Tối 24/10, Truyền hình Hà Nội đưa tin: “Không chỉ vất vả khi nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, một số hộ dân quận Thanh Xuân còn bức xúc vì nhận được thông báo đốc thúc thu tiền nước sinh hoạt”. Trong “Thông báo thanh toán tiền nước tháng 10” của Công ty cổ phần VIWACO ghi rõ thời gian tính tiền nước từ 18/9 đến 17/10. Và không một lời giải thích.
Ai cũng biết, công ty VIWACO có cung cấp cho cư dân nguồn nước lấy từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà – VIWASUPCO. Và ai cũng biết, nguồn nước của VIWASUPCO nhiễm dầu ít nhất từ ngày 8/10 và đến tận chiều 22/10, UBND TP. Hà Nội mới thông tin kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đạt quy chuẩn, sử dụng được cho ăn uống. Điều đó có nghĩa, VIWACO tính tiền dân cả những ngày cung cấp nước bẩn.
Người dân trong vùng ảnh hưởng của nước sông Đà nhiễm dầu càng hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực trong những ngày nước bẩn. Cuộc sống bị đảo lộn, thức đêm thức hôm chầu chực xe téc của thành phố chở nước sạch đến hỗ trợ, hoặc phải lùng sục trong siêu thị, cửa hàng giành nhau từng bình nước đóng chai vừa tốn công vừa tốn tiền… Nước ăn uống đã vậy, còn nước cho sinh hoạt, giặt giũ, vệ sinh… và bao nhiêu nhu cầu khác liên quan tới nước. Những thiệt hại về cả vật chất và tinh thần khó có thể đo đếm được.
Sau khi nguồn nước được thông báo sạch trở lại, lại còn phải thau rửa bể, súc rửa đường ống và nhiều nhà phải chờ nước chảy một thời gian mới dám rón rén dùng cho ăn uống, còn không vẫn phải mua nước đóng chai cho an toàn. Ấy vậy mà, trong suốt thời gian sống khổ sống sở về nước bẩn ấy, đã không chia sẻ thì chớ, VIWACO lại vẫn tính tiền nước như thường, còn Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà - VIWASUPCO thì thậm chí đến thời điểm người dân phản ánh nhận được thông báo đốc thúc thu tiền nước sinh hoạt, vẫn chưa một lần xin lỗi khách hàng, có chăng là lần Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tốn văng ra một câu: “Vâng! Xin lỗi” - xin lỗi mà quá bằng hắt nước vào mặt nhau.
Không thông cảm, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bẩn do mình cung cấp thì chớ, đằng này lại còn thản nhiên cứ đếm đồng hồ tính tiền, bất kể dòng nước ấy bẩn như thế nào thì quả là thái độ “sạch bẩn mặc bay, tiền thày cứ đút túi”.
Thực ra, có lẽ tính ra cái số nước bẩn phải trả tiền cũng không phải là nhiều. Nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là tiền, mà quan trọng hơn là thái độ và cách cư xử, ít nhất là lương tâm, tình đồng loại giữa con người với con người trong cơn hoạn nạn, chứ chưa nói đến trách nhiệm của người cung cấp hàng hóa với khách hàng bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa kém chất lượng của mình gây ra.
Tôi không phải là người dân phải trả tiền mua nước bẩn mà còn thấy bức xúc, thử hỏi là người trong cuộc còn bức xúc đến đâu.
Và tôi cứ tự hỏi, phải chăng vì độc quyền nước sạch nên người cung cấp, cả người sản xuất và người phân phối, mới cho mình cái quyền áp đặt lên khách hàng và có thái độ trịch thượng đến thế?
Nếu như thế, chừng nào chưa mở rộng đấu thầu trong sản xuất, cung cấp nước sạch, tạo ra sự cạnh tranh công khai, lành mạnh, thì chừng đó khách hàng, cho dù là bộ trưởng, còn bị đe dọa về nước bất cứ lúc nào và còn phải trả tiền cho nước bẩn chừng ấy!
Mặc dù VIWASUPCO mới thông báo miễn tiền nước cho khách hàng 1 tháng, nhưng thái độ khi thông báo tính tiền nước trước đó của VIWACO vẫn làm cho người dân ngán ngẩm. Chén nước đã hắt xuống khó hốt lại cho đầy...