Động thái nới room tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước hôm 5/12 vừa qua được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp trong tình hình hiện nay. Đây sẽ là chính sách đem lại tác động tích cực cho thanh khoản thị trường, tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, cùng với việc nới room tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Để có những đánh giá cụ thể hơn về động thái này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).
Thanh khoản nền kinh tế cải thiện, nhà đầu tư rời bỏ tâm lý bi quan
PV: Ông có đánh giá như thế nào về động thái nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới đây?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi, đây là chính sách tiền tệ khá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước ở giai đoạn hiện tại.
Room tín dụng tăng thêm 1,5 - 2% sẽ giúp cung tiền cải thiện hơn, tạo ra một không gian thanh khoản rộng hơn cho các ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, việc đưa ra chính sách này ở thời điểm hiện tại là phù hợp với bối cảnh thế giới khi lạm phát có tín hiệu giảm, quá trình tăng lãi suất của Fed hay các nước trên thế giới cũng có dấu hiệu chậm lại. Vì vậy, sức ép lên tỷ giá cũng giảm đi nhiều. Đây là những biểu hiện cho thấy đủ điều kiện để Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách nới room tín dụng.
Còn về tình hình trong nước, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang gặp vấn đề lớn về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cũng như thanh khoản trong nền kinh tế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Đơn cử là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ, kiểm soát khung tiền khá chặt chẽ từ đầu năm đến nay (quy định room tín dụng, trần tín dụng, bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá). Có những thời điểm Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền khỏi hệ thống liên ngân hàng, do đó cung tiền trong nền kinh tế khá hạn chế. Ngoài ra còn có nguyên nhân liên quan đến việc đầu tư công không giải ngân được. Tất cả những yếu tố này khiến thanh khoản trong nền kinh tế sụt giảm.
Trong khi đó, càng về cuối năm nhu cầu thanh khoản càng cao, vì vậy để đáp ứng được nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế thì việc nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là phù hợp ở thời điểm này.
Càng về cuối năm nhu cầu thanh khoản càng cao, vì vậy để đáp ứng được nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế thì việc nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là phù hợp ở thời điểm này.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
PV: Cụ thể hơn, động thái này sẽ tạo ra những tác động như thế nào đến nền kinh tế?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Để nói về mức độ tác động thì việc nới room thêm 1,5 - 2% tương đương khoảng 150.000 - 200.000 tỷ đồng. Đây là con số không quá lớn đối với nền kinh tế. Với lượng tiền này, có thể giải quyết được câu chuyện thanh khoản cho nền kinh tế cuối năm, tuy nhiên tôi cho rằng sẽ chưa tạo ra sự đột biến hay bùng nổ lớn cho nền kinh tế hay những biến động trên thị trường tài sản. Cụ thể, thanh khoản này hướng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chứ không hướng vào những lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường tài chính, bất động sản đang gặp không ít khó khăn cùng với việc tâm lý nhà đầu tư có cuộc khủng hoảng nhẹ như hiện nay thì chính sách nới room được xem là điểm sáng tích cực. Vậy ông có quan điểm như thế nào?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Chính xác là như vậy. Dù việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% sẽ chưa tạo ra những tác động trực tiếp quá lớn tới nền kinh tế, nhưng sẽ tác động gián tiếp. Động thái này cho thấy rằng Chính phủ quan tâm đến tình hình thị trường hiện tại và đang tìm mọi cách để tháo gỡ những khó khăn. Và như thế, nhà đầu tư sẽ lấy lại được ít nhiều niềm tin và trở nên lạc quan hơn vào thị trường.
Bên cạnh tăng room tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang duy trì thanh khoản hệ thống trong mọi tình huống, thậm chí có thể kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng đến sau Tết. Đây chính là động lực khiến các nhà đầu tư rời bỏ tâm lý bi quan.
PV: Riêng đối với thị trường chứng khoán, chính sách này sẽ tạo ra sự hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Ở thị trường chứng khoán, việc nới room tín dụng cũng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Biểu hiện là thanh khoản trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại đã tăng khá mạnh, trở lại mức 17.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là mức khá cao so với bình quân trong quý III/2022.
Thực tế, thông tin nới room đã được phản ánh vào giá, bởi kỳ vọng về việc nới room tín dụng đã xuất hiện trong tháng 11. Kết quả, thị trường chứng khoán đã hồi phục kể từ cuối tháng 11 cho tới nay và nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những nhóm tăng khá mạnh, giúp cho VN-Index hồi phục lên mức như hiện nay (tăng gần 200 điểm so với đáy).
PV: Vậy đâu là nhóm cổ phiếu sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Trước hết, những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên của chính sách này sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi họ sẽ được cải thiện về thanh khoản, được vay mới trong thời gian tới.
Có thể những doanh nghiệp này trước đây vẫn đủ điều kiện vay mới nhưng các ngân hàng liên kết cùng hết room tín dụng khiến họ không thể vay được. Vì vậy, khi hệ thống ngân hàng được nới room thì những doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi đầu tiên.
Thứ hai, chính các ngân hàng thương mại cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách nới room tín dụng. Bởi họ sẽ có không gian tín dụng rộng hơn, có thể giúp cho các khách hàng cũ trả được nợ cũ. Như vậy, lãi cũ vẫn thu được mà lãi mới sẽ phát sinh, ghi sổ trong tương lai. Điều này sẽ giúp các nợ xấu, nợ có rủi ro không bị chuyển nhóm, cải thiện được vấn đề nợ xấu gia tăng và cũng giúp lãi cho vay của các ngân hàng tăng thêm trong tương lai, cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Nới room tín dụng không đe dọa đến tình hình lạm phát
PV: Theo ông, liệu việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có trở thành mối đe dọa đối với lạm phát của Việt Nam hay không?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi, đối với nước ta hiện nay thì lạm phát chưa phải là vấn đề quá lớn. Bởi thứ nhất, đến thời điểm này, lạm phát Việt Nam vẫn đang ở mức dưới 4%.
Thứ hai, những sức ép lên lạm phát cũng bắt đầu giảm bớt. Đơn cử như tỷ giá liên tục giảm, giá xăng dầu trên thế giới cũng đang giảm mạnh, giá lương thực, thực phẩm cũng có chiều hướng đi xuống…
Chính sách nới room lúc này là hợp lý và không những không đe dọa gì đến tình hình lạm phát mà còn giảm bớt áp lực về lạm phát.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thứ ba là ở Việt Nam hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, do đó vấn đề cải thiện thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư cấp thiết hơn. Thời gian qua, thanh khoản rất khó khăn, niềm tin nhà đầu tư xuống dốc nên nền kinh tế đã chịu rất nhiều sức ép. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn vì thiếu vốn lưu động, nhà đầu tư có tâm lý bán tháo trên các thị trường tài chính, thị trường tài sản. Tất cả những hệ lụy này là vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay. Do đó, chính sách nới room lúc này là hợp lý và không những không đe dọa gì đến tình hình lạm phát mà còn giảm bớt áp lực về lạm phát.
PV: Vậy nới room tín dụng ở thời điểm này sẽ tác động như thế nào đến cuộc đua tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Đối với việc các ngân hàng đua lãi suất, theo quan sát của tôi, thời gian qua cuộc đua lãi suất đã diễn ra rất rõ nét. Cuộc đua này diễn ra từ trước, không phải đến bây giờ các ngân hàng mới đua lãi suất. Kể cả không tăng trưởng tín dụng, hầu hết các ngân hàng vẫn đẩy lãi suất lên cao để hút tiền vào, đảm bảo thanh khoản cuối năm khi nhu cầu rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng lên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!