Nỗi niềm rơm rạ

Nỗi niềm rơm rạ

Thứ Tư, 05/01/2022 - 06:15
Nỗi niềm rơm rạ

Trong những ngày đại dịch Covid-19 khi phải thực hiện giãn cách, có khi phải “cách ly”, khi mà sự vô cảm, trầm cảm chực chen vào cộng đồng thì ta lại thèm bếp lửa “bập bùng như nỗi nhớ dây dưa” giữa ngày đông giá lạnh, mọi người xúm quanh hơ bàn tay lạnh buốt trong vị nồng ấm của rơm rạ dù là trong hoài niệm, hoài cảm. Và ngọn khói lan man lan tỏa như người hay chuyện len vào ta dằng dịt bao nỗi nhớ thương.

Rơm rạ bao đời là vật liệu mái nhà thuần Việt. Trong bài thơ “Ngôi nhà của mẹ”, tôi đã viết: “Che suốt đời người vẫn một mái nhà tranh/ Mái tranh bạc che mái đầu tóc bạc/ Con lớn lên suốt dọc đường đánh giặc/ Đã đi hết đâu mái tranh mẹ che đầu”. Rơm rạ có bao nỗi niềm thân phận óng chuốt vào ta, khơi dậy trong ta về một miền ký ức và lòng ấm lại...

Nhiều lúc tôi bần thần đứng trước cánh đồng quê tôi sau vụ gặt. Mênh mông chi chít những góc rạ như mắt lưới. Cái tấm lưới rạ không choàng lên chụp xuống bầy chim sẻ, cu gáy đi nhặt bòn mót những hạt thóc rụng còn sót lại. Mẹ tôi, người đã gắn bó cả đời mình với cánh đồng quê, với rơm với rạ và “Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ”. Không hiểu sao cái chông chênh gồng gánh luôn tượng hình gập gềnh như nẻo đường đê, con đường quê. May sao rơm rạ ấm lòng đã quây lại sum vầy cho mẹ bớt đi khuya khoắt, nhọc nhằn. Quờ tay vào đâu cũng gặp xôm xốp mềm thơm tin cậy yêu thương. Ngả lưng xuống rơm rạ thành giường. Nhóm bếp lên rạ rơm thành cơm sôi, chè chát…

Ảnh minh họa: Trà My

Rạ là phần thân dưới của cây lúa, rơm là phần ngọn bông lúa. Khi gặt người ta gánh phần ngọn lúa về đạp hoặc trục đá để hạt lúa rơi ra khỏi ngọn tuốt thành ngọn rơm. Còn rạ thì được phơi ngoài đồng để khi khô nỏ mới gánh về. Màu rơm rạ khi phơi khô cũng khác nhau: Rơm có màu vàng ươm, ngược lại rạ có màu xám như cánh chim sẻ. Chức năng sử dụng của rơm rạ cũng khác nhau: Rơm được phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò khi mùa đông rét giá cỏ tươi khan hiếm, rạ dùng để lợp nhà hoặc làm chất đốt cho việc đun nấu. Cái thân cây sót lại sau vụ gặt đã âm ỉ cháy rồi bất chợt bùng lên trước khi tro tàn. Cái ánh lửa rơm rạ có chút gì nuối tiếc mà không yếu đuối, không vùng vằng, ánh lên như một niềm kiêu hãnh để không thành than mà thành tro thành đất, thành phù sa, một phù sa nghèo có lấm láp, có vụn ra nhưng là phù sa sạch, phù sa thật, phù sa ấm - phù sa từ quà tặng cánh đồng…

Mùa gặt qua rồi rạ rơm có chết đâu - rơm rạ đã thành cây. Khi rơm rạ khô nỏ, người ta chôn một cây tre già đã phơi khô trên mảnh đất rộng, thường là đầu chái bếp hoặc cạnh chuồng trâu. Rồi rãi rạ rơm xung quanh từng lớp, từng lớp hình vòng tròn cho người leo lên giẫm thật chặt. Cái khó của việc “đánh” cây rơm, cây rạ là sao cho thành ngọn càng lên cao càng nhỏ dần cho đến khi thành hình chiếc nón úp. Cái hình thù cây rơm thật ngộ nghĩnh là bạn chơi của đám trẻ con trốn tìm. Là ủ bóng cho đàn gà trưa hè nơi con trâu đủng đỉnh lim dim mắt nằm nhai rơm nhai nắng. Cái hình thù cây rơm trong ký ức tuổi thơ tôi là: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống cọc tre vườn”. Cây rơm, cây rạ cũng có thân phận như con người vậy. Vì thế mà dân gian đã đúc kết chắt lọc những kinh nghiệm sống trong đối nhân xử thế: “Quyền rơm vạ đá…”.

Mùa gặt xong, rơm thì theo người về làng còn rạ lại được trùm lên như những cái nơm úp xuống mặt cánh đồng. Rơm rạ thật hiền và có hậu. Từ những chiếc chổi rơm mà mẹ tôi đã dày công chọn lựa những sợi rơm mập mạp, vàng óng nhất để tỷ mẩn xếp lại đan cài vào nhau sống sít rồi buộc mây, nút lạc xiết vòng như chiếc vòng ngày nắng tháng mưa, xiết vòng bão to lũ lớn. Cứ từng ngấn từng ngấn như ngấn nước lụt dính bết vào tường nhà từng khấc từng khấc, từng năm từng năm.

Cái chổi rơm quét rác, không chỉ rác trong sân nhà mà quét ra cả ngoài ngõ, đường làng cho thơm thảo sạch sẽ: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, mẹ tôi bảo thế. Cả đời mẹ có đi xa đâu mà lo xa thế, mẹ lấy cái ăn cái mặc thường ngày để truyền cái đức hạnh, phẩm hạnh cho con cái. Mẹ đã chọn dâu từ cái dáng lưng thắt eo của người con gái quét sân bằng chiếc chổi rơm: Mềm mại mà không tất bật, lại có gì cao sang quấn quýt nữa. Và tôi nhìn ra xa, đang là mùa đông đồng heo hắt gió. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh chứa bao nỗi niềm ân tình rơm rạ: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”…

Nỗi niềm rơm rạ

Bất chợt chiều nay với bao nỗi niềm rơm rạ, tôi lại nhớ khói. Nhớ ngọn khói ngoằn ngoèo bò trên mái rạ mang cả hồn cốt mùa màng từ cánh đồng sau mùa gặt. Có lẽ khi cuộc sống xô bồ, đông cứng thì người ta lại càng thích trở về với những gì tan loãng mà da diết với mùi khói vừa nhẩn nha vừa suy ngẫm. Khói có gì đâu mà thổn thức lòng mình đến lạ. Có một chiều cuối đông tự dưng lại thấy người mình nhẹ bẫng khi được tình cờ bắt gặp khói đốt rơm của đám trẻ con bên bờ ruộng, vọng với tiếng sáo diều chao liệng. Một khoảnh khắc xao xác thả sau từng vạt nắng đông đã có chút ẩm ướt, đã tai tái ngọn gió ngập ngừng bắt đầu có tuổi chậm lại và điềm đạm hơn sau xù xì của từng lớp áo.

Tôi đã đi qua bao miền quê và nhận ra ngọn khói ở mỗi vùng đất có những nét riêng biệt. Đó là ngọn khói lam xanh mơ màng trên những nếp nhà sàn lợp tranh trong tiếng mõ trâu về bản của miền núi vùng cao. Đó là ngọn khói xanh thắm màu lá cọ của vùng đồi trung du bát úp có chút cô đơn mà kiêu hãnh. Đó là ngọn khói trắng nhởn nhơ, mỏng mảnh của làng quê đồng bằng.  

Khói có gì đâu mà len vào mình đầm đậm, thơm nồng và ngai ngái nữa. Khói được chưng cất từ hồn vía làng quê. Khói vít vào ngọn tre kẽo kẹt tiếng võng tre trưa hè, khói viền quanh ao làng một chút sương sớm mỏng mảnh. Nhớ khói, ta nhớ tiếng nổ lép bép của ngô rang, tiếng xuýt xoa của mùi khoai nướng, tiếng nổ lốp đốp của cọc tre khô, tiếng lật mình rôm rốp của cái bánh đa rộp phồng nhân vừng bùi bùi hơi khói. Và hình ảnh người bà thân thương lưng còng quét lá khô rụng trong vườn vun vén rơm rạ để vun lên ngọn khói tuy yếu ớt nhưng có hơi ấm lan tỏa xum vầy của đàn cháu quấn quít vây quanh. Bà nhóm lửa hay nhóm một niềm tin, một hy vọng, một lan tỏa chia sẻ cộng đồng. Khói cứ lặng lẽ hút đi những bụi bặm đời thường để: “Cái ngọn khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay” (thơ Bằng Việt). Thì ra trong khói có cả mùi vị, cả thời gian và không gian, cả tâm trạng.

Bây giờ chúng ta đã có những cái bếp ga hiện đại với ngọn lửa xanh lè thời văn minh công nghiệp, với những đồ ăn nhanh, thực phẩm tủ lạnh, thì ta lại càng thèm sao cái ngọn lửa bập bùng từ rơm rạ soi rõ bóng người lên bức vách tường nhà, thơm nồng vị khói với những bữa cơm đồng quê cá ao, rau vườn, tất cả đều chầm chậm lắng đọng cái vị quê đằm thắm mà ngọn khói đi vòng xích mọi người lại gần nhau. Một địa văn hóa ấm áp lạ thường bắt đầu từ ngọn khói rơm rạ.../.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top