Huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hiện đang trở thành "sợi chỉ đỏ" trên bản đồ bất động sản khu vực nhờ vị trí đắc địa: Nằm sát cạnh một trong 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam - TP. HCM và là nơi tọa lạc của sân bay quốc tế Long Thành.
Tận dụng những "bệ phóng" này, huyện Long Thành hiện không chỉ thu hút các "ông lớn" trong ngành BĐS "rót vốn" đầu tư phát triển nhà ở mà còn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các "đại bàng" trong lĩnh vực công nghiệp và logistics.
Theo ghi nhận của Tạp chí Tri thức, hiện nay Khu công nghiệp (KCN) Công nghệ cao Long Thành (Amata City Long Thành) đang nhộn nhịp với hàng chục công nhân và máy móc hoạt động.
Amata City Long Thành được đánh giá sở hữu nhiều lợi thế vượt trội về kết nối giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics quốc tế khi nằm cách sân bay quốc tế Long Thành chừng 10km.
Chỉ sau hơn một năm khởi công, dự án này đã thu hút 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng cơ sở sản xuất với tổng vốn khoảng 160 triệu USD, gồm: Công ty TNHH Kingfa Science & Technology, CTCP Công nghệ Chiếu xạ Ánh Dương, Công ty TNHH Wave Crest Việt Nam, Công ty TNHH KingClean Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ ZQ Việt Nam.
Đa phần các doanh nghiệp này đều tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực tiềm năng như chiếu xạ, điện tử và vật liệu thế hệ mới.
Amata City Long Thành là dự án được đầu tư bởi Tập đoàn Amata (Thái Lan), được xây dựng trên tổng diện tích 410ha với tổng vốn đầu tư 282 triệu USD.
Dự án này hiện đã hoàn thành 95% hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 1, trong đó gồm san lấp mặt bằng, điện nước...
Thời gian gần đây, CTCP Phát triển Công nghiệp BW - nhà phát triển BĐS công nghiệp và logistics cho thuê lớn tại Việt Nam cũng đã khởi công dự án BW Tân Hiệp Logistics Park, cách sân bay quốc tế Long Thành chỉ 5km.
BW Tân Hiệp Logistics Park là dự án logistics duy nhất trong bán kính này, được xây dựng trên tổng diện tích 64ha, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo Tổng giám đốc của BW - ông Lance Li, dự án này sau khi hoàn thành sẽ trở thành một trung tâm logistics quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trên khắp Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ.
Cùng với các dự án mới, KCN Long Thành (được thành lập từ năm 2003) bởi CTCP Sonadezi Long Thành tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Khu công nghiệp này được xây dựng trên diện tích 488ha, đã từng đón nhận dòng vốn từ nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Đan Mạch...
KCN này đã dần trở thành điểm đến của các thương hiệu lớn như Bosch, Ajinomoto, Olympus, Samtec, Wonjin Kolon Glotech...
Tính đến năm 2022, KCN Long Thành đã thu hút 125 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD, diện tích đất cho thuê hơn 289 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 94%.
Nhờ loạt dự án trọng điểm cùng nhiều tiềm năng sẵn có trong việc thu hút đầu tư, huyện Long Thành đang được xem là trung tâm kinh tế công nghiệp và logistics quan trọng tại khu vực Đông Nam Bộ.
Long Thành là một huyện thuộc phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế động lực của vùng Đông Nam Bộ. Huyện có diện tích 431,01km2 và hiện đang là nơi tọa lạc của dự án sân bay quốc tế hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.