Styren là gì và có thể tiếp xúc như thế nào?
Hiện tượng nước sinh hoạt của một số quận trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm đã có mùi lạ và kết quả xét nghiệm được xác định cho thấy Styren cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường đã khiến các hộ dân vô cùng bức xúc.
Hà Nội đã khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, công ty Ngọc Hải, công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và công ty cổ phần phát triển Tây Hà Nội cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
"Styren hiện có trong nguồn nước sạch một số vùng Hà Nội là một chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt. Ở dạng nguyên chất, styren có vị hơi ngọt và mùi hôi rất khó chịu. Do đó việc người dân ngửi được nước dùng có mùi xăng dầu thì có thể lượng dầu đổ vào nước tương đối nhiều, khi đó một phần lượng dầu này đã được pha trộn trong nước gây mùi khó chịu", PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Sỹ, Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất nhựa polystyren và nhựa. Polystyren có thể được tạo thành xốp và nhựa cứng các sản phẩm như chén, đĩa, khay, đồ dùng, bao bì, vật liệu đóng gói, vật liệu cách điện…
Ông Sỹ phân tích, hàm lượng nước ăn uống chứa hàm lượng Styren vượt quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế nhưng tùy theo hàm lượng và thời gian tiếp xúc sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Người lao động trong các ngành công nghiệp nhựa tiếp xúc với nồng độ cao nhất Styren. Bao gồm những người làm tàu thuyền, xe hơi và xe tải, xe tăng, bồn tắm, vòi hoa sen và các quầy hàng nhựa.
Những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, cơ sở hóa dầu, nhà máy in, máy chế biến giấy, cơ sở sơn gỗ, trạm thu phí, hoặc lò đốt chất thải cũng phải tiếp xúc với Styren. Đối với người dân thì, nguồn tiếp xúc với Styren lớn nhất là hút thuốc lá. Việc tiếp xúc với Styren của những người hút thuốc gấp 6 lần so với người không hút thuốc.
Đối với việc Styren có trong nguồn nước sinh hoạt của một số quận ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, không ai lấy Styren để đánh giá chất lượng nguồn nước, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm thì đã có tài liệu cho thấy, hàm lượng nước đóng chai cho phép không quá 100cmg/lít Styren… Trong khi đó, hàm lượng Styren trong nước sinh hoạt của các hộ dân một số vùng Hà Nội lại đang vượt ngưỡng 1,3 - 3,6 lần mức cho phép đủ cho thấy nó độc hại như thế nào.
Styrene có thể ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Styren đôi khi được phát hiện trong nước ngầm, nước uống hoặc mẫu đất. Uống nước có chứa Styren hoặc tắm trong nước có chứa Styren có thể khiến bạn tiếp xúc với hóa chất này.
Ông Sỹ cho rằng, chất Styren gây độc hại dù qua bất kỳ đường tiếp xúc nào: "Các tài liệu liên quan khi nghiên cứu trên động vật và trên người đều có độc hại. Nếu so với nhóm độc của WHO thì styren thuộc nhóm độc thứ 2. Styren bay hơi ra môi trường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, thần kinh. Hít nhiều thì váng đầu nôn mửa khó chịu. Ăn vào cơ thể thì gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Tiếp xúc lâu ngày có thể dẫn tới ung thư".
Nếu hít phải thì hầu hết Styren sẽ nhanh chóng đi vào cơ thể qua phổi. Còn nuốt khi có trong thức ăn hoặc nước thì nó có thể nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Nếu tiếp xúc chất lỏng có chứa Styren thì một lượng nhỏ có thể xâm nhập qua da.
Trong Báo cáo về chất gây ung thư, phát hành ngày 10/6/2011 của Chương trình Chất độc quốc gia của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ liệt kê, Styren là một loại có thể khiến con người bị ung thư. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cũng đã xác định rằng Styren là một chất có thể gây ung thư.
Styren được liệt kê dự đoán là một chất gây ung thư vì nó có liên quan đến bệnh bạch cầu, ung thư hạch, máu và ung thư tủy xương. Nó cũng liên quan đến tổn thương di truyền và tăng nguy cơ ung thư thực quản và tuyến tụy.
Tiếp xúc nghề nghiệp với Styren có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm Styren có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, và hệ thống hô hấp. Phơi nhiễm Styren còn có thể gây ra đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, cảm giác say rượu và thiếu tỉnh táo.
Tiếp xúc Styren cũng có thể gây buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, các hiệu ứng dạ dày, trầm cảm, có vấn đề về tập trung và cân bằng.
Tiếp xúc lâu dài với Styren có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, hen suyễn nghề nghiệp, thiệt hại cho hệ thần kinh trung ương, thính giác kém, mù màu, và ảnh hưởng đến sinh sản. Tiếp xúc qua da với quá nhiều Styren lỏng có thể gây bỏng.
Rất tiếc là việc xử lý nguồn nước nhiễm Styren hay một số chất hóa học khác trong nguồn nước vô cùng tốn kém và công nghệ xử lý nước mặt của Việt Nam hầu như không thể xử lý hoàn toàn chất độc Styren.
Ông Phùng Chí Sỹ cho rằng việc xử lý nguồn nước nhiễm Styren là bất khả thi vì: "Các nhà máy nước hiện nay ở Việt Nam không có phương tiện xử lý chất độc này. Công nghệ làm sạch nước bình thường của họ không xử lý được vì không có hệ thống hấp thụ mùi và hấp thụ độc. Tất cả các nhà máy nước hiện nay chỉ lắng độ đục sau đó khử trùng nước bằng clo.
Chỉ có thể dùng biện pháp than hoạt tính nhưng biện pháp đó rất đắt, nhà máy nước dùng phương pháp này thì lỗ mà dân lại phải mua với giá nước quá đắt. Do đó chỉ còn cách là bảo vệ nguồn nước".
Nhà máy không thể xử lý triệt để thì người dân càng phải cẩn trọng hơn với chất này. Tốt nhất không dùng nước nhiễm Styren để ăn uống như nhiều chuyên gia đã khuyến cáo.
Một số quy định và khuyến nghị về Styren
Theo quy chuẩn 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng Styren được quy định tối đa 20 microgram/L, nếu vượt quá mức cho phép nước sẽ xuất hiện một số mùi lạ, khó ngửi.
Còn đối với các nước khác như Mỹ thì quy định về chất này được ban hành rất nghiêm ngặt theo từng ngành riêng.
• Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA xác định, tiếp xúc với Styren trong nước uống ở nồng độ 20 mg/L trong một ngày hoặc 2mg/L trong 10 ngày sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào ở trẻ.
Còn nếu tiếp xúc suốt đời với 0,1 mg/L Styren trong nước uống sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
• Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA quy định nồng độ Styren trong nước uống đóng chai không được vượt quá 0,1 mg/L.
• Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp OSHA đặt giới hạn pháp lý là 100 ppm Styren trong không khí, trung bình trong một ngày làm việc 8 giờ.