Aa

Nới hạn mức tín dụng không có nhiều tác động tới thị trường bất động sản

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 19/09/2022 - 06:08

Doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn trung và dài hạn rất lớn, đặc biệt là từ nay tới hết năm 2024 nhóm này phải đáo hạn hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Nới hạn mức tín dụng nhưng không ưu tiên cho bất động sản

Sau hơn 10 ngày Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng (room) với những ngân hàng thương mại đủ điều kiện từ 1-4%, có khoảng 457 nghìn tỷ đồng đang bơm vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Theo thông tin từ Vietcombank, ngân hàng này được nới room từ 15% lên 17,7%, như vậy có thêm khoảng 32.000 tỷ đồng bơm ra từ nay tới hết năm 2022. Ngân hàng được nới thêm 2,7% là do đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.

Vietcombank cho hay ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.

Một trường hợp khác là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân được nới room ở mức cao nhất, tới 4% và nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng cho biết cùng với tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, VIB cũng dự định tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe và tập trung tăng trưởng thẻ tín dụng nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân, qua đó tạo sức tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết, với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, định hướng trong vòng 1 tháng tới số vốn này sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua.

Chia sẻ với Reatimes, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Về nguyên tắc phải hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên để phục hồi và tăng trưởng, nhưng cũng đồng thời phải kìm giữ mức lạm phát. Đối với nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong đó có nhóm bất động sản thì cần huy động từ kênh phát hành trái phiếu và thị trường chứng khoán”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo, trái phiếu đến hạn không trả được nợ sẽ gây ra hệ lụy vô cùng lớn. Ảnh: Tùng Dương

Đồng quan điểm, ông Phan Việt Hoàng – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa nói với Reatimes: “Về lý thuyết thì việc nới room tín dụng sẽ tăng khả năng cho vay của các ngân hàng dựa trên vốn đang có và điều này cũng sẽ có lợi cho lĩnh vực bất động sản nhưng không nhiều, bởi vì mục đích chính là ưu tiên tín dụng triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục hồi hoạt động sản xuất.

Bất động sản không được nêu cụ thể là nhóm ưu tiên, đồng thời việc đánh giá tiêu chí đối tượng để cho vay với các dự án bất động sản trong thời điểm hiện nay cũng chặt chẽ hơn trước. Vì vậy nguồn cung các dự án nhà thương mại sẽ tiếp tục gián đoạn, trong trung hạn sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội dựa trên Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó sẽ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.

Năm 2023 nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng ổn định cho thị trường phát triển ổn định, minh bạch. Trong bối cảnh khó khăn, tôi cho rằng các doanh nghiệp cũng cần phải lường xa hơn tới những khó khăn về dòng vốn ở năm sau để tạo được sự liên kết, sáp nhập, cùng triển khai phát triển các dự án”.

Nỗi lo áp lực đáo hạn trái phiếu

Theo báo cáo của Fiin Group, trong tháng 8 vừa qua, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành. Cụ thể, giá trị phát hành trong tháng đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đối với lĩnh vực bất động sản tháng 8 có hai doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng là Công ty CP Fuji Nutri Food và Công ty CP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền. Trước đó, vào tháng 7, thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 210 tỷ đồng là Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An.

Theo Bộ Tài chính, từ nay tới hết năm 2024 có khoảng 745.400 tỷ đồng giá trị phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn, các tổ chức tín dụng và nhóm các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong đó năm 2022 là khoảng 144.500 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 271.400 tỷ đồng và năm 2024 khoảng 329.500 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Trái phiếu doanh nghiệp đến hạn mà không trả được nợ sẽ gây thiệt hại cho các chủ thể trên thị trường trái phiếu và làm xáo trộn cân đối vốn của nền kinh tế. Đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thậm chí nếu vỡ nợ trái phiếu thì hậu quả vô cùng lớn với thị trường và ảnh hưởng cả tới các tổ chức tín dụng. Hiện tại nhà đầu tư có tiền nhưng không dám cho vay, còn doanh nghiệp cũng không dám phát hành trái phiếu vì lo bị thanh tra, bị huỷ phát hành nếu có sai phạm. Nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp có trái phiếu sắp đáo hạn là rất lớn và cơ quan quản lý phải thấy được nguy cơ, sớm triển khai các giải pháp càn thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản cần vốn đầu tư rất lớn”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, thời gian gần đây nhóm doanh nghiệp bất động sản không tìm được dòng vốn khiến dự án đình trệ, trong khi đó vẫn phải chịu chi phí lãi vay, tồn kho tăng, nợ ngắn hạn… nhìn vào các chỉ số liên tục sụt giảm trên thị trường chứng khoán thì thấy rõ nguy cơ.

“Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để họ chủ động tìm nguồn vốn, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường này ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhóm bất động sản, dòng vốn càng chậm càng dẫn tới nhiều hệ lụy về sau”, ông Thịnh nói.

Theo FiinGroup, thị trường phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng nghiêng về phát hành đại chúng với các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng. Đồng thời phát hành riêng lẻ sẽ giảm quy mô, nhưng hướng đến mở rộng đối tượng nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu...

Trao đổi với Reatimes, TS. Trần Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest cho biết: “Một trong những kênh quan trọng đang bị mắc kẹt là trái phiếu doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng trái phiếu và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng vốn, nhưng cũng phải tạo sự thông thoáng, vì nếu như quy định chỉ nhằm siết chặt thì thị trường ngày càng bị bó chặt, rồi lại phải sửa tiếp sẽ rất mất thời gian. Khó khăn là cơ quan quản lý siết theo hướng doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn… nhằm hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những quy định như vậy mâu thuẫn với Luật Đầu tư không quy định huy động vốn phải đầu tư vào đâu, góp vốn và cho vay là quyền của doanh nghiệp. Công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi phân bổ vốn cho các công ty con triển khai các dự án là hợp pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

TS. Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart InVest . Ảnh: NQ

Theo TS. Trần Minh Tuấn, doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm bất động sản, vì hoạt động phát hành trái phiếu chưa biết khi nào mới triển khai được, huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng không khả quan.

“Những yếu tố vĩ mô ở Mỹ và châu Âu vẫn thường trực biến động bất lợi cho nền kinh tế và thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn từ những yếu tố vĩ mô của những nước phát triển trong giai đoạn cuối quý III và sang quý IV.

Bất chấp những yếu tố vĩ mô trong nước đang cho thấy sự tích cực như GDP phục hồi mạnh nhưng dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự được thông thoáng, gói hỗ trợ lãi suất vẫn vướng mắc trong thực tế triển khai, việc tiếp cận nguồn vốn vay trong kinh doanh của đại bộ phận các loại hình doanh nghiệp gặp khó khăn. Những yếu tố này cũng đang tác động bất lợi đến hoạt động của thị trường chứng khoán về cả yếu tố thanh khoản thị trường lẫn chất lượng hoạt động của doanh nghiệp niêm yết.

Trong bối cảnh này nếu kiểm soát tốt lạm phát trong giai đoạn từ nay đến cuối năm sẽ là kỳ vọng cho việc Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng hơn chính sách tín dụng, dòng tiền thông thoáng hơn, gói hỗ trợ lãi suất được triển khai mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và quyết liệt hơn sẽ là những yếu tố hỗ trợ thanh khoản và tiếp cận vốn. Thị trường chứng khoán có thể kích thích dòng tiền nhàn rỗi khi các yếu tố vĩ mô được nới lỏng”, ông Tuấn nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top