Aa

Nỗi đau từ lan can: Vô ý thức hay là chủ quan?

Thứ Tư, 26/12/2018 - 23:38

Câu chuyện đau lòng mới xảy ra tại chung cư Lotus, phường Quang Trung, TP. Vinh (Nghệ An) khi bé trai 3 tuổi đang chơi ở sân cùng mẹ đã bất ngờ bị một cục đá rơi trúng đầu và tử vong. Câu chuyện lại một lần nữa đặt ra câu hỏi ý thức cư dân sống ở chung cư đang ở mức nào? Liệu có phải rà soát lại các lan can chung cư để đảm bảo an toàn?

Việc sống ở chung cư có thể nói là một lối sống phù hợp với xu hướng phát triển của quá trình đô thị hóa hiện nay, đặc biệt là với những cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các tòa chung cư mang lại, thì nếp sống, các tiện ích ấy vẫn còn nhiều bất cập, bởi ở đó mỗi hộ dân, mỗi khu chung cư hoạt động theo kiểu mỗi người một phách, mạnh ai nấy làm.

Với lối sống sinh hoạt muôn hình vạn trạng, hầu hết các khu chung cư tại các thành phố hiện nay không tránh khỏi nhiều bất cập do một bộ phận người dân có văn hóa ứng xử thấp. Trong đó phải kể đến chuyện một số khu chung cư có mật độ dân cư cao, có nhiều hộ dân vô tư vứt đồ từ trên cao xuống gây nguy hiểm cho người bên dưới.

Trong các group cộng đồng chung cư, trên mạng xã hội cư dân vẫn còn nhắc đến câu chuyện dao thớt biết “bay” tại khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) suýt lấy mạng người qua đường, nhiều dân mạng chia sẻ sự bàng hoàng “thật không thể tin nổi”, “vô ý thức quá”, “không thể chấp nhận được”,...

Nhiều người dân vô ý thức ném rác qua cuqa

Nhiều cư dân vô ý thức ném rác qua cửa sổ

Chị Trần Thu Thảo sống ở khu đô thị Linh Đàm, người từng bị vỏ sữa rơi vào đầu bức xúc cho biết: “Có lần, tôi vừa dừng xe, mở cửa ra thì một vỏ sữa tươi rơi trúng vào đầu. Bức xúc nhưng ngẩng lên thì không thấy chủ nhân của vỏ sữa này đâu. Sao họ lại có ý thức kém tới như vậy!”

Anh Lưu Văn Giang, cư dân sinh sống tại chung cư The Era Town chia sẻ: “Tôi đưa cháu đi dạo dưới sân đã từng bị móc áo rơi vào đầu ở ngay khu A3. Khu mặt trước A3 cũng nhiều người trúng chai nước từ trên rơi xuống. Cùng với đó, còn nhiều vật cũng được ném từ lan can hoặc cửa sổ. Bọn trẻ nhỏ có thể ném vỏ hộp sữa, ống hút, mấy bà già thì ném cái tăm, mẩu giấy ăn nhỏ xíu. Đặc biệt các ông bố đứng hút thuốc ngoài ban công rồi gẩy tàn thuốc lá hay đầu mẩu thuốc lá từ trên cao xuống dưới. Thỉnh thoảng ban công nhà tôi vẫn nhận được những thứ rác từ trên trời rơi xuống đó. Mong là có chế tài xử lý chứ không đến lúc để xảy ra chuyện thương tâm thì hối không kịp”.

Đó chỉ là một số những sự việc trong hàng nghìn tình huống mà cư dân sống tại khu chung cư phải gánh chịu từ một số người thiếu ý thức. Nếu nói đó là câu chuyện từ ý thức thì cũng có không ít những gia đình sống ở chung cư đã chủ quan khi để các đồ vật chênh vênh ngoài lan can và khi gió mạnh thổi qua có thể rơi xuống.

 
 

Không phủ nhận việc tận dụng những vị trí như ban công, logia, cửa sổ… để trồng cây là rất tốt, có ít cây xanh trong nhà để trao đổi oxy. Tuy nhiên, khi không được gia cố cẩn thận, chắc chắn thì nó vô tình trở thành hiểm họa khôn lường không chỉ cho chính các thành viên trong gia đình, mà còn những người xung quanh khi chẳng may rơi xuống đất vì mưa bão hay một nguyên nhân nào đó.

Mặc dù đã kêu gọi, phản ánh đến ban quản lý, nhưng thói quen ăn ở thiếu ý thức, sự chủ quan của một số người vẫn không hề giảm. Và câu chuyện thương tâm mới đây nhất liệu có gióng lên hồi chuông cảnh báo hay không khi tại chung cư Lotus, phường Quang Trung, TP Vinh (Nghệ An) khi bé trai 3 tuổi đang chơi ở sân cùng mẹ đã bất ngờ bị một cục đá rơi trúng đầu và tử vong? Liệu đây là trường hợp cuối cùng hay sẽ còn nhiều trường hợp thương tâm khác xảy ra? 

Anh Lưu Văn Giang cho rằng: “Cư dân cần phối hợp báo đích danh,chụp hình căn hộ nào gây nguy hiểm để tổng hợp báo ban quản lý xử lý. Chính cư dân phải hành động trước chứ đừng mong chờ gì ban quản lý. Còn lúc chúng ta báo rồi mà ban quản lý không xử lý được thì trách nhiệm rõ ràng là do họ. Đối với các hộ dân có nhà cao tầng hay sống ở các căn hộ chung cư khi trồng hoa cảnh tại khung cửa sổ, ban công... cần đặc biệt chú ý tới yếu tố an toàn. Nên hạn chế dùng chất liệu chậu cảnh là gốm, sứ, xi-măng mà thay bằng xô chậu nhựa, giỏ tre cho nhẹ. Ngoài ra, việc gắn cố định, neo buộc chắc chắn các chậu, giỏ để chúng không thể rơi xuống khi có mưa to gió lớn là điều cũng phải tính tới”.

TS tâm lý học Bùi Hồng Quân chia sẻ, người dân khi sống ở dưới thấp có thói quen vứt rác hoặc ném đồ ra mặt đất. Khi chuyển đến sống tại các nhà cao tầng vẫn giữ thói quen cũ. Một số trường hợp bị kích thích tâm lý như mâu thuẫn gia đình, cãi cọ, xô xát… cũng dẫn đến quăng ném đồ.

“Những vật dụng nhỏ nhẹ, ít tính sát thương như rác, sách vở… thì không sao. Tuy nhiên, những vật dụng mang nhiều tính sát thương như bàn ghế, chai lọ… được ném từ trên cao xuống sẽ có vận tốc lớn, trúng người rất dễ xảy ra án mạng. Các Ban quản lý chung cư cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cư dân ở tòa nhà. Đặt ra những quy định chung để giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự. Lắp camera theo dõi để xử phạt những trường hợp vi phạm”.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top