Ngày 18/8, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020.
Khoảng thời gian còn lại là 4 tháng. Dự kiến khó có phép màu để thực hiện trọn vẹn mục tiêu của cơ quan này, cũng như của toàn ngành.
Những cuộc nhượng bộ lớn
Theo Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành có mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Thủ tướng phê duyệt đề án trên vào tháng 7/2017, tức khoảng thời gian thực hiện mục tiêu đó không được tròn 5 năm như lộ trình. Còn nếu tính từ đầu giai đoạn, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể lên tới trên 10%.
Chỉ sau hơn hai năm kể từ khi Đề án và mục tiêu trên xác định, toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng xử lý được lượng lớn nợ xấu, kéo vùng nhận diện trên xuống chỉ còn quanh 5% vào cuối 2019. Và với tốc độ này, 2020 có triển vọng hoàn thành mục tiêu dưới 3%.
Bên cạnh kết quả cụ thể đó còn có những giá trị khác nữa.
Trong một lần trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, phải sau một quá trình với nhiều vướng mắc, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, toàn hệ thống mới đạt được điểm quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu: khung khổ pháp lý.
Thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu CỦA các tổ chức tín dụng (chữ “CỦA” này xin được đề cập phần sau - PV). Nghị quyết này tạo những điều kiện pháp lý mới hỗ trợ cho toàn hệ thống.
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng với những sửa đổi, bổ sung mang tính chốt chặn cần thiết cũng đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, chốt chặn về sở hữu chéo, sân sau được thiết lập cụ thể hơn - một trong những nguyên nhân dẫn đến thao túng, rút ruột ngân hàng trước đây để rồi tạo nợ xấu hệ lụy cho đến nay. Cùng đó, quan điểm “tiền tươi” để sở hữu cổ phần ngân hàng cũng được luật hóa. Và những hỗ trợ liên quan đến cơ chế vốn cho tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng được tạo khung pháp lý cụ thể.
Như vậy, tổng hòa nỗ lực của hệ thống, cơ chế pháp lý hỗ trợ, khách hàng hồi phục và trả nợ…, nợ xấu có bước xử lý mạnh với kết quả tích cực nói trên.
Tuy nhiên, khi mà toàn hệ thống đang hướng về hoàn thành mục tiêu, đại dịch Covid-19 xảy ra.
Báo cáo tài chính các ngân hàng kỳ 6 tháng đầu năm nay nói chung cho thấy xu hướng nợ xấu tăng trở lại. Đó mới chỉ một phần. Phần được chú ý nằm ở khối lượng cơ cấu lại theo Thông tư 01 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước thường xuyên cập nhật khối lượng cơ cấu lại này, mà không phải chuyển nhóm. Quy mô đã hàng trăm nghìn tỷ. Nợ xấu tiềm ẩn ở đây. Nhưng xác định cụ thể không dễ, vì trong đó có cấu phần nợ không hẳn xấu, nếu chuyển thẳng sang nhóm 2 mà không cơ cấu thì vẫn không phải là nợ xấu; hay trong phần cơ cấu theo Thông tư 01 thực tế có phần không hẳn là nợ xấu nếu không cơ cấu mà mới chỉ ở mức độ chuyển từ nhóm 1 sang nhóm 2...
Thông tư 01 là lần nhượng bộ tiếp theo của hệ thống. Trước đây đã có hai cuộc nhượng bộ lớn: cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 mà không phải chuyển nhóm (quy mô từng đề cập đến khoảng 300.000 tỷ đồng); nợ bán sang VAMC cũng để giãn ra xử lý trong 5 năm (quy mô cũng từng hơn 300.000 tỷ đồng).
Nay, như trên, Thông tư 01 và tới đây dự kiến mở rộng phạm vi và đối tượng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm là cuộc nhượng bộ đáng chú ý thứ ba.
Cởi mở hơn về quan điểm và góc nhìn
Như trên, Nghị quyết 42 của Quốc hội vẫn có từ “CỦA” khi nói về nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Chỉ mỗi từ này nhưng cả chục năm qua, đặc biệt giai đoạn 2011 - 2016, không dễ thay đổi trong quan điểm và góc nhìn dư luận.
Tại một hội nghị toàn ngành trước đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC từng nói đến nội dung này. Đại ý, phải mất nhiều thời gian dư luận, khách hàng mới dần thay đổi nhìn nhận từ nợ xấu của ngân hàng sang nợ xấu của nền kinh tế.
Bởi lẽ, khách hàng vay không trả được nợ, thành nợ xấu và đó là nợ xấu trong/của nền kinh tế chứ không hẳn chỉ do ngân hàng tạo ra. Và khi có góc nhìn nợ xấu của nền kinh tế, trách nhiệm và vai trò phối hợp cùng xử lý mở rộng hơn, cởi mở hơn thay vì xem là của ngân hàng thì ngân hàng tự đơn độc xử lý.
Thay đổi trên, cởi mở hơn trong dư luận cũng xuất phát từ thực tế. Các cuộc nhượng bộ nói trên không phải chỉ cho lợi ích, hoặc chỉ hỗ trợ cho các ngân hàng. Nó mở rộng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn bớt khó khăn, bớt chi phí để thêm khả năng tìm, nắm cơ hội phục hồi hoặc vượt qua khó khăn. Đây cũng là lợi ích chung của nền kinh tế.
Trong trường hợp không nhượng bộ, sức chống đỡ nợ xấu của hệ thống có thể suy sụp, cái giá phải trả sẽ lớn hơn. Với doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn, nếu không nhượng bộ, cái giá phải trả có thể là phá sản, mất mát loang rộng sang cổ đông, người lao động…
Đặc biệt lần này, sự nhượng bộ còn xuất phát từ rủi ro quy mô lớn, mang tính bất thường và khó lường là Covid-19.
Dù vậy, lần này có thể thấy Ngân hàng Nhà nước dường như đang thận trọng hơn, bởi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài, nhất là khó xác định được điểm kết thúc. Có lẽ đây là lý do chính khiến thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để mở rộng phạm vi, thời gian hỗ trợ cơ cấu lại nợ khó xác định hơn, tĩnh khó bao được động, nên đã gần ba tháng vẫn chưa ban hành.
Mục tiêu sẽ trở nên linh hoạt?
Như trên, mục tiêu đưa nợ xấu nhận diện tổng thể xuống dưới 3% vào cuối 2020 bất ngờ gặp thử thách Covid-19, cũng như thực tế cơ cấu lại theo Thông tư 01 đang mở rộng.
Chỉ còn lại 4 tháng nếu cứng theo mục tiêu và lộ trình đó. Tuy nhiên, khi có yếu tố bất thường và ảnh hưởng sâu rộng, có lẽ mục tiêu này không còn cố định nữa, mà trở nên linh hoạt hơn.
Ngoài ra, còn có một mục tiêu quan trọng khác: khả năng phòng thủ, sức đề kháng của hệ thống được giữ vững trước tác động bất thường và sâu rộng đó.
Mùa báo cáo tài chính quý II vừa qua cho thấy hệ thống nói chung vẫn đảm bảo, củng cố thêm một bước, dù lợi nhuận nhiều thành viên suy giảm và nợ xấu có hướng tăng lên.
Trước nữa, hệ thống đã có năm 2018 và đặc biệt 2019 tạo bước củng cố nền tảng và gia tăng tiềm lực tài chính quan trọng, có thể nói tốt nhất trong hàng chục năm qua - kể từ giai đoạn tăng trưởng nóng 2006 - 2007.
Đơn cử như, đã có hàng loạt ngân hàng tất toán xong nợ xấu ở VAMC, đưa nợ xấu về “một sổ” với tỷ lệ nằm sâu dưới mốc 3%, thậm chí quanh 1%. Gần 20 thành viên đã đạt Basel II - phương pháp tiêu chuẩn, cũng như một số đã đảm bảo cả 3 trụ cột của chuẩn mực quốc tế này.
Và chiếu theo một yêu cầu trong đề án nói trên, nhiều thành viên đã tăng được mạnh cấu phần nguồn thu từ dịch vụ thay vì lệ thuộc gần như hoàn toàn vào tín dụng ở giai đoạn trước mà lệ thuộc nhiều hơn vào rủi ro tiềm ẩn. Nhiều chuẩn mực về phân loại nợ, giới hạn sử dụng vốn, an toàn hoạt động đã được nâng lên và đáp ứng.
Một mặt, bước tiến trong năm 2018 và nhất là sự khởi sắc trong 2019 vừa củng cố nền tảng, sức đề kháng để chống Covid-19 hiện nay, mặt khác tạo thêm khả năng hệ thống có sức hỗ trợ được tốt hơn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng như hỗ trợ nền kinh tế vừa qua và tới đây.
Xét ở khía cạnh đó nữa, nợ xấu tăng lên hiện nay, sự nhượng bộ trong phân loại và ghi nhận nợ xấu hiện nay, cũng trở nên cởi mở hơn so với nhưng giai đoạn trước.