Tại Hội nghị quốc tế các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” ngày 15/11, ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm kinh tế học, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) nhận định, diễn biến về thương mại và đầu tư với trọng điểm là những bất đồng giữa các nước lớn có thể gây những tổn thương và rủi ro cho nền kinh tế các nước, đặc biệt là ở châu Á.
Những biến động trên thị trường như đồng đô la tăng lên, căng thẳng thương mại, tăng trưởng kinh tế chậm đã đặt ra vấn đề cần tìm cách tạo bước đệm chống chọi với những cú sốc bên ngoài.
Theo ông Eckardt, cần phải xây dựng cách ứng phó liên quan tới quản lý tài sản bởi khi xem xét, tác động nợ xấu có hiệu ứng domino giữa các nước.
"Sự kết nối đang gia tăng trên thị trường tài chính châu Á, những tổn thương tài chính của một quốc gia có thể lan sang quốc gia khác. Phải có ứng phó xuyên biên giới để giảm thiểu những rủi ro, tác động này", ông cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện của World Bank cũng khuyến nghị, các nền kinh tế cần quan tâm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm với việc chú trọng xử lý nợ xấu. Trong đó, cần thúc đẩy việc kết hợp xử lý nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế những năm qua có mối liên hệ chặt chẽ với nợ xấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bong bóng bất động sản đã hình thành nhiều tài sản xấu trong khi kinh nghiệm xử lý nợ xấu của chúng ta còn nhiều hạn chế.
Đến thời điểm này, Việt Nam có 2 doanh nghiệp quản lý tài sản chính là DATC và VAMC. DATC có nhiệm vụ tái cơ cấu nợ khu vực doanh nghiệp nhà nước thì VAMC quản lý tài sản trong hệ thống tín dụng.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC cho biết, kể từ khi việc xử lý nợ xấu trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế, con số nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, nợ xấu đã giảm từ 7,7% cuối năm 2017 xuống còn 6,67% cuối tháng 6/2018 tương ứng với giá trị tuyệt đối 486.000 tỷ đồng. Theo ông Thường, con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các TCTD chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, mục tiêu kiểm soát nợ xấu tại các TCTD là rất quan trọng, bởi hệ thống ngân hàng giống như một trung gian truyền dẫn, ngân hàng duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp sẽ kiểm soát được rủi ro và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, nếu tính cả nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản VAMC đã mua mà chưa xử lý được trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu thực tế là 5,8% tổng dư nợ.
Dù VAMC hoạt động rất tịch cực, nhưng nhìn vào bức tranh kết quả kinh doanh gần đây của ngành ngân hàng có thể nhận thấy rằng nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, trong đó một số ngân hàng đã mua lại hoàn toàn nợ tại VAMC có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nguồn cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng hiện chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 95% tổng tài sản các định chế tài chính. Đối với các tổ chức tín dụng, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.
Một số nghiên cứu đối với Việt Nam cho thấy, giữa nợ xấu với tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nghịch chiều, theo chu kỳ kinh tế và có những độ trễ nhất định. Đặc biệt, nợ xấu sẽ tăng cao trong những giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm và suy thoái.
Theo các chuyên gia tài chính, đối với các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xử lý các tác động ấy một cách tự thân không phải là một vấn đề đơn giản. Thực tế, chỉ sau hơn 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, Việt Nam lại hứng chịu tác động bất lợi từ một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khác.
Thời điểm mà Việt Nam gặp thêm một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lại diễn ra vào năm 2008 – ngay sau khi Việt Nam còn khá hứng khởi với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dù vậy, điều này không làm giảm tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thay vào đó, Việt Nam phải có một tâm thế sẵn sàng hơn và hợp tác sâu rộng hơn để có thể ứng phó với những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường thế giới.
Một đặc thù trong giai đoạn trước nền kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, rất nhiều nợ xấu đã được hình thành từ nhóm này. Ở góc độ của DATC, ông Trường đánh giá, các khoản nợ có tính chất "Nhà nước" có cơ chế xử lý rất cứng, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất "nhà nước" bình đẳng như các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, NFSC cho rằng, cần chú trọng hình thành sàn giao dịch mua bán nợ, đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đẩy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.
Hai là đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, đồng thời cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Ba là phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập, giúp cho bên mua và bên bán xác định được giá trị thị trường của khoản nợ, từ đó xem xét quyết định việc mua bán. Bốn là cần tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường như VAMC, DATC và các AMC của ngân hàng.