Aa

Nối dài những ước mơ

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 06:00

Từ trên cao, thả cánh diều tuổi thơ no gió tung tăng giữa trời xanh ngan ngát, đứa nào cũng khoanh tay mơ mộng về một ngày được bay cao, bay xa vào không gian hun hút, bao la kia để khám phá sau đám mây muôn hình thù, xôm xốp kia là những gì?

Trên con đường thiên lý Bắc - Nam, bạn sẽ đi qua một thành phố trẻ trung, năng động mà không kém phần xinh xắn, chứa nhiều huyền tích lịch sử. Đó là Vinh - phố đỏ anh hùng. Nhiều người bạn phương xa khi ghé qua Vinh trong chốc lát đã nói với tôi: không ngờ thành Vinh cũ kĩ đến vậy. Bởi bạn chỉ quan sát chủ yếu khu chung cư Quang Trung nằm trên quốc lộ 1, đoạn trung tâm nhất của thành phố.

Trong các cuộc vệ quốc vĩ đại, Vinh là điểm nút liên lạc giữa hai miền. Đặc biệt trong cuộc kháng Mỹ bi hùng, Vinh có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đó là nơi tập kết hàng hóa, đạn dược, con người từ các chuyến tàu, chuyến xe ngoài Bắc để vào tiền tuyến miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Bởi thế, Vinh trở thành địa chỉ bắn phá ác liệt của bom đạn Mỹ. Sau chiến tranh, đất nước hoan ca, còn Vinh vừa hòa chung trong niềm vui chiến thắng vừa ngậm ngùi trước một thành phố bị tàn phá tan hoang. Vinh sau hòa bình chẳng còn những công trình kiến trúc riêng có, đậm chất giao thoa văn hóa Trung Hoa, Pháp: Hội quán Hoa kiều, chùa Thập phúc, chùa Diệc, nhà thờ cầu Rầm, nhà hát Majestic, trường tiểu học Pháp - Việt, trường tư thục Khuất Như Khôi… bởi hoang tàn đổ nát cùng bàn tay tàn phá của con người do tư duy thủ cựu của một thời. Điều đó khiến những người gắn bó, yêu mến Vinh luôn đau đáu, xót xa, tiếc nuối, luyến nhớ.

Thật may mắn cho Vinh khi được bè bạn quốc tế giúp đỡ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Vinh nhiệt thành đón chào các kiến trúc sư quốc tế đến từ CHDC Đức. Các chuyên gia Đức đã giành tặng cho xứ Nghệ những công trình mang đậm kiến trúc Đức như: khu chung cư Quang Trung, Nhà văn hóa thiếu nhi Tenlơman (nay là Nhà văn hóa Việt - Đức). Những công trình này đến nay vẫn tự hào là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt- Đức.

Chung cư Quang Trung hoàn thành tựa như một lẵng hoa xinh đẹp, sang trọng, lịch lãm, kiêu hãnh nằm giữa trung tâm thành phố. Chẳng còn nhận ra nơi đây đã từng bị đạn bom cày xới, sự đổ nát và vết tích đau thương của một thời… Vinh tươi mới, hiện đại, khang trang và giúp người xứ Nghệ nguôi ngoai nỗi đau hậu chiến.

Tôi thật may mắn khi được là một trong những thành viên có mặt sớm nhất ở đó. Căn hộ gia đình tôi ở nằm ngay tầng một, sát cầu thang. Và cũng từ đó, tôi đã có một tuổi thơ ăm ắp những dấu ấn đẹp đẽ, thiêng liêng, ấm áp tình người. Căn hộ nhà tôi nhỏ nhắn, xinh xắn, phù hợp với năm người tại thời điểm đó. Dưới sự sắp xếp khéo léo của cha mẹ, gia đình chúng tôi có đủ không gian chung, riêng của mỗi người. Thích nhất là mặt trước, sau đều có ban công thoáng đoãng, đón đầy nắng vàng rực rỡ và lúc nào cũng lồng lộng gió. Cha tôi tận dụng những cái chậu, cái chai, cái cốc đã hỏng để đổ đất vào giúp tôi trồng những cây hoa xinh xinh.

Phía ban công trước, cha chăng những dây thép cho tôi treo các lẵng hoa lên đó. Phía dưới là chậu hoa ti gôn đỏ rực, vươn dài những ngọn măng tơ bao quanh các cột trụ. Mỗi lần ngồi bên cửa sổ học bài, tôi lại thấy hứng khởi khi những nụ hoa đủ màu, thơm thơm đong đưa, đong đưa. Từ phía dưới nhìn lên, nhà tôi nom thật dễ thương bởi những cụm hoa bung nở bốn mùa.

Ban công sau, mẹ cũng tận dụng đặt lên các chậu hỏng đầy ắp những mầm xanh của rau. Lúc nào tôi cũng có cảm giác mình đang được sống giữa thiên nhiên mát lành. Và không riêng nhà tôi có điều ấy, các căn hộ khác cũng sáng tạo muôn sắc màu cho mình. Nhìn từ xa, nhà ai cũng tựa vườn treo Babylon. Tôi nhớ mãi cái nhà mẫu giáo phía sau tòa nhà, nơi những năm tháng thơ bé tôi được nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận. Mỗi lần mẹ tôi nhìn từ ban công sau là biết được các sinh hoạt của anh em tôi ở đó. Thậm chí, mẹ còn gọi vọng được cô giáo giữ giúp tôi thêm chút vì chiều nay mẹ về muộn. Sau này kể lại mẹ vẫn xuýt xoa: “hồi đó, không có nhà mẫu giáo sát nách thì mẹ không biết xoay xở ra sao với các con”. Đúng thật, hồi ấy, nhà nào cũng sinh liền kề nên việc trông giữ trẻ con quả là khó khăn.

Một góc chung cư Quang Trung vừa xây dựng xong (nhân vật cung cấp)

Một góc chung cư Quang Trung vừa xây dựng xong (Ảnh nhân vật cung cấp)

Một góc chung cư Quang Trung hiện nay (Nguồn ảnh: Báo Nghệ An)

Một góc chung cư Quang Trung hiện nay (Nguồn ảnh: Báo Nghệ An)

Chung cư tôi ở thuộc khu B của chuỗi liên hiệp năm nhóm nhà ở, bốn nhà mẫu giáo, hai trường học, trung tâm thương mại, công viên… với hệ thống đường nội bộ, cây xanh, sân chơi hiện đại nhất lúc ấy. Khỏi phải nói, lũ trẻ 7X chúng tôi rất tự hào khi giới thiệu mình là dân cư nơi đấy. Và nơi đây không chỉ lưu giữ dùm chúng tôi tuổi thơ dữ dội mà ngọt ngào, còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm cách làm người… từ những điều tưởng như nhỏ bé.

Ở đây, chúng tôi có các hoạt động cộng đồng rất bổ ích: sáng sáng, dậy sớm theo tiếng còi của anh chị phụ trách để tập thể dục; tối tối theo chân các đội văn nghệ, đội sinh hoạt sao định kỳ tham gia hoạt động chủ đề; ngày lễ chúng tôi được tổ chức các hoạt động vui chơi và liên hoan…. Vào cái thời thuộc thập niên 80, 90 của thế kỷ trước chưa có các trò giải trí hiện đại như bây giờ nên các sinh hoạt này đã khiến lũ trẻ hào hứng, vui vẻ, mong chờ. Bởi đến đó, đứa nào cũng tìm được niềm vui, tìm ra được những năng lực cá nhân của mình. Ngày hè rảnh rỗi hơn, những đêm trăng sáng chúng tôi tụ lại để chơi các trò dân gian: trốn tìm, rồng rắn lên mây; những trưa trốn ngủ bao trò quậy cũng được khơi mào… Sân chung cư đêm nào cũng rộn ràng tiếng nói cười. Người lớn thì quây quần bên bát nước chè xanh, rôm rả chuyện công việc, hỏi han nhau…

Thích nhất là buổi chiều đầy gió. Chao ôi, còn cái thú nào bằng khi leo lên tầng thượng, nơi cao nhất của tòa nhà để tung những cánh diều xanh, đỏ bay chấp chới lên trời cao. Những cuộc thi diều đẹp, diều bay cao cũng ra đời tự nhiên như thế. Từ trên cao, thả cánh diều tuổi thơ no gió tung tăng giữa trời xanh ngan ngát, đứa nào cũng khoanh tay mơ mộng về một ngày được bay cao, bay xa vào không gian hun hút, bao la kia để khám phá sau đám mây muôn hình thù, xôm xốp kia là những gì?

Và tôi biết, có nhiều bạn tôi gửi gắm ước mơ lớn lao theo cánh diều và đã thỏa nguyện. Như ai đó đã từng nói: leo lên đỉnh núi không phải để thế giới có thể nhìn thấy bạn, mà để bạn có thể nhìn thấy cả thế giới, phải chăng nơi cao nhất này đã thổi bùng ngọn lửa chinh phục, đam mê, khát vọng của bạn bè tôi? Từ trên cao, chúng tôi được thỏa sức ngắm thành phố mến yêu. Một màu đỏ rực của các mái ngói nối liền nhau tựa như sóng biển xen lẫn giữa muôn vàn cây lá xanh um. Xa xa, dòng sông Lam hiền hòa, mềm mại như đường diềm trong bài tập vẽ ôm phố vào lòng. Vinh như một cô gái xuân thì xinh tươi, căng tràn nhựa sống, sẵn sàng đón chờ những vận hội mới.

Một góc khu nhà B - chung cư Quang Trung năm 1984 (nhân vật cung cấp)

Một góc khu nhà B - chung cư Quang Trung năm 1984 (nhân vật cung cấp)

Có lẽ, điều mà mỗi lúc có hộ gia đình chuyển đi đều lưu luyến không muốn chia xa chính là tình người nồng đượm nơi đây. Tôi, đến nay đã đi hơn nửa cuộc đời vẫn không thể nào quên những ân nghĩa được nhận từ cư dân nơi đó. Người xưa từng nói “tắt lửa tối đèn” có nhau quả thật đúng. Mọi gia đình trong chung cư dường như sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, buồn đau cùng nhau. Nhà ai gặp sự cố, chưa cần bác tổ trưởng thông báo, mọi người đã tề tựu động viên, an ủi, tìm cách giải quyết thật thân tình. Đứa trẻ nào nghịch ngộ thái quá, hoặc có hành vi chưa chuẩn mực đều được bày dạy ân cần.

Chung cư chúng tôi chung một mái nhà - mái nhà yêu thương, kết đoàn. Nhà tôi cũng được đón nhận bao đùm bọc từ đó. Ngày em trai nhỏ lẫm chẫm tập đi bị ngã, thanh sắt cứa vào mí mắt, máu chảy dầm dề. Mẹ và tôi hoảng sợ, khóc lóc, đơ ra không biết làm gì. Chú hàng xóm đã hô hào mọi người nhanh chóng đưa em tôi vào bệnh viện cấp cứu. Thật mừng, em được cứu kịp thời nên chỉ bị vết sẹo nhỏ. Ngày anh tôi ngỗ ngược bỏ nhà theo chúng bạn, các bác cùng cha tôi lặn lội tìm về bảo ban. Ngày tôi nheo nhóc, quặt quẹo hết viện này viện nọ, hàng xóm cơm nước dùm cha mẹ tôi. Ôi chao, bao giờ tôi trả hết ân tình nơi ấy?

Một góc khu nhà B (chung cư Quang Trung hiện nay) và những đứa trẻ ngày xưa (nhân vật cung cấp)

Một góc khu nhà B (chung cư Quang Trung hiện nay) và những đứa trẻ ngày xưa (nhân vật cung cấp)

Sau bốn mươi năm, chung cư Quang Trung đã hoàn thành nhiệm vụ của một giai đoạn phát triển nên giờ xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi giờ mỗi đứa một phương, nhiều đứa thành công trên lĩnh vực mình theo đuổi nhưng lúc nào cũng quắt quay nhớ từng bậc cầu thang, từng góc sân thượng, từng con đường nhỏ, từng vườn cây xanh. Cha mẹ tôi giờ đã về cõi khác. Mỗi lần ngang qua nhà cũ, tôi cứ thấy bóng dáng người đang chăm bẵm vườn hoa mà nước mắt ngập lòng…

Ngồi lại trong ngày trở về, chúng tôi ao ước sẽ có những tòa nhà mới mẻ, quy mô và hiện đại hơn, phù hợp với đời sống mới thay thế. Thật may, khu B được Tập đoàn Vingroup đầu tư cải tạo, xây dựng với mục đích hết sức nhân văn, cao đẹp: kiến thiết trên nền đất cũ khu liên hợp nhà ở có các công trình dân sinh như siêu thị, trường học, khu vui chơi cho trẻ em, câu lạc bộ giải trí... vừa hiện đại vừa chan hòa giữa thiên nhiên. Ở đó, một không gian sống tiện ích, văn minh và ý nghĩa hơn sẽ tiếp tục nối dài không gian cũ của thế hệ chúng tôi. Nó sẽ bản trường ca về cuộc sống tươi đẹp của một phần thành phố. Và Vinh nhờ đó sẽ được thay tấm áo “cũ kỹ” bằng chiếc áo quý phái, đẹp đẽ.

Ngày đó sẽ rất gần đây thôi, những đứa trẻ chúng tôi sẽ trở về mừng vui cùng các thế hệ mới, thế hệ vàng của chung cư Quang Trung. Và như nhà văn Mỹ, Jack London đã viết: “Sứ mệnh chân chính của con người là sống chứ không phải tồn tại”. Chúng tôi hiểu rằng, mình đã có những năm tháng thực sống trong khu cư dân thân tình nghĩa cử cao đẹp ấy.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top