Câu chuyện room ngoại gần đây được đề cập nhiều hơn khi nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính - ngân hàng nói riêng hội nhập sâu rộng; yêu cầu nâng cao nguồn vốn, năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động hệ thống ngân hàng ngày càng được chú trọng. Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính xung quanh vấn đề này.
- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của vốn ngoại đối với ngân hàng hiện nay?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng nếu được nới room ngoại sẽ tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, phần nào đó giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị; tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19.
Việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, giúp ngân hàng đó có thể hồi phục, tái cấu trúc được cũng là chủ trương đặt ra của Chính phủ. Tại Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhắc đến nội dung hoàn thiện quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với từng loại hình TCTD phù hợp với cam kết quốc tế đã ký.
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cũng có cam kết xem xét tạo thuận lợi, cho phép các nhà đầu tư ngoại nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong hai NHTMCP, không phải chờ quyết định nới room chung, song cam kết này không áp dụng với 4 NHTM Nhà nước.
Như vậy, có thể nói việc nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài là câu chuyện sớm muộn, tất yếu sẽ diễn ra.
- Ngoài vấn đề giới hạn room, theo ông ngân hàng còn gặp khó khăn gì khi tìm cổ đông chiến lược nước ngoài?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển, song các nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thận trọng nhất định bởi phải thẳng thắn nhìn nhận là thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn cần nâng cao hơn nữa về tính minh bạch, chuẩn mực. Nếu ngân hàng không nỗ lực để cải thiện tự thân thì cũng rất khó để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, bởi kể cả có nâng tỷ lệ sở hữu mà ngân hàng không chứng minh được sự uy tín, năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, công khai minh bạch… thì các đối tác ngoại cũng không mặn mà.
Thêm nữa, một trong những vấn đề chủ yếu các nhà đầu tư ngoại quan tâm là họ có được tham gia vào quá trình quản trị doanh nghiệp hay không. Có thể giới hạn sở hữu không quá lớn, nhưng được quyền tham gia quản trị thì khả năng cao là các ngân hàng nước ngoài đều rất muốn bước chân vào. Đây là vấn đề cần phải xem xét rất thấu đáo.
- Nói như vậy thì cần cân nhắc nhiều yếu tố, thưa ông?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Lĩnh vực tài chính - ngân hàng khá nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ thôi cũng có thể dẫn tới thay đổi rất lớn. Chính vì thế việc nghiên cứu nới room ngoại cần rất thận trọng. Chúng ta đề ra ở mức độ bao nhiêu, liều lượng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài như thế nào cho hợp lý là cả vấn đề phải suy xét cụ thể.
Nếu nới nhiều hoặc quá nhanh thì có thể dẫn tới nhiều rủi ro, tổn thương cho thị trường tài chính và bản thân các ngân hàng khi bị chi phối, phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngược lại, việc nới quá ít, quá chậm cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều tới tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, nâng cao hiệu quả quản trị cũng bị kìm chế…
Không chỉ riêng Việt Nam, mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng là điều vô cùng quan trọng và được đặc biệt lưu tâm. Tại một số quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài có thể không quá khó khi tham gia vào với các ngân hàng tầm trung, quy mô nhỏ, nhưng với các ngân hàng có thị phần lớn, có tầm ảnh hưởng tới kinh tế quốc dân thì không phải chuyện đơn giản.
Xem xét, nghiên cứu để đưa ra một mức giới hạn tỷ lệ sở hữu phù hợp là chuyện cần thiết và phải có lộ trình, phụ thuộc vào thời gian cam kết của Việt Nam với quốc tế, khả năng cải thiện năng lực giám sát, minh bạch hoá thông tin… Khi nền kinh tế dần trở nên mạnh mẽ hơn, có thể độc lập tự chủ hơn thì hoàn toàn có thể cân nhắc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại tham gia vào các lĩnh vực trong nền kinh tế, ngoại trừ an ninh quốc phòng.