Aa

Nước từ hồ Đồng Bãi bắt nguồn từ đâu?

Thứ Bảy, 19/10/2019 - 13:42

Nhà máy nước Sông Đà bơm trực tiếp nước từ hồ Đồng Bãi để sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân tại Hà Nội. Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế không phải 100% nước chứa trong hồ này được lấy từ sông Đà.

“Nước sạch” không chỉ nhiễm bẩn dầu thải?

Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đặt trạm bơm đẩy nước từ sông Đà qua đoạn kênh đào dài khoảng 2.000m nối từ xã Hợp Thành đến xã Phú Minh, rồi chảy vào hồ Đồng Bãi. Hồ chứa này rộng khoảng 80ha, thuộc địa phận các xã Phú Thịnh, Phú Minh và Yên Quang, huyện Kỳ Sơn. Sau đó, nước từ hồ Đồng Bãi sẽ được bơm trực tiếp vào bể lọc của nhà máy để sản xuất nước sạch.

Nhà máy sản suất nước sông Đà

Thực tế cho thấy, xung quanh hồ Đồng Bãi còn có rất nhiều con suối chạy dọc theo các khu dân cư chảy vào chứ không chỉ có nhánh nước dẫn từ Sông Đà. Nguồn nước sinh hoạt và các nguồn nước tự nhiên xung quanh đều chảy tự do xuống hồ Đồng Bãi mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào.

Đây cũng là nguyên nhân khiến dầu thải bị đổ trộm cứ thế lan từ khu vực Suối Trâm (một nguồn nước khác cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà), chảy vào đoạn kênh đào dẫn nước vào hồ Đầm Bãi. Chỉ một bờ kè thô sơ, tạm bợ được dựng lên và không thể ngăn chặn, dầu thải vẫn đổ theo dòng nước chảy về phía hạ nguồn và đi vào bể lọc của nhà máy.

Toàn cảnh hồ Đồng Bãi nhìn từ phía nhà máy nước sông Đà

Chưa hết, cách hồ Đồng Bãi khoảng 600m về hướng Đông Bắc là trang trại lợn hơn 1 vạn con - Japfa Dũng Huyền có tổng diện tích 35.200m2 nằm trên triền núi cao và hướng thẳng xuống khu dân cư. Khu vực trại lợn cách nhà dân gần nhất chừng 400 – 500m và nước thải của trại lợn chảy thẳng xuống suối đầu nguồn. Dòng nước bẩn này cũng rất có thể chảy xuống hồ Đồng Bãi?

Liệu nước thải của trang trại lợn sau khi đổ lên suối đầu nguồn có theo dòng chảy về hồ Đồng Bãi?

Khảo sát tại hồ Đồng Bãi, phóng viên nhận thấy nước ở đây có màu xanh đen, trên mặt nước nhiều đoạn còn nổi váng, trong khi nước sông Đà rõ ràng có màu nâu vàng?

Như vậy, nhà máy nước sạch sông Đà nhưng không hoàn toàn sử dụng nước sông Đà mà là hỗn tạp của nhiều nguồn nước khác nhau, trong đó không loại trừ những nguồn bị nhiễm bẩn. Thậm chí, còn có nghi vấn đặt ra, cống thải rửa của nhà máy cũng theo dòng kênh chảy vào hồ Đồng Bãi.

Cống thải rửa của nhà máy nước Sông Đà

Nếu chỉ lấy nước từ sông Đà, có lẽ sự cố nhiễm dầu dẫn đến cuộc khủng hoảng nước sạch đã không xảy ra!

Toàn cảnh sự việc “nước sạch” do nhà máy nước sông Đà cung cấp bị nhiễm độc

Ngày 8/10/2019, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đồng Bãi - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Sáng ngày 9/10, công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) kiểm tra và phát hiện trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trâm - con suối chảy dẫn nước vào hồ chứa của nhà máy nước sông Đà. Tuy nhiên không có báo cáo, giải trình nào với cơ quan chức năng về sự việc. Cũng như không có các hành vi để triển khai ngăn chặn ô nhiễm nguồn dầu theo quy định dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống của nhà máy, vừa chảy vào hệ thống đường ống cấp nước cho một số vùng như quận Hà Đông, quận Hoàng Mai, Thanh Xuân…

Đến đêm 9/10, Công ty đã xúc xả 10km tuyến ống và các bể tràn, bể chứa.

Cùng ngày công ty cấp nước Sông Đà phát hiện sự việc, người dân tiêu thụ nước ở phía Tây Hà Nội đã phản ánh nước có mùi lạ. Tuy nhiên chưa có thông tin hay bất cứ cảnh báo gì về chất lượng nước, nên người dân vẫn tiếp tục sử dụng.

Đến ngày 10/10, nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi lạ trong nước thì Công ty cho phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Kết quả, nước nhà máy vẫn đảm bảo, khách hàng phản ánh mùi lạ có thể chỉ là mùi clo.

Sau khi biết thông tin sự việc, Tổ công tác của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hoà Bình cũng đã xuống hiện trường vào ngày 13/10, nhận thấy vị trí đổ thải vẫn còn mùi khét của dầu, có cát đổ trên đường, khu vực sườn dốc xuống suối Trâm - dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà (nhà máy), còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 3m3. Ao cá nhà dân cạnh dòng suối có cá chết không rõ nguyên nhân.

Chiều 15/10, tại cuộc họp với báo chí, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kết quả kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước. Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren cao từ 1,3 đến 3,65 lần. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt. Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) né tránh câu hỏi của báo chí và biện minh rằng, “tôi cũng là Tổng Giám đốc làm thuê thôi, nếu dừng cấp nước thì quá an toàn và quá hay”.

Ngay sau đó, ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật hình sự.

Cũng trong những ngày này, công ty đã thuê khoảng 30 nhân công và máy xúc để nạo vét dầu còn sót lại dưới lòng suối Trâm và cỏ cây hai bên suối.

Ngày 17/10, các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) họp báo thông tin về sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP. Hà Nội tại trụ sở tỉnh.

Ngày 18/10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đã bắt giữ hai đối tượng đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top