3h30 sáng nay 4/8, ngôi nhà 3 tầng một tum trên phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ đổ sập. 2 trong số 8 người phía trong bị gạch vữa vùi chết, 3 người bị thương, còn lại may mắn thoát nạn.
Theo báo cáo nhanh của công an phường Trúc Bạch, ngôi nhà 43 Cửa Bắc được xây dựng từ rất lâu, móng hầu như không có. Trong khi đó gia đình ở số nhà 41 sát bên đang đào móng, có thể làm ảnh hưởng đến công trình. Ngôi nhà số 43 này được xây từ những năm 1980 và hầu như chưa được gia cố, sửa chữa.
Mới hơn 30 năm tuổi thọ nhưng ngôi nhà 43 Cửa Bắc đã đổ sụp bất ngờ làm người dân càng hoang mang về hàng loạt những ngôi nhà trong phố cổ đã xuống cấp trầm trọng có tuổi thọ gần trăm năm. Kinh khủng hơn dù rệu rã nhưng những ngôi nhà cổ, biệt thự cũ này còn bị chia năm xẻ bảy cho nhiều thế hệ sinh sống.
Mới tháng 9 năm ngoái, căn biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bất ngờ bị sập khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương nặng, hàng chục hộ dân phải sơ tán đến nơi ở tạm hoặc thuê nhà.
Trước khi sập, căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp này có tới 62 hộ dân sinh sống. Chỉ nhìn số lượng người sinh sống trong căn biệt thự cũ và quá tải này cũng đã dự báo trước được nguy cơ sụp đổ không sớm thì muộn.
Câu chuyện biết chết mà vẫn phải sống chung cũng đang tái diễn trong căn biệt thự Pháp cổ số 13 Phan Huy Chú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là căn biệt thự đang trong diện cảnh báo đặc biệt nguy hiểm về sự xuống cấp. Trần bị nứt vỡ nhiều, các hộ dân phải dùng các giá gỗ chằng chống tạm bợ, đã có trường hợp mảng vữa suýt rơi trúng đầu một cháu bé đang ngồi ăn cơm. Cầu thang đã bị hỏng hóc tới độ người dân phải dùng thang giường chống đỡ tạm.
Trên tầng 3 biệt thự có tới 20 hộ dân sinh sống hơn 40 năm nay trong tình trạng tạm bợ, nhà cửa dột nát, không cả nhà tắm, vệ sinh.
Hà Nội hiện đang có khoảng 200 căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp đang xuống cấp mà vẫn chưa thể xử lý.
Ngôi nhà số 8 Tăng Bạt Hổ được xây từ năm 1920, đầu tiên do một đơn vị bộ đội tiếp quản, hiện những người dân sống tại đây đều đã và đang phục vụ trong quân đội. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, tổ trưởng tổ dân phố 6B, phường Phạm Đình Hổ, ngôi nhà này rộng 200 m2, hiện có 17 hộ sinh sống. Cửa sổ nhà từng rơi xuống gây thương tích cho cư dân. Nhưng do vẫn chưa biết ngôi nhà thuộc sự quản lý của bên nào nên đến nay tòa nhà vẫn chưa được sửa chữa.
Ngôi biệt thự ở số 333 Hoàng Hoa Thám được xây từ năm 1935. Trước đây có 10 hộ dân sống, nhưng do nhà xuống cấp nên một cá nhân đã đứng ra mua lại tất cả. Hiện nay nhà đã được cải tạo để làm quán bia nhưng tình trạng xuống cấp vẫn nhìn rất rõ từ phía sau.
Biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học bị biến dạng do sự cơi nới của người dân. Đây là biệt thự được xây trước năm 1954, thuộc diện được bảo tồn nhóm 2 (gồm biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Khi cải tạo, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ). Để phục vụ sinh hoạt, người dân đã biến ban công thành công trình phụ, làm thay đổi kết cấu ban đầu và là nguyên nhân khiến nhà càng nhanh xuống cấp.
Những bức tường thế này là nỗi ám ảnh của người dân sống tại ngôi biệt thự cổ 45A Lò Đúc. Theo ông Thắng, 60 tuổi, sinh ra và lớn lên tại đây, nhà được xây năm 1905, có 9 hộ sinh sống, mỗi tầng 3 hộ. Phòng ở của nhà ông cũng từng bị rơi một mảng vữa trần lớn, may mắn không gây thương tích.
Ngôi nhà số 47 Trần Quốc Toản đã không còn nguyên vẹn như dáng vẻ ban đầu bởi tình trạng cơi nới, xuống cấp.
Ngôi biệt thự số 45 nằm trên phố Trần Quốc Toản đã rất nổi tiếng với người dân ở đây vì bị nghiêng khoảng 15 độ. Khi bước chân lên cầu thang và đi vào nhà ở tầng 2, mọi người đều cảm thấy nhà nghiêng.
Trước tình hình mưa bão như vừa qua, thật khó đảm bảo sự an toàn cho các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà cổ đang xuống cấp trầm trọng này.