Aa

Nới room tín dụng có là “trợ lực“ cho thị trường bất động sản?

Thứ Bảy, 15/07/2023 - 07:39

Cùng với những giải pháp quyết liệt nhằm hạ lãi suất, thị trường bất động sản sẽ có thêm động lực để vượt khó.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng lên 14%. Theo đó, từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng được bơm cho nền kinh tế. Cùng với những giải pháp quyết liệt nhằm hạ lãi suất, thị trường bất động sản sẽ có thêm động lực để vượt khó.

Kỳ vọng điều kiện vay sẽ được nới lỏng

Trải qua 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ 2022. Trong đó,chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14%. Đây được cho là kết quả của những chính sách và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ.

Trải qua 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ 2022. Ảnh TTXVN

Mặc dù vậy, trong 5 tháng đầu năm, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại ghi nhận giảm 1,32%. Trong khi đó, ở thời điểm cùng kỳ năm 2022, chỉ tiêu này tăng tới 15%. Nguyên nhân của vấn đề này theo các chuyên gia, đó là do các nhà đầu tư cá nhân và người mua nhà để ở chưa sẵn sàng cho việc mua bất động sản khi lãi suất còn cao và nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn tín dụng này. Mặt khác, giá bất động sản không còn tăng nhưng vẫn neo ở mức cao, không hấp dẫn người mua. Chưa kể, nguồn cung bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực chưa được cải thiện.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách điều hành một cách linh hoạt và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ  các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận của các đối tượng trong nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo an toàn của hệ thống.

Việc điều chỉnh room tín dụng trong nửa cuối năm 2023 mới đây của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền rất lớn được bơm ra nền kinh tế. Ước tính, lượng tiền này sẽ rơi vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Để nền kinh tế có thể hấp thụ hết một cách hiệu quả lượng tiền này, chắc chắn các điều kiện vay cũng như lãi suất cho vay sẽ phải được nới lỏng.

Nếu lãi suất tiết kiệm giảm sâu, dòng tiền này sẽ được chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó sẽ có chứng khoán và bất động sản. Ảnh Diễn đàn doanh nghiệp

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, với việc đặt chỉ tiêu tín dụng lên 14% cho năm 2023 trong khi nửa đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,03%. Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng tiền rất lớn được cung ra thị trường. Đồng thời với điều này, điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng cũng sẽ được nới lỏng hơn nhằm tăng khả năng hấp thu của nền kinh tế.

Kỳ vọng lãi suất giảm - đầu tư sẽ tăng

Khi có một lượng tiền lớn được bơm ra thị trường, tất yếu sẽ khiến lãi suất giảm. Khi lãi suất cho vay giảm thì lãi suất huy động cũng phải giảm theo. Do đó, một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm sẽ được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Ước tính, có khoảng 6,28 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm cá nhân sẽ hết hạn vào giai đoạn cuối năm 2023. Nếu lãi suất tiết kiệm giảm sâu, dòng tiền này sẽ được chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó sẽ có chứng khoán và bất động sản.

 Theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Viện DXS - FERI) chia sẻ, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng nhưng nhu cầu đối với các phân khúc bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, bất động sản có thể đem lại dòng tiền từ cho thuê hay kinh doanh vẫn luôn có. Do ảnh hưởng tâm lý chung nên trong giai đoạn vừa qua, nhiều người có nguồn tiền nhàn dỗi có nhu cầu mua bất động sản nhưng vẫn e dè, chờ quan sát những tín hiệu từ thị trường chưa dám xuống tiền. Lượng tiền này có một phần tương đối được gửi vào các tổ chức tín dụng nhằm tranh thủ thời điểm lãi suất cao. Các khoản tiết kiệm này đa phần có kỳ hạn từ 6 -12 tháng.

ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Viện DXS - FERI). Ảnh Đất Xanh

Hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm xuống dưới 8%/năm và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Dự kiến, đến cuối năm nay, khi các hợp đồng gửi tiết kiệm trước đó sẽ đến hạn và lãi suất huy động khi đó có thể sẽ về mức 5-6%/năm. Mức lãi suất này chắc chắn sẽ không đủ hấp dẫn đối với nhiều người và họ sẽ tìm kiếm những kênh đầu tư khác có mức lợi nhuận cao hơn.

"Khi lãi suất giảm xuống mức thấp (5-6%), những người kỳ vọng mức lợi nhuận cao sẽ chuyển sang kênh  đầu tư có thể mang lại lợi ích nhanh như chứng khoán hay bất động sản. Tất nhiên, vẫn có một nhóm các nhà đầu tư coi trọng sự “an toàn” hơn và có thể họ vẫn sẽ tiếp tục gửi ngân hàng hoặc lựa chọn một kênh đầu tư an toàn nào đó. Dự báo, từ cuối năm 2023, một phần dòng tiền (khoảng hơn 6 triệu tỷ đồng ) này sẽ quay trở lại thị trường bất động sản", ông Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi lãi suất giảm, đầu tư sẽ tăng lên không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi mà còn giúp tạo hưng phấn cho thị trường chứng khoán và bất động sản. Khi đó, các nhà đầu tư không còn tâm lý “e dè”, nghe ngóng nữa mà sẽ mạnh dạn xuống tiền đầu tư.

Mặt khác, theo các chuyên gia, khi lãi suất giảm, điều kiện vay được nới lỏng sẽ giúp kích thích nhu cầu mua bất động sản, qua đó làm tăng cầu bất động sản. Đồng thời, nhờ tiếp cận được nguồn tín dụng, các chủ đầu tư có thể tái khởi động lại các dự án đang dở dang giúp tăng nguồn cung bất động sản. Từ đó, thị trường có điều kiện tốt hơn để phục hồi.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nếu lãi suất được điều chỉnh thấp (khoảng 5-6%) sẽ có một lượng tiền lớn rút ra khỏi hệ thống ngân hàng để trở lại đầu tư. Trong đó có những kênh đầu tư được ưu thích như bất động sản. Đồng thời, trong trường hợp lãi suất cho vay giảm được áp dụng chung cho cả khoản vay mới và cũ sẽ giúp giảm áp lực tài chính đối với các nhà đầu tư. Khi áp lực được giảm, các nhà đầu tư sẽ không phải bán tháo các bất động sản của mình bằng mọi giá để thoát nợ. Điều này góp phần giúp thị trường trở lại cân bằng và tạo tâm lý tích cực hơn đối với các nhà đầu tư khác.

“Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản, nhất là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn và pháp lý. Một số dự án cơ bản đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đã được tái khởi động trở lại. Tôi cho rằng, bắt đầu từ cuối quý III/2023, thị trường bất động sản sẽ có những dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top