Aa

Nôi êm vỗ về thơ nhỏ

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Hai, 27/06/2022 - 06:09

Gia đình, quê hương - những giá trị thẳm sâu, bất biến, ta có thể thờ ơ, quên lãng, vô cảm ở một khúc đoạn nào đó trong đời, nhưng khi gặp cơn biến động thì đó mãi là vòng tay dịu dàng, trìu mến, như tay mẹ.

Bao lần đối diện vẻ hụt hẫng, buồn buồn của bạn bè, đồng nghiệp với tiếng thở dài mỗi khi hè đến. Thì ra, trẻ nhỏ trong nhà trách móc: “Con chẳng có quê để được về như các bạn!”, “Tưởng quê thế nào, chỉ là về nhà ông bà bên kia cầu…”. Chợt thấy thật may mắn bởi vẫn còn một miền quê chờ đón những đứa con xa được trở về. Nhưng lòng cũng lại băn khoăn: Liệu con cái mình có thực sự muốn hòa mình vào quê cha đất tổ? Con cái mình có thực sự khao khát quê hương như những đứa trẻ phố thị kia?

Lại nhớ cô con gái của những năm tháng chập chững biết đi. Cứ men theo con ngõ gạch xanh rêu sang nhà hàng xóm. Đàn chó ùa ra, con không hề sợ sệt, cười tít mắt như nhìn thấy bạn bè. Con vật và trẻ thơ dường như luôn có mối liên hệ thật gần gũi, từ vẻ hồn nhiên, trong sáng đến vô chừng. Con đã chập chững bao nhiêu bước chân trên đường làng thân thuộc. Đã yêu thương từng góc vườn nơi có cụ cóc trú ngụ, có tổ chuồn kim sáng nào cũng rập rờn bay lượn. Con biết tên gọi, sắc hương từng loài cây cỏ trong vườn. Quê hương vỗ về thơ nhỏ. Thơ nhỏ vỗ về người lớn như cha. Ngồi xuống bên con, ẵm con trong tay, thấy thơm hương hoa cỏ, thấy mắt mình cay cay.

Quê hương vỗ về thơ nhỏ. (Ảnh minh họa: Phạm Quốc Đàn)

Rồi từng mùa hè dần qua, con dần lớn, bắt đầu mê máy tính, điện thoại hơn những chuyến về quê. Máy tính, điện thoại có gì mà thu hút thế? Những trò chơi đầy lôi cuốn. Những video Tik Tok hài hước. Quê hương cũng một phần ở đó. Ông này, bà nọ, bác kia… ở gần nhà ông bà mình đấy, nay cập nhật Facebook rồi, bố mẹ chẳng biết mà kết bạn, con đã kịp nhắn tin thăm hỏi rồi kìa. Lại thêm cả trang 24h của làng, có tin gì đều “bay” lên đó hết. Chỉ phút chốc thấy đầy đủ quá, cụ thể quá, sinh động quá… thế thì cần gì về. Có lẽ trẻ con chỉ nghĩ được đến vậy nên thưa thớt dần những chuyến về quê. Quê hương rồi cũng được chia đều trong quỹ thời gian dành cho học tập, chơi game, xem Tik Tok…

Mùa hè này, con vẫn được về quê, nhưng đã vơi dần niềm háo hức trong veo của thời bi bô chập chững. Có một quê hương trong điện thoại, đang trên đôi tay nhỏ. Quê hương đó cũng lại đang hiện hữu, nồng nàn. Làm sao để thắp lên niềm nhớ thương, đau đáu, khát khao trong trái tim nhỏ bé. Muốn nói với con: Quê mình đẹp lắm! Vườn chè trên gò bãi kia đã ngoài trăm năm tuổi. Hãy nhìn kỹ từng gốc chè mốc meo địa y, to bằng bắp chân, cành khù khoằm bật ra những chồi lá xanh mươn mướt. Ngày thơ bé cha có thể thẩn thơ cả ngày cả buổi nơi chốn ấy. Có thể leo trèo, ngủ quên, mơ mộng đủ thứ trên đời. Từ đó chân trần chạy xuống bờ kênh, nhảy ùm cái là tắm thỏa thích. Có lần trong lúc vẫy vùng, đã mường tượng gặp cả thân rồng dựng cao, xanh trong như cột nước đằng Đông. Có lần đã suýt đuối nước vì mải mê bơi đuổi theo con cá kỳ lạ rực rỡ sắc màu. Dân làng thêu dệt biết bao huyền tích về loài cá lạ thích “vía” trẻ con. Cha và chúng bạn lại chỉ thấy lung linh cổ tích. Có đuối nước hụt bao lần vẫn chưa hết sợ.

Thật may mắn khi còn một miền quê chờ đón những đứa con xa được trở về. (Ảnh minh họa: Vũ Mừng)

Ngôi đền con được “bán khoán” với mong mỏi sẽ khỏe mạnh, nên người… nằm dưới một rừng cọ. Cha thích gọi nơi ấy là rừng, dầu chỉ là gò bãi nổi lên giữa cánh đồng xanh ngát. Các cụ từ xa xưa truyền lại, mỗi cây cọ là một quân cờ trong bàn cờ của đấng tối cao. Một hệ nguyên sinh được bao bọc dưới tán cọ rợp mát. Dòng kênh trong veo, cây cầu một nhịp cong cong lưng tôm, mái đền phong rêu bốn mùa lá vàng rụng rơi, bao bọc… Những nghi lễ linh thiêng, huyền bí nhất của làng mình diễn ra nơi đó. Từ thuở con bé bỏng ôm chặt vai cha cho tới khi con đủ sức chạy theo đám rước kiệu từ đền về phủ.

Bao lần muốn ngỏ cùng con, quê mình đẹp lắm. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì nếu đã dần thành sự phai nhạt trong con, nếu con không thực sự cảm nhận được vẻ đẹp thẳm sâu, bình dị đó. Con bảo, giờ quê cũng ô nhiễm lắm rồi. Bao nhiêu dòng nước thải cùng đổ về phía hồ. Con kênh đâu còn xanh trong nữa. Cá tôm làng mình bơi về tít đẩu đâu. Chiều đến, không phải khói đốt đồng thơm thơm mùi rơm nếp, mà là khói đốt rác nồng nặc, quyện đặc đến ngộp thở. Bữa cơm giữa quê hương mà còn “phố” hơn cơm mẹ nấu. Người quê lại đi chuộng súp lơ, su hào, bắp cải trái vụ. Cũng nem chua rán, tôm bao mì sợi, thịt tẩm bột chiên giòn… Ở phố, mẹ còn hái rau tự trồng, kho cá trong niêu, rim tôm với khế… Sao kỳ lạ thế nhỉ? Ở phố nhớ quê. Ở quê theo phố… Đôi khi, con thấy thà cứ ở phố, mở trang Fanpage của làng mình ra, còn thấy lung linh. Bởi những gì đẹp đẽ, trong trẻo, cổ xưa nhất sẽ được mọi người chụp ảnh, đăng tải. Chẳng ai đi chụp rác thải, ô nhiễm, cãi vã làm gì…

Dầu yêu quê đến mấy, cũng không thể phủ nhận miền quê đã đổi khác thật rồi. Chẳng riêng gì quê hương ai đó, mà số đông là vậy. Nhưng buồn nhất, thương nhất, là sự đổi khác đó lại chạm vào ý nghĩ, cảm xúc của trẻ thơ. Chợt băn khoăn suy ngẫm, liệu có vì những đổi thay này mà con trẻ tránh né, hờ hững, chối bỏ không. Ngay phút giây này, cha muốn nói cùng con, không gian, bối cảnh có thể sẽ thay đổi, thậm chí là mất mát, song đó đâu phải là tất cả của quê hương. Quê hương chính là gia đình, ruột thịt, là những con người thật cụ thể mà kể cả khi họ không còn nữa ta vẫn cần phải nhớ về… Con còn nhớ gương mặt gầy gò, nhân hậu của ông nội mình không? Nếu con không nhớ nổi cũng chẳng hề đáng trách, bởi ông đã qua đời khi con mới vừa chập chững. Ông đã luôn mong nhớ con về. Luôn muốn ẵm bồng che chở. Và cha tin rằng, niềm yêu thương ấy vẫn lan tỏa cho đến tận hôm nay. Từ khi còn rất nhỏ, con đã mong muốn được cha đưa ra nơi ông an nghỉ, đã bày tỏ ước mong sau này đưa biểu tượng hoa sen vào từng viên gạch, bức tường đang bao bọc nơi ông nằm xuống. Con còn muốn gặp và trò chuyện với những chú bác, anh chị nhà mình không? Mọi người vẫn chờ con buông điện thoại xuống để hỏi han những câu hỏi mà có thể với con đã nhàm: Học hành tốt chứ? Bố mẹ khỏe không? Bao giờ mẹ sinh em bé?... Con từng bực dọc, giận dỗi, không hài lòng, không thoải mái… nhưng thực sự thì đó chính là quê hương, là ruột thịt, ta hãy ôm ấp cả cái hay cái dở vào lòng…

Gia đình, quê hương ấm mãi một vòng tay, một vành nôi bao dung và êm ái. (Ảnh minh họa)

Có một điều đặc biệt, khiến ta nhất thiết nên yêu quê hương mình, bởi đó mãi là cái nôi cho tình cảm gia đình thêm gắn kết. Góc sân này, đoạn ngõ kia… là nơi bố và các bác từng chơi trốn tìm, giờ con cùng các chị cũng chạy chơi ở đó, cũng vẫn trò chơi năm xưa. Bậc thềm ấy, năm xưa bà sàng sảy từng đấu cám nấu bữa sáng cho các con lót dạ đến trường, giờ bà cũng đang ngồi sàng gạo để nhà mình mang lên phố. Người quê chuộng hoa quả, rau dưa trái mùa, nhưng ở góc vườn đã bị thu hẹp, bà và các bác vẫn vun xới từng loài rau quê kiểng nhà mình thích, để chờ đợi cha mẹ đưa con về. Và căn phòng nơi con đang chăm chú máy tính, điện thoại bây giờ nữa. Đó là căn phòng đẹp nhất, sạch nhất, mọi người chăm chút nhất…

Chẳng biết ở độ tuổi này, những niềm vui từ thế giới ảo có lôi tuột mất con khỏi bao yêu thương đang được vá víu, vun đắp, chắp nối từng ngày? Gia đình, quê hương - những giá trị thẳm sâu, bất biến, ta có thể thờ ơ, quên lãng, vô cảm ở một khúc đoạn nào đó trong đời, nhưng khi gặp cơn biến động, khi thực sự cô đơn, áp lực, muốn buông bỏ… thì đó mãi là vòng tay dịu dàng, trìu mến, như tay mẹ. Người ta có quyền lựa chọn rời xa hay quên lãng một vòng tay, nhưng vòng tay thì luôn biết chờ đợi, dầu sự chờ đợi đó có mỏi mòn, tuyệt vọng. Vậy thì con hãy nhớ, gia đình, quê hương ấm mãi một vòng tay, một vành nôi bao dung và êm ái./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top