Aa

OCB Bank vẫn trắc trở chuyện niêm yết

Thứ Hai, 29/04/2019 - 14:21

Lợi nhuận năm 2018 của OCB tăng trưởng cao, kế hoạch kinh doanh năm 2019 tương đối khả quan. Tuy nhiên, việc niêm yết vẫn là thách thức lớn.

Vấn đề mà cổ đông băn khoăn nhất tại Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB Bank) tổ chức mới đây là việc ngân hàng có khả năng đưa cổ phiếu lên sàn kịp trong năm 2019 hay không.

Tại Đại hội cổ đông cách đây một vài ngày, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cho biết, năm 2018, OCB là một trong các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành chuẩn mực quốc tế Basel II về an toàn vốn.

Cổ đông OCB được chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Cổ đông OCB được chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 100.047 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động đạt 87.914 tỷ đồng, tăng gần 15%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017. 

Đặc biệt, kết quả kinh doanh của OCB khả quan với 2.202 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 116% so với cùng kỳ năm trước và vượt 10% kế hoạch đặt ra trước đó.

Theo đó, OCB cũng mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông và dành cổ phần chia cho cán bố công nhân viên. Lãnh đạo ngân hàng này chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tổng giá trị hơn 1.299 tỷ đồng. OCB cũng phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với số lượng 5 triệu cổ phần, tương đương 50 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trước đại hội cổ đông thường niên 2020.

Tìm cách tăng vốn và niêm yết

Một trong những mục tiêu hàng đầu của OCB năm 2019 là tăng vốn. Dự kiến, ngân hàng sẽ tăng vốn từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Mức vốn điều lệ tăng lên ước chừng hơn 9.083 tỷ đồng (tăng 2.484 tỷ đồng so với 2018).

Theo đó, năm nay, ngoài việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu mức vốn điều lệ tăng thêm hơn 1.299 tỷ đồng, OCB dự kiến phát hành cổ phiếu mới theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư gần 1.185 tỷ đồng.

Đại diện OCB cho biết, ngân hàng đang tìm nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ tăng năng lực tín dụng, sau đó niêm yết cổ phiếu. Hiện, OCB là ngân hàng còn room nước ngoài.

Về việc niêm yết cổ phiếu, OCB cho biết sẽ cố gắng niêm yết trong năm nay nhưng theo tiết lộ thì việc đàm phán với nhà đầu tư chưa chốt được kết quả dù thời điểm này đã là quý II/2019.

Thực tế, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn là câu chuyện nhiều khó khăn như chính ban lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ. Ngân hàng đã đưa ra Nghị quyết niêm yết hai năm, giai đoạn 2017 - 2018. Năm 2017 lý do tại sao chưa niêm yết đã đưa vào tờ trình Nghị quyết.

Năm 2018 khi tháng 4 - 5, thị trường thay đổi rất lớn dẫn đến việc OCB thận trọng đi sau thì khá bất lợi. Do đó, OCB năm 2018 đã quyết định lùi niêm yết và tiếp tục tìm kiếm đối tác.

Dù kế hoạch niêm yết còn khó khăn, OCB vẫn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 tăng trưởng cao. Trong đó, OCB đặt kỳ vọng lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2018. Tổng tài sản dự kiến đạt 120.047 tỷ đồng, tăng gần 20%; tổng nguồn vốn huy động đạt 105.980 tỷ đồng, tăng 21%. Huy động thị trường 1 đạt 88.380 tỷ đồng, tăng 24%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Đánh giá về kế hoạch lợi nhuận, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng “3 năm qua, ngân hàng tăng trưởng rất đều. Năm 2019, OCB tiếp tục thúc đẩy tăng quy mô một cách chất lượng, năm 2018 thuộc TOP 3 về hai chỉ số ROE và ROA – đây là lợi thế rất lớn của OCB tính đến hiện tại".

Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, OCB có nền tảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số mà OCB đã chuẩn bị nhiều năm qua, đến lúc gặt kết quả. Đồng thời, việc quản lý rủi ro cũng như mở rộng hệ thống cũng được OCB chú trọng. Đồng thời, với việc thông qua Basel II thì ông Tùng cho rằng kế hoạch năm 2019 là khả thi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top