Aa

Ô nhiễm không khí Hà Nội (1): Tốt toàn phần, kém cục bộ

Thứ Tư, 14/06/2017 - 07:03

Quý I/2017, chất lượng không khí Hà Nội được đánh giá là đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, những ngày không khí đặc biệt ô nhiễm, có hại tới sức khỏe lại gia tăng và mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội tiếp tục nghiêm trọng hơn so với TPHCM.

Không khí Hà Nội đang gia tăng mức nguy hại 

3 tháng đầu năm, Thủ đô Hà Nội đã phải trải qua những ngày có nồng độ bụi cao trong không khí. Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), trong thời gian này, có 37 ngày nồng độ PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3) và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Không khí tại Hà Nội trong quý I/2017 có mức trung bình tốt hơn 2016 nhưng khoảng thời gian không khí nguy hại lại gia tăng.

Dù không khí đã có cải thiện so với cùng kỳ 2016, nhưng báo cáo của Green ID lại chỉ ra rằng trong quý I/2017 chỉ số AQI tại Hà Nội ở mức nguy hại cao hơn khi có tới 43 giờ nồng độ bụi trong không khí vượt chuẩn, lên mức đặc biệt nguy hại cho sức khỏe, trong khi con số này ở quý I/2016 chỉ là 8 giờ.

Ngoài ra, tại những giờ cao điểm trong quý I vừa qua, không khí có chất lượng kém hơn so với năm 2016.

Tại buổi tọa đàm về Chất lượng không khí Hà Nội - thực trạng và giải pháp được tổ chức mới đây, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) cho rằng, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ngày càng xấu đi và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID).

Mặc dù trước những con số báo động về chất lượng không khí, Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện môi trường như thiết lập các trạm quan trắc, đẩy mạnh truyền thông nhằm kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí nhưng bà Khanh vẫn thể hiện sự lo ngại, nếu Chính phủ, các tổ chức không chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm, Hà Nội rất có thể sẽ trở thành bản sao của New Delhi (Ấn Độ) hay Bắc Kinh (Trung Quốc).

Bà Khanh cho rằng nếu không có những giải pháp kịp thời, rất có thể người dân Hà Nội sẽ phải đi mua không khí sạch như người dân Bắc Kinh.

Người Việt làm gì trước tình trạng ô nhiễm không khí?

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan là các yếu tố tự nhiên như núi lửa, cháy rừng, bão bụi, hay quá trình phân huỷ, thối rữa xác động - thực vật tự nhiên – những yếu tố này thường khó dự báo và ngăn chặn.

Nguyên nhân chủ quan là do yếu tố con người. Sự phát triển của ngành công nghiệp, hệ thống giao thông vận tải, hoạt động sinh hoạt của con người chính là nguồn ô nhiễm lớn đối với không khí. Quá trình vận hành này sinh ra các chất khí độc hại như CO2, CO, SO2, NOx và các chất hữu cơ chưa cháy hết như muội than, bụi,… đẩy vào không khí. Và cuối cùng, người chịu tác động chính là... con người.

Điều đáng bàn là trước sự nguy hại ấy, người dân lại đang tỏ ra thờ ơ và không đề phòng những tác hại khó lường của bụi và ô nhiễm không khí.

Theo khảo sát của Green ID, có tới 66% người được hỏi trả lời rằng họ dùng khẩu trang vải thông thường khi tham gia giao thông và đó chính là cách để hạn chế tác động của khói bụi. Chỉ có 19% sử dụng khẩu trang chống bụi PM, 3% sử dụng máy lọc khí tại nhà và 7% không làm gì cả.

Chia sẻ với báo chí, ThS.BS Vũ Xuân Đán Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM cho biết: Khẩu trang vẫn được kỳ vọng là dụng cụ bảo vệ sức khỏe mọi người trước khói bụi và ô nhiễm môi trường. Nhưng trên thực tế, khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào loại bụi mịn PM10, còn đối với bụi siêu mịn PM2.5 thì khẩu trang thông thường sẽ trở thành “vô hình”.

Kích thước của bụi PM 2.5

Tại một khảo sát về chỉ số chất lượng không khí – AQI của Green ID, có tới 48% người được hỏi trả lời rằng họ không hay biết về chỉ số này. 15% người biết và thường xuyên theo dõi, 27% biết và thỉnh thoảng theo dõi chỉ số AQI còn lại 9% biết nhưng không quan tâm.

Trong khi ấy, theo giới chuyên môn, ô nhiễm không khí đang gây ra những tác hại nặng nề tới sức khỏe con người, đó là các loại bệnh dị ứng da, viêm đường hô hấp, suy giảm chức năng phổi và khiến cho tình trạng bệnh hen và bệnh tim nặng hơn.

Không dừng lại ở đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thành phần khác trong bụi có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của ADN do lượng oxi bị cản trở làm hủy hoại tế bào, cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư phổi.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng việc ô nhiễm không khí là không tránh được, nhưng có thể giảm thiểu được ô nhiễm. Chúng ta hành động càng sớm thì lợi ích thu được càng lớn.

Nhưng, để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện giờ, không chỉ là sự quyết tâm của cơ quan chức năng hay đồng lòng của người dân mà còn là sự vào cuộc của những doanh nghiệp, khi chính các “đại công trường”, khu công nghiệp đang từng ngày từng giờ “thổi” vào không khí lượng khói bụi khổng lồ.

AQI là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ với 6 cấp độ cơ bản: Tốt, Trung bình, Không lành mạnh đối với người nhạy cảm, Không lành mạnh, Rất không lành mạnh và Nguy hiểm.

PM (Particulate Matter - vật chất dạng hạt) bao gồm hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí. Ô nhiễm dạng hạt bao gồm: PM10: Bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 µm (micromet) trở xuống và

PM 2.5: Bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 µm (micromet) trở xuống. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại,...

Hiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TPHCM hiện tại được lấy theo nồng độ PM 2.5 tại thời điểm công bố.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top