Chủ tịch HLH Phụ nữ Việt Nam: “Nữ doanh nhân Việt Nam, tiếp nối truyền thống, vươn ra toàn cầu“

Chủ tịch HLH Phụ nữ Việt Nam: “Nữ doanh nhân Việt Nam, tiếp nối truyền thống, vươn ra toàn cầu“

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 20/10/2021 - 08:00

 

- Bà nhìn nhận ra sao về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử phát triển của dân tộc?

Bà Hà Thị Nga: Trong xã hội cũ, người phụ nữ Việt Nam phải chịu nhiều định kiến, nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ và từng bước làm chủ vận mệnh của mình. Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng từng chia sẻ rằng, dù khi bước sang chế độ phụ quyền, không phải bất cứ nơi đâu và lúc nào cũng đều mang hình thức cổ điển, hà khắc (người phụ nữ bị truất hẳn vai trò và quyền hành xã hội, trở thành nô lệ gia đình), nhiều xã hội chuyển sang phụ quyền dưới một hình thức “êm dịu hơn”. Phụ nữ Việt Nam ở trong hoàn cảnh như vậy, có lẽ cũng rất đặc thù và khác biệt.

Nhìn theo chiều dài lịch sử Việt Nam, chúng ta có những tấm gương phụ nữ anh hùng, bền bỉ và kiên cường. Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu trên thớt voi ra trận, rồi Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân, tham gia lãnh đạo đất nước, chống giặc, tới những người mẹ Việt Nam nén đau thương tiễn con lên đường chống giặc ngoại xâm, ở lại quê nhà thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt, tập hợp, đoàn kết phụ nữ trên mọi mặt trận vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Những “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, các Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi..., đã làm rạng danh phụ nữ Việt Nam. Chúng ta xúc động trước hình ảnh nữ Anh hùng Út Tịch, với câu nói nổi tiếng “đánh giặc còn cái lai quần cũng đánh”. Và còn hàng triệu, hàng triệu phụ nữ “Năm tốt”, phụ nữ “Ba đảm đang”, phụ nữ “chắc tay súng, vững tay cày” đã tô thắm thêm cho trang vàng lịch sử dân tộc…

Đó là những minh chứng hùng hồn về phẩm chất và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Bên cạnh ý chí và nghị lực, mọi hành động của người phụ nữ đều xuất phát từ trái tim yêu nước, vì cộng đồng với một khát vọng dân tộc mạnh mẽ. Chính những người phụ nữ anh hùng đã góp phần quan trọng làm nên thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; tạo nên một Tổ quốc nhân văn, hòa bình, độc lập, bình đẳng và phát triển như ngày hôm nay.

 

- Trong dòng chảy đó, những nữ doanh nhân đã xuất hiện và khẳng định vai trò ra sao, thưa bà?

Bà Hà Thị Nga: Dù xuất hiện khá muộn và không nhiều, do lịch sử Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là quan niệm, định kiến xã hội; tuy nhiên, Việt Nam đã có những nữ doanh nhân nổi danh và ghi dấu ấn đối với sự phát triển của đất nước.

Từ thế kỷ XV, chúng ta có thể tự hào về câu chuyện bà tổ nghề Gốm Chu Đậu, bà Bùi Thị Hý thoát khỏi giới hạn định kiến xã hội phong kiến để đưa sản phẩm gốm của Việt Nam nổi danh năm châu. Ít ai có thể tin được rằng, trong bối cảnh xã hội ngày đó, một nữ doanh nhân Việt đã có thể làm nên kỳ tích khi đưa Gốm Chu Đậu đến tận đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa vạn dặm.

Chúng ta cũng có nữ doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, phu nhân cụ Trịnh Văn Bô – một gia đình tư sản yêu nước, một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc. Càng kinh doanh, càng giàu có, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ càng chia sẻ nhiều hơn với những người nghèo và đóng góp hết tài sản cho cách mạng. Mỗi chúng ta đều còn nhớ câu nói của cụ: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Đó là người phụ nữ Việt Nam điển hình, không chỉ “công – dung – ngôn – hạnh”, mà còn tài năng trong sự nghiệp kinh doanh, hết lòng đóng góp cho đất nước.

 

Chúng ta còn rất nhiều nữ doanh nhân ẩn danh khác đảm đang buôn bán, là “nội tướng” chu toàn việc nhà cho những người đàn ông yên tâm dốc lòng vì nước, vì dân. Tựu trung lại, ở thời đại nào thì nữ doanh nhân đều là những con người nồng nàn yêu nước, giàu lòng nhân ái và có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, mong muốn được khẳng định mình và góp phần khẳng định vị thế của quốc gia.

- Xin bà phác thảo những nét cơ bản về vai trò và sự phát triển của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay?

Bà Hà Thị Nga: Từ sau Đổi mới, nữ doanh nhân Việt Nam vươn lên là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. Chúng ta trân trọng những đóng góp quan trọng của lực lượng nữ doanh nhân, các chị đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Theo thống kê, hiện có khoảng gần 30% số doanh nghiệp là do phụ nữ làm chủ, tham gia lãnh đạo, một tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một tỷ lệ không nhỏ – thậm chí là lớn so với nhiều nước trên thế giới, và xu hướng vẫn có tiềm năng tiếp tục tăng lên hàng năm. Việt Nam cũng nhiều năm liền là một trong 20 thị trường nữ doanh nhân phát triển thuận lợi và mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.

Lực lượng nữ doanh nhân tầm trung và ở quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình chủ yếu do nữ làm chủ, đang đóng đóng góp khoảng 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

 Chúng ta cũng tự hào là trong nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và cả ở tầm khu vực, có vai trò chèo lái vững chắc của nhiều nữ doanh nhân nổi tiếng, không chỉ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần làm rạng danh hình ảnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Các chị là đại diện cho rất nhiều phụ nữ trong lực lượng nữ doanh nhân Việt Nam, những con người với khát khao cống hiến, với khát vọng cháy bỏng vì một Việt Nam hùng cường.

Đó là doanh nhân Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, với sự quyết liệt và sáng tạo nổi trội, đặc biệt là nhiệt huyết cống hiến, có nhiều đóng góp quan trọng, mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam, được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh – Huân chương cao quý nhất của Cộng hoà Pháp, người đưa Vietjet Air từ con số 0 vươn lên nắm giữ thị phần lớn nhất trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế. Đó là doanh nhân Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, người được coi là “Nữ tướng sữa”, đưa Vinamilk từ một xí nghiệp nhỏ, cổ phần hóa và trở thành công ty sữa lớn nhất Việt Nam và vang danh toàn cầu. Đó là doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG – tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đó là doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, “nữ tướng vàng thời trang” PNJ; đó là doanh nhân Trần Thị Lệ, với khát vọng đưa Nutifood trở thành tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới, với những sản phẩm đạt chuẩn cao nhất toàn cầu; là doanh nhân, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế, người tiên phong trong công cuộc mở cánh cửa “Quốc gia thông minh”, “đô thị thông minh”…

Và rất nhiều, rất nhiều những nữ doanh nhân khác nữa, đã tạo thành một đội ngũ nữ doanh nhân Việt đang ngày ngày nỗ lực mang lại vinh quang cho Tổ quốc.

Thương trường như chiến trường, câu nói vẫn hay được dùng để ví von cho sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh. Chiến tranh bom đạn đã lùi xa, nhưng cuộc chiến trên thương trường vẫn luôn tiếp diễn. Vượt lên những khó khăn muôn trùng, tiếp nối truyền thống của những thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam đang là nguồn lực quan trọng vừa thụ hưởng những thành quả của sự phát triển, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay. Chúng ta có thể “nhận diện” đội hình nữ doanh nhân Việt Nam thời hiện đại thông qua các nét chính như:

Người phụ nữ Việt Nam từ truyền thống luôn có khát khao vươn ra toàn cầu. Chúng ta đã có những thương hiệu của doanh nghiệp do nữ làm chủ đi ra thế giới và khẳng định được vị thế ở những thị trường lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… Khát vọng cháy bỏng và nghị lực phi thường của những nữ doanh nhân đã góp phần đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cao. Họ đều là những người phụ nữ – nhìn vóc dáng thì bình dị, nhưng có mục tiêu và lý tưởng cao đẹp, có trí tuệ đổi mới, có bản lĩnh sắc bén, tư duy chiến lược. Họ là những người dám dấn thân, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của công nghệ, của các hiệp định thương mại quốc tế; sẵn sàng thích ứng với xu thế hội nhập để phát triển doanh nghiệp bền vững, tạo ra những giá trị khác biệt. Chúng ta có quyền tự hào về những nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực”, “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”, “50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam"…

 

Hành động của nữ doanh nhân luôn xuất phát từ trái tim đến trái tim với triết lý kinh doanh “tâm sáng trong kinh doanh tạo nên hạnh phúc cho gia đình, doanh nghiệp và lan toả tới xã hội, cộng đồng”. Nhìn vào các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ có thể thấy, ngay trong từng sản phẩm, họ cũng luôn muốn khẳng định những giá trị thật sự gần gũi với cuộc sống nhân sinh hằng ngày của con người. Trái tim của nữ doanh nhân còn nằm ở việc, họ kinh doanh dựa vào tài nguyên thiên nhiên nhưng luôn tìm cách bảo vệ thiên nhiên, trả lại cho thiên nhiên với tấm lòng và sự trân quý.

Nữ doanh nhân Việt Nam cũng luôn nỗ lực kinh doanh liêm chính. Trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc liêm chính được giới kinh doanh, đặc biệt là nữ doanh nhân hết sức đề cao, tạo nên những doanh nghiệp trong sạch, ngay thẳng, chính trực, với mục đích kinh doanh chân chính, tạo dựng nhân cách doanh nhân, được xã hội tôn vinh, yêu mến và ca ngợi. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nói: “Kinh doanh liêm chính là giấy phép thông hành để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trái tim của người phụ nữ đã tạo ra sức cảm hóa và khả năng dẫn dắt, thu phục, làm lay động lòng người, nhất là đội ngũ nhân sự và khách hàng. Đặc biệt, tất cả những nữ doanh nhân làm nên sự nghiệp đáng nể ấy đều có lòng nhân ái và sự bao dung. Trong tất cả những khó khăn của đất nước, của người dân như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh; với phương châm “cho đi là hạnh phúc”, nhiều nữ doanh nhân, doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhiều mạng lưới hội/ hiệp hội nữ doanh nhân trên cả nước đã trở thành lực lượng quan trọng trong các hoạt động thiện nguyện. Hàng vạn người nghèo, người dân tộc thiểu số; hàng ngàn, hàng triệu cộng đồng dân cư, trẻ em, chiến sỹ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, những “chiến sỹ” trong tuyến đầu chống đại dịch Covid-19, những người dân vùng lũ bão… đã được đón nhận tấm lòng, sự sẻ chia ấm áp của các chị.

Người phụ nữ Việt Nam luôn mong muốn phát huy các giá trị bản địa trong kinh doanh. Tài nguyên bản địa bao gồm cả tài nguyên tri thức, văn hóa, tinh thần và vật chất đang được những nữ doanh nhân quan tâm và khơi dậy thông qua hoạt động kinh doanh. Tôi cho rằng, đây là xu hướng phát triển nhân văn và bền vững, khi tôn trọng những nét văn hóa, những giá trị bản địa đặc thù và riêng biệt để phát triển kinh tế một cách bền vững. Nếu không có sự vào cuộc của doanh nhân, với những giải pháp về công nghệ mới và chiến lược kinh doanh bền vững, thì tài nguyên bản địa dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”.

- Bây giờ, nối tiếp những mạch nguồn truyền thống, chúng ta cũng đã có được những nữ doanh nhân được cả thế giới ghi nhận và họ cũng khiến thế giới phải nể phục Việt Nam… Giáo sư sử học Lê Văn Lan nói với tôi rằng: “Chúng ta đã có những thương hiệu quốc gia mang tầm thế giới, ghi dấu ấn của những nữ doanh nhân. Từ thân phận "tòng phụ, tòng phu, tòng tử", những người phụ nữ đã vươn lên và thể hiện “quyền uy” của mình. Theo bà, “quyền uy” đó của những nữ doanh nhân Việt Nam là gì?

Bà Hà Thị Nga: Tôi cho rằng có hai điều thể hiện rõ “quyền uy” của nữ doanh nhân Việt Nam. Một là, chính năng lực trí tuệ, khát vọng, tính kiên định, sự dấn thân của những người phụ nữ – nhìn vóc dáng mềm mại nhưng có sức mạnh nội tại phi thường – đã hình thành nên một “quyền uy” của nữ doanh nhân.

Các chị chính là người chèo lái, dẫn dắt nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp lớn không chỉ ở quy mô kinh doanh, mà cả ở quy mô tạo việc làm cho cộng đồng. Các chị đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực mới, khó (công nghiệp chế tạo, khoa học công nghệ…) mà xã hội nhiều người vẫn nghĩ đó chỉ dành cho nam giới. Từ vị thế bị phụ thuộc và lệ thuộc trong triều đại phong kiến, phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới đã trở thành lực lượng dẫn dắt đầy độc lập, có tư thế bình quyền và vị thế bình đẳng trên thương trường với nam giới.

Thứ hai, chúng ta không thể phủ nhận một điều là, chính sự lãnh đạo bằng trái tim đã hình thành nên “quyền uy” khó cưỡng của doanh nhân nữ, tạo thành sức mạnh của “quyền lực mềm” mà người lãnh đạo nữ thường có. Đó chính là tấm lòng nhân ái; sự bao dung, chân thành của người mẹ, người chị; tâm sáng trong kinh doanh, trong điều hành, trong đối xử với môi trường, với thiên nhiên... mà ta thường thấy ở người lãnh đạo nữ, đã thu phục được nhân viên, cảm phục được khách hàng, đối tác. Đó cũng là thứ “vũ khí” đã giúp cho nhiều nữ doanh nhân Việt Nam dẫn dắt doanh nghiệp Việt trở thành những thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Nói ra thì có vẻ đơn giản, nhưng không dễ để có thể “đấu” sòng phẳng trên cuộc chơi toàn cầu nếu không có uy quyền và sự tài năng, khéo léo.

- Trong tâm thức nhưng cũng là vô thức, những nữ doanh nhân hiện đại luôn có dòng chảy truyền thống, ý chí và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Nói như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Người đàn bà Việt Nam là người có tính dân tộc hơn ai hết”! Bà cảm nhận ra sao về điều này?

Bà Hà Thị Nga: Nhìn vào các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều cho thấy, tinh thần dân tộc của doanh nhân chính là yếu tố nội tại lớn nhất để giúp họ phát triển thần kỳ. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng mang trong mình tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần tự chủ, khát vọng dân tộc mãnh liệt và có trách nhiệm xã hội. Ở những người phụ nữ Việt Nam làm kinh doanh, những nữ doanh nhân mà tôi biết, tính dân tộc cũng vô cùng đậm nét. Tính dân tộc của nữ doanh nhân Việt Nam thể hiện ở bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn. Cội nguồn trong tính dân tộc của người phụ nữ Việt Nam xuất phát từ truyền thống nhân ái, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên sự gắn kết cộng đồng để tồn tại và phát triển.

Về tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam, như đã nói ở trên, tấm lòng bao dung rộng lớn đó cộng thêm ý chí kiên cường, vươn lên, bình đẳng cùng nam giới tạo nên những thương hiệu mạnh của những “Doanh nghiệp thuần Việt”, đóng góp quan trọng vào vị thế của quốc gia trên thương trường quốc tế.

- Tôi nhớ năm gần 100 tuổi, cụ Hoàng Thị Minh Hồ, với ý chí và tinh thần doanh nhân của mình đã nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng, thế hệ của cụ là những doanh nhân đầu thế kỷ XX, đã dùng hết tài sức làm giàu cho gia đình, giúp dân, giúp nước. Các bạn là doanh nhân thế kỷ XXI, phải tiếp bước ông cha, đem tài năng, trí tuệ làm giàu cho gia đình và xây dựng đất nước. Thưa bà, những nữ doanh nhân trẻ của thế kỷ XXI đang thể hiện tinh thần ấy ra sao?

Bà Hà Thị Nga: Ở bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng luôn mang trong mình khát vọng dân tộc, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Nguồn năng lượng tiềm tàng ấy tạo thành sức mạnh vĩ đại, giúp phụ nữ Việt Nam có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tôi cho rằng, nữ doanh nhân trẻ của thế kỷ XXI, với lợi thế của một thế hệ có tri thức, có công nghệ, có tư duy đổi mới, cũng đang nêu cao tinh thần và khát vọng ấy để tiếp bước những thế hệ đi trước, khẳng định vị thế của nữ doanh nhân Việt Nam.

Trước hết, đội ngũ nữ doanh nhân trẻ của Việt Nam đang thể hiện tài năng và trí tuệ trong việc giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Các bạn trẻ đã tiên phong đi vào những lĩnh vực mới và khó, nhất là những lĩnh vực ứng dụng công nghệ số, khoa học kỹ thuật trong nền kinh tế số và kinh tế tri thức. Đó là cách thức kinh doanh có trách nhiệm, sáng tạo, tự chủ, dám nghĩ, dám làm và đương đầu với khó khăn, nhất là đặt trong bình diện cạnh tranh quốc tế. Năng lực thích ứng với hoàn cảnh mới của nữ doanh nhân trẻ đã được thể hiện rõ nét. Đó là trách nhiệm lớn “vì một Việt Nam hùng cường". Chúng ta vui mừng khi ngày càng nhiều doanh nhân nữ trẻ thành đạt, những tấm gương sáng trong làng kinh doanh ngay khi đang còn ở độ tuổi rất trẻ, minh chứng là ngay trong năm 2021, có 3 nữ doanh nhân Việt Nam được Tạp chí Forbes bình chọn trong Top “30 Under 30” châu Á năm 2021…

Bên cạnh đó, đội ngũ nữ doanh nhân trẻ của Việt Nam có nhiều đóng góp trong việc tạo công ăn việc làm, tạo dựng đội ngũ lao động có tay nghề, có kỷ luật lao động đáp ứng được yêu cầu của môi trường làm việc hiện đại. Các bạn trẻ là doanh nhân nữ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là những hạt nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội như xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Nhất là trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, nữ doanh nhân trẻ đã có nhiều sáng kiến và tích cực triển khai các hoạt động vì tuyến đầu chống dịch; vì cộng đồng, người lao động gặp khó khăn như “Siêu thị 0 đồng”, hay đóng góp cho chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”…

Chúng tôi, những người phụ nữ của thế hệ trước, với trách nhiệm xây dựng và truyền cảm hứng cho thế hệ sau, luôn có niềm tin vững chắc vào thế hệ nữ doanh nhân trẻ của đất nước. Các em sẽ là những người bước tiếp truyền thống vẻ vang “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam để tô đẹp hình ảnh nữ doanh nhân Việt Nam thời đại mới, góp phần tô đẹp bức tranh của một Việt Nam hùng cường.

- Theo bà, đâu là những phẩm chất, năng lực cần có của mộ nữ doanh nhân hiện đại?

Bà Hà Thị Nga: Theo tôi, trước hết cần nói về cái chung. Dù là nam giới hay nữ giới, khi trở thành doanh nhân, đều cần mang trong mình một khát vọng làm giàu chính đáng, trước hết vì bản thân và gia đình, sau đó là vì đất nước. Làm giàu cho đất nước đã trở thành mục tiêu tối thượng để thôi thúc các doanh nhân vươn tới. Bản chất của sự nghiệp làm giàu là yêu nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Là nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã nêu rõ “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Nhằm cụ thể hóa nội dung này, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra đối với phụ nữ trong thời đại hiện nay, không chỉ trong việc thực hiện vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình, mà còn với tư cách là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững. Đất nước phát triển tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng đồng thời đây cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phụ nữ phải có những phẩm chất, năng lực tương xứng.

Sự nghiệp làm giàu của nữ doanh nhân phải hướng đến mục tiêu trên, để cùng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nói cách khác, sự nghiệp làm giàu của nữ doanh nhân phải gắn với sự nghiệp làm giàu của đất nước; hướng đến việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình tham gia góp ý xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi về những yêu cầu, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn tiếp tục khẳng định các phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người phụ nữ là “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; đồng thời cũng nhấn mạnh các yếu tố mà người phụ nữ thời đại mới cần có, như:  Tri thức, sức khỏe, kỹ năng, sống có trách nhiệm, có khát vọng phát triển...

Dựa trên tinh thần đó, nữ doanh nhân hiện đại cần hội tụ nhiều phẩm chất, năng lực, nhưng có lẽ quan trọng nhất là:

Thứ nhất, nữ doanh nhân, nhất là nữ doanh nhân trẻ cần tiếp tục kế thừa, phát huy những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ dân tộc Việt Nam, trang bị thêm tri thức và khát vọng làm giàu chính đáng. Bước vào thương trường, vào thị trường toàn cầu, trong nền kinh tế số, cần có nền tảng kiến thức sâu sắc và toàn diện. Chỉ khi có tri thức, nữ doanh nhân mới có thể tự tin đi vào những thị trường khó. Chỉ khi có tri thức, chúng ta mới đi cùng, và vươn tới vượt lên trong cuộc đua toàn cầu. Tôi rất tâm đắc với triết lý phải đi trước và vươn lên dẫn đầu của một số nữ doanh nhân, như trường hợp doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH chẳng hạn, đi thẳng vào nông nghiệp công nghệ cao trong một lĩnh vực khó mà Việt Nam thường đi sau.

Thứ hai, nữ doanh nhân cần biết thách thức bản thân, biết chớp cơ hội và tạo ra cơ hội cho mình để dẫn dắt những cuộc chơi mới. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét, Việt Nam vẫn đang bỏ phí hai nguồn tài nguyên lớn nhất – con người và cơ hội. Để tạo thành một đội hình những con tàu ra khơi thì phải có biển lớn. Nhưng có phải lúc nào cơ hội cũng đến với mình không? Tôi nghĩ thay vì ngồi đợi cơ hội đến với mình, bằng sự mạnh dạn, quả cảm và sáng tạo, nữ doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tiên phong mở đường và tạo động lực mạnh cho làn sóng đổi mới kinh doanh của Việt Nam. Muốn vậy, bên cạnh tầm nhìn, tư duy đổi mới và sự nhanh nhạy, nữ doanh nhân cần có bản lĩnh, thách thức bản thân. Đó là khát vọng của lòng yêu nước, là bản lĩnh sẵn sàng chấp nhận rủi ro để vươn ra toàn cầu. Ra biển lớn, khó khăn và thách thức là bất tận, nhưng cơ hội và vinh quang cũng là không nhỏ. Vinh quang này không chỉ riêng với từng cá nhân, mà cao cả hơn là vinh quang của dân tộc.

Thứ ba, nữ doanh nhân cần biết cách tập hợp người tài, lãnh đạo, quản lý, cảm phục nhân viên không chỉ bằng trí tuệ mà cả bằng cái tâm, bằng trái tim ấm áp của người phụ nữ. Đó chính là cái tài của nữ doanh nhân thời nay, tập hợp, đoàn kết, phát huy được sức mạnh của trí tuệ tập thể, sử dụng cái tài của nhiều người khác gộp lại.

Thứ tư, nữ doanh nhân cần có sức khỏe, tinh thần và tâm thế tốt để có đủ bản lĩnh, sự can trường đối diện với những biến cố có thể xảy ra. Có những nữ doanh nhân, đã không ít lần đứng trước bờ vực phá sản hoặc điêu đứng trong kinh doanh. Nhưng họ vẫn kiên cường vượt qua và trở thành hình mẫu cho chị em noi theo. Sức khỏe mà tôi muốn nói đến, không đơn thuần là sức khỏe thể chất mà cả tinh thần của người phụ nữ. Chỉ khi giữ được tinh thần tốt, ý chí dẻo dai, người phụ nữ mới có thể tự tin bước vào thương trường mà không gục ngã.

Thứ năm, và cũng là điều vô cùng quan trọng, nữ doanh nhân dù là những người “đàn bà thép trên thương trường” nhưng vẫn cần giữ được những nét riêng có của người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người “giữ lửa” trong gia đình, người giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống “Gia đình người Việt”.

Với nữ doanh nhân, chắc chắn sự khốc liệt của thương trường sẽ ít nhiều tạo ra những áp lực; nhưng bằng sự nhân ái, bao dung, bằng nghệ thuật cân bằng cảm xúc, họ sẽ vẫn là cầu nối quan trọng, tạo ra sự gắn kết tình cảm thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình, cùng vun đắp xây tổ ấm, giáo dục nhân cách cho con trẻ. Bởi vậy mà dân gian mới có câu “Phúc đức tại mẫu”. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Chính vì vậy, làm sao để các giá trị ấy tiếp tục thấm sâu, thực sự là mạch nguồn cho gia đình phát triển trong bối cảnh mới là điều rất quan trọng. Đó cũng là cách để nữ doanh nhân góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Tóm lại, nữ doanh nhân thời đại mới cần có tri thức và bản lĩnh để đương đầu với sóng gió và thích ứng với cái mới, có sự bao dung và lòng nhân ái để thấu hiểu và sẻ chia, giữ cho mình những khát vọng lớn và sự tĩnh lặng trong tâm hồn, để có thể vững bước trên thương trường và trở thành người phụ nữ hạnh phúc.

- Bà có nói đến sự tĩnh lặng của nữ doanh nhân. Đó có phải là cách lựa chọn sống bình lặng để có một cuộc sống an nhàn hơn, tự tại hơn?

Bà Hà Thị Nga: Tôi không nghĩ vậy. Chính xác hơn là nếu nghĩ như vậy thì chưa đủ đối với một nữ doanh nhân. Tĩnh lặng chính là sự bình lặng trong cảm xúc, trong tâm hồn của người phụ nữ hiện đại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu minh triết mà tôi rất tâm đắc: “Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc, trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những màu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng”.

Sự tĩnh lặng ấy chính là sự tĩnh lặng tự thân. Nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy. Làm kinh doanh trong một thế giới quay cuồng và phức tạp cũng vậy, muốn đi xa trước hết phải có sự tĩnh lặng trong thân tâm của mình. Tĩnh lặng để hạnh phúc và tạo sự cân bằng để đi tiếp và đi nhanh hơn.

- Theo bà, để có thể tạo dựng được thành công trong sự nghiệp kinh doanh, người phụ nữ hiện đại cần vượt qua những trở ngại gì?

Bà Hà Thị Nga: Tôi cho rằng những trở ngại về khoảng cách bình đẳng giới đã được thu hẹp. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo tại các doanh nghiệp còn chưa tương xứng với số lượng, tiềm năng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ qua đào tạo thấp, ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Định kiến giới và khuôn mẫu giới vẫn đang tồn tại dai dẳng là nguyên nhân chính của bạo lực trên cơ sở giới như bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh. Định kiến giới ngay trong bản thân phụ nữ cũng tạo ra sự mất cân bằng trong chia sẻ lao động việc nhà, khiến phụ nữ thiếu thời gian để nghỉ ngơi và nâng cao trình độ.

Đồng thời, đâu đó vẫn còn những trở ngại về cơ chế, chính sách và thực hiện chính sách, đang được coi là rào cản lớn nhất đối với doanh nhân nói chung và nữ doanh nhân nói riêng. Báo cáo “Chỉ số Nữ doanh nhân 2020” (MIWE 2020) của Mastercard công bố đầu năm 2021 cho thấy, Việt Nam tụt 7 hạng so với năm 2019, đứng ở vị trí thứ 25; trong khi Thái Lan, Philippines và Indonesia nằm trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ làm kinh doanh.

Nhưng tôi cho rằng, đó đều là những trở ngại khách quan, còn trở ngại lớn nhất lại thuộc về chính bản thân những người phụ nữ hiện đại. Điều quan trọng là người phụ nữ có dám chấp nhận buông bỏ những điều không cần thiết không? Người phụ nữ có dám chấp nhật vượt qua khỏi vòng tròn an toàn của chính mình hay không? Người phụ nữ có dám nuôi dưỡng mục tiêu lớn, có dám khát vọng lớn, có dám dấn thân và theo đuổi khát vọng của mình đến cùng hay không? Khi còn trẻ, những điều đó có thể dễ dàng thực hiện hơn, do có sức khỏe, có ít thứ phải bận tâm và tính toán hơn, có thể dễ dàng thích nghi và thay đổi hơn trong mọi tình huống. Còn khi nhiều tuổi hơn, sức ì lớn hơn, ngại thay đổi hơn, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không ngừng nỗ lực, không ngừng vươn lên và không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi cho rằng, chỉ khi làm được những điều đó, người nữ doanh nhân mới có thể tạo dựng được thành công trong sự nghiệp và  sống một cuộc đời hạnh phúc.

- Trở ngại đó với những người phụ nữ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi bà đã gắn bó một thời gian dài, cụ thể ra sao?

Bà Hà Thị Nga: Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số và gắn bó với đồng bào miền núi một thời gian dài, nên tôi cảm nhận rất rõ những khó khăn đối với người phụ nữ nơi đây.

Vẫn còn những định kiến ngăn cản họ làm giàu. Họ chưa có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tri thức, và có ít hơn cơ hội để tham gia vào các hoạt động kinh doanh hay công tác xã hội, bởi những gánh nặng gia đình. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những con người thuần phác, là cả một tâm hồn khát khao hạnh phúc, khát vọng vươn lên, là tiềm năng chưa được đánh thức. Họ là chủ nhân của nguồn tài nguyên tri thức bản địa vô cùng đặc sắc và phong phú. Họ sẽ làm được những điều kỳ diệu nếu được hỗ trợ và đồng hành để đánh thức và phát huy tiềm năng, thế mạnh đó. Họ sẽ có đóng góp quan trọng không chỉ vào việc bảo tồn, phát huy, mà còn biến tài nguyên trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế gắn với văn hoá xã hội của đất  nước.

Chúng tôi luôn trăn trở và đã phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, các địa phương triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và làm giàu cho phụ nữ trên chính những mảnh đất khó khăn của quê hương. Và đã có rất nhiều gương mặt doanh nhân, nữ doanh nhân người dân tộc thiểu số đã trở thành lực lượng dẫn dắt trong làng kinh doanh, sử dụng ngay chính tài nguyên bản địa và có trách nhiệm với tài nguyên đó. Dù đã có những thành công nhất định, nhưng chặng đường còn rất dài và còn nhiều việc phải làm, và trước hết là vẫn cần tiếp tục thúc đẩy để thay đổi quan niệm, khơi dậy, đánh thức khát vọng, đánh thức tiềm năng của những người con đồng bào dân tộc thiểu số, để họ phát triển bản thân, phát triển cộng đồng, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có định hướng gì để thúc đẩy tinh thần, ý chí kinh doanh và tạo cơ hội làm giàu cho những người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn tới, thưa bà?

Bà Hà Thị Nga: Chiến lược phát triển của tổ chức Hội đặt mục tiêu nâng cao năng lực của tổ chức Hội, phát huy tính tự chủ, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, huy động sự tham gia của toàn xã hội vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự thịnh vượng của đất nước. Phấn đấu đến năm 2035 khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Và trước hết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội phụ nữ các cấp trong năm 2021, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2022. Thúc đẩy, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, phát triển nữ doanh nhân, góp phần phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một trong những giải pháp chiến lược, trọng tâm mà Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ cùng thảo luận dân chủ, với quyết tâm cao ngay từ Đại hội.

Trong giai đoạn tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung vào một số định hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương, các tổ chức hội nghề nghiệp thực hiện giám sát phản biện xã hội về luật pháp chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp do nữ làm chủ, đến bình đẳng giới. Nghiên cứu và kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội nâng cao vai trò và tăng quyền năng, tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, nhất là nữ doanh nhân. Đồng thời, Hội sẽ tổ chức các diễn đàn, hội thảo đối thoại chính sách, lắng nghe tiếng nói và kiến nghị của nữ doanh nhân và các nhà khoa học để có cơ sở thực tiễn cho đề xuất, kiến nghị.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiềm năng khởi nghiệp, khơi dậy tiềm lực kinh doanh, năng lực chuyển đổi số, tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin, hỗ trợ kết nối trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; chú trọng ưu tiên phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhưng có khát vọng vươn lên. Xây dựng hình ảnh nữ doanh nhân thời đại mới; đẩy mạnh truyền thông, ghi nhận biểu dương, lan tỏa những tấm gương nữ doanh nhân điển hình. Đây là nội dung quan trọng được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Để hiện thực hóa điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi hợp tác với các ngành chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước có cùng mục tiêu, sứ mệnh, mối quan tâm. Hội cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phát huy vai trò, khả năng, năng lực của nữ doanh nhân tham gia quá trình hội nhập của đất nước. Nâng cao chất lượng triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”.

Thứ ba, phối hợp với Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam mở rộng hơn kết nối tới các mạng lưới, tổ chức của nữ doanh nhân quốc tế, tạo nên tầm ảnh hưởng của cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam trên cộng đồng nữ doanh nhân khu vực và thế giới nhằm khai thác được tiềm năng, thế mạnh của nữ doanh nhân, tạo nền tảng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện nhiệt tâm và cởi mở này! Chúc cho phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ trở thành ngọn cờ đầu thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế tư nhân thông qua lực lượng nữ doanh nhân Việt Nam!

Nguyễn Thành Công
20/10/2021 08:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top