Aa

Nợ xấu tăng nhanh tại nhiều ngân hàng

Chủ Nhật, 21/05/2023 - 10:09

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh là nỗi lo rất lớn khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn. Tại các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, MBB, Vietcombank, ACB, OCB, VPB, Eximbank… nợ xấu đã tăng nhiều tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt

Quý I/2023 với ngành ngân hàng là quãng thời gian khá đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên sau 6 năm, lợi nhuận ngành suy giảm, một chỉ dấu cho thấy tình hình khó khăn đã tấn công đến "thành trì cuối cùng" của nền kinh tế.

Trong câu chuyện của ngành ngân hàng, nợ xấu tăng nhanh đang là nỗi lo lớn nhất. Tại Hội thảo Vấn đề nợ xấu trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 17/5 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản thì sang năm 2023, rủi ro lớn nhất là nợ xấu.

Quan ngại của ông Hùng không phải không có cơ sở. Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50% - 70%.

Cụ thể, tại Vietcombank, nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Nợ xấu của BIDV cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Tại VietinBank, nợ xấu tăng 7,8% so với cuối năm vừa qua, vượt 17.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.

Tại ACB, số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý I/2023. Tại MBB, số dư nợ xấu tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua.

Trong khi đó, tại Eximbank, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3%.

Tại OCB thậm chí ghi nhận số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Còn tại VPB, nợ xấu của trong quý I/2023 cũng tăng lên 2,6%.

nợ xấu, ngân hàng, tín dụng
Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh là nỗi lo rất lớn, nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.
(Ảnh minh hoạ: Bình An) 

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ. Mức này gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá thực trạng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.

"Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng", ông Hùng nói.

Cũng theo Tổng thư ký VNBA, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).

"Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng", ông Hùng nêu và cho rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

"Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng", ông Hùng nhấn mạnh.

Lối ra nào?

Theo các chuyên gia, để xử lý nợ xấu, một trong những vấn đề quan trọng là đẩy mạnh xử lý tài sản bảo đảm. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn các tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản bảo đảm tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Mặt khác, Tòa án nhân dân tối cao cần có sự phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự.

Tiếp cận ở một khía cạnh khác, ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng cần "thị trường hóa" việc xử lý tài sản bảo đảm. Theo ông, luật hiện hành hay dự thảo sửa đổi vẫn chỉ cho phép ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

"Điều này không đúng nguyên tắc thị trường. Việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng là một nút chặn trong tiến trình xử lý", ông Darryl Dong nói.

Ông Darryl Dong nhấn mạnh thị trường mua bán nợ hiện nay chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Bởi vậy, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết hỗ trợ nợ xấu.

"Chúng ta cần phải cho các nhà đầu tư tham gia, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu", ông nói và đề nghị nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng.

Chuyên gia của IFC cũng đề cập tới ý tưởng soạn thảo một đạo luật riêng cho nợ xấu, cho rằng đây là việc quan trọng để xử lý nợ xấu nhanh và tập trung.

Trên thực tế, ý tưởng này đã được thảo luận khá lâu, với việc nâng cấp Nghị quyết 42 thành luật. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc luật hóa không dễ. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ra luật hay luật hóa Nghị quyết 42 là không khả thi về mặt thời gian, mà chỉ có thể bổ sung thành một chương trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, song cần tính toán đến quy định toàn diện, có thể thực thi được.

"Đặc biệt, cần lưu ý quan hệ tương thích với các quy định khác của pháp luật. Quan hệ giữa Luật Các tổ chức tín dụng với Luật Phá sản rất quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất. Trong trường hợp thu hồi nợ chưa trong tình trạng phá sản thì nên có thứ tự ưu tiên", ông Hiếu nêu quan điểm.

Ở góc độ của các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng để chống chọi nợ xấu, điều quan trọng là nâng cao năng lực. Bởi vậy, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022 - 2023. Việc này nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top