Theo Báo cáo “Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng”, cả nước đã có 51 địa phương triển khai thực hiện lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Trong năm 2017, Bộ đã công nhận phân loại cho 12 đô thị, các địa phương đã thẩm định, công nhận đối với 11 đô thị loại V. Đến nay, toàn quốc có 813 đô thị (tăng 11 đô thị loại V so với năm 2016), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016).
Việc phát triển xây dựng đô thị đánh giá bước phát triển kinh tế của địa phương và cả nước tuy nhiên có thể nhìn thấy những bất lợi nếu quy hoạch đô thị không rõ ràng như các cơ sở hạ tầng xã hội không phát triển kịp với tốc độ đô thị hóa và di dân cơ học. Đô thị thiếu bệnh viện, trường học, thiếu nơi giải trí, thiếu cả nghĩa trang, bãi rác… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng phát sinh nhiều bất cập từ việc đô thị hóa, các di sản phi vật thể ở nông thôn dần biến mất vì người dân nông thôn trở thành cư dân đô thị, lối sống, văn hóa cũng thay đổi nhanh chóng, mức độ chênh lệch giàu nghèo cũng gia tăng…
Tại hội thảo “Thách thức trong đô thị và nền kinh tế tuần hoàn” mới đây, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho hay, trong vòng 8 năm (giai đoạn 2008 - 2016) kể từ khi mở rộng địa giới, dân số đô thị tại các quận của Hà Nội đã tăng 21%. Vấn đề này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, cấp nước sạch, xử lý chất thải, vấn đề hài hòa giữa tăng trưởng nhanh để nâng cao mức sống của người dân với việc bảo vệ môi trường, vấn đề giải quyết chỗ ở cho người dân, thất nghiệp.
Bên cạnh đó, áp lực với cơ sở hạ tầng giao thông thành phố cũng rất lớn. Với hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô, trong khi mật độ đường giao thông chỉ chiếm gần 10% đất xây dựng đô thị, hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đại bàn nội đô Hà Nội. Chưa kể vấn đề ô nhiễm rác thải, phát thải khí nhà kính. Theo thống kê, chất thải rắn gia tăng liên tục khoảng 15%/năm, trong khi hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư cho hay, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức (Từ 2012 - 2016 tăng 850.000 dân), trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến. Dự báo dân số đến năm 2025 dân số Hà Nội sẽ lên hơn 10 triệu dân (không kể khách vãng lai) và 20 năm sau đó có thể lên đến 15 triệu dân. Bên cạnh đó, số lượng người vãng lai và lao động thời vụ ở các thành phố cũng rất đáng quan tâm, dao động từ 1 - 2 triệu người dẫn đến quá tải hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện... xuất hiện nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép và tệ nạn rất nan giải. Đô thị ở Việt Nam cũng không có chính sách cụ thể cho người nhập cư để họ có thể định cư bền vững ở thành phố mà dường như họ tự lo, tự xoay xở. Theo đó, chắc chắn là họ sẽ trở thành gánh nặng cho các đô thị thành phố.
Nếu cho rằng đô thị Việt Nam hiện nay là phép cộng của các dự án cũng không sai. Song, nó gợi lên một nỗi buồn lớn rằng sau các cuộc quy hoạch lớn, bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế thì đô thị lại phát triển lộn xộn, manh mún và phân mảnh bởi các dự án đang lèo lái quy hoạch, làm tăng các hệ lụy kẹt xe, tắc đường, lụt lội, ô nhiễm... Đó cũng là lý do vì sao cần nhìn nhận hiện trạng để điều chỉnh lại các cấu trúc chính của đô thị.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh: “Chính sách đô thị hóa đúng đắn sẽ quyết định sự tăng trưởng bền vững của hệ thống đô thị Việt Nam, còn như hiện nay các dự án đang lái chính sách và quy hoạch đô thị để cho dòng lợi nhuận khổng lồ từ đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực chảy vào túi các nhà đầu tư bất động sản. Tình hình thực tế này làm sao có thể phát triển hạ tầng và lo cho dân nghèo như dân nhập cư chẳng hạn”./.