kết nối cho du khách nước ngoài khi trung chuyển đến các điểm du lịch hấp dẫn", NĐT này cho hay.

Theo tìm hiểu, ngoài hình thức căn hộ với phòng ngủ riêng biệt thì loại hình phòng ngủ tập thể giống kí túc xá với thiết kế nhiều giường trong 1 căn hộ cũng rất thịnh hành tại TP.HCM hiện nay. Loại hình lưu trú này hướng đến khách có thu nhập thấp, khách thích du lịch bụi, hay khách du đi một mình.

Cạnh tranh mạnh mẽ về giá

Theo thống kê của AirBnB - ứng dụng kết nối trựctiếp người có phòng cho thuê với người đi thuê phòng ngủ phục vụ du lịch,tính đến tháng 6/2018 tại TP.HCM có 25.000 căn hộ kinh doanh theo hình thức homestay. Cùng thời điểm này vào năm 2015 thành phố mới có khoảng 2.000 căn hộ kinh doanh theo hình thức này. Homestay tạo ra phân khúc cho người Việt Nam đi công tác, khách quốc tế đến TP.HCM trải nghiệm và trung chuyển đến các điểm du lịch khác.

Theo các NĐT, mỗi một phòng ngủ cho thuê có thể thu về từ 7 - 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí, đem lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn hơn so với việc cho thuê căn hộ dài hạn. Đặc biệt việc tìm kiếm khách hàng rất dễ dàng nhờ sự hỗ trợ của hàng loạt ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Các ứng dụng như booking, agoda, AirBnB sẽ tính phí các chủ căn hộ khi có giao dịch đặt phòng. Chẳng hạn, ứng dụng AirBnB thu khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 - 12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, đầu tư kinh doanh homestay phát triển ồ ạt đặt ra một thách thức lớn và tạo ra thị trường cạnh tranh mạnh mẽ về giá. Do đó, để giữ giá thấp, thu hút khách thì ngoài thu tiền từ phòng ở thì các NĐT homestay còn kiếm thêm thu nhập phụ từ việc bán tour hưởng hoa hồng, bán các sản phẩm cho du khách.

Ngoàira, thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi hình thức kinh doanh homestay thiếu chuyên nghiệp, quảng bá sai sự thật. Theo một số NĐT, sai lầm khi kinh doanh homestay là NĐT thường quảng cáo quá sự thật, hình ảnh quảng bá khác xa so với thực tế, như vậy, khách đến một lần thường sẽ không quay lại.

Ông Phan Công Chánh, Chuyên gia bất động sản cá nhân cho biết: Đầu tư kinh doanh loại hình homestay hôm nay có thể thắng nhưng ngày mai có thể thua vì đây là loại hình chủ yếu phục vụ khách đi phượt, khách luôn đòi hỏi sự mới lạ. Do đó lượng khách quay lại ở lần 2 thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Người trẻ đầu tư kinh doanh homestay cần cân nhắc chi phí đầu tư ban đầu và chi phí quảng bá, quản lý.

Anh Võ Hoàng Hải cho rằng, ở thị trường cạnh tranh thì sẽ an toàn hơn thị trường khôngcạnh tranh, tuy nhiên giá phải được tham chiếu và đưa ra mẫu số chung, không nên chênh lệch quá nhiều. Đồng thời, NĐT homestay không nên tập trung vào một kênh và một phân khúc khách hàng nhất định mà cần mở rộng các đối tượng khách để tăng thêm dịch vụ, thu nhập.

Ngoài ra, các chuyên gia BĐS cho rằng, các hộ kinh doanh nên chọn điểm mở homestay phải gần các điểm ăn, chơi, giải trí thuận tiện cho khách. Ngoài sử dụng các ứng dụng hỗ trợ đặt phòng trực tuyến cũng nên linh hoạt hợp tác với các công ty du lịch để đưa khách đến lưu trú tại homestay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top