"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng: "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Ba, 07/05/2024 - 06:00

Quỹ đất tại Dự án Làng giáo dục quốc tế được quy hoạch để xây trường học nhưng hàng chục năm trôi qua vẫn chỉ là bãi đất trống được quây tôn kín, cỏ dại mọc um tùm. Trong suốt 14 năm qua, dự án liên tục được nhắc tên trong danh sách chậm tiến độ, cùng với đó là tỷ lệ thuận số lần điều chỉnh quy hoạch. Theo các chuyên gia, việc "ôm đất" giáo dục trong nhiều năm để lại hệ lụy rất lớn, không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn có thể xuất hiện những nguy cơ biến tướng.

TRƯỜNG HỌC "THAI NGHÉN" 14 NĂM NHƯNG VẪN CHƯA THÀNH HÌNH

Hàng chục năm qua, hệ lụy từ các dự án "treo", chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến tài nguyên đất đai lãng phí, gây thất thu ngân sách của Nhà nước.

Đáng báo động, trong số những dự án "treo", có nhiều khu đất đã được quy hoạch xây trường học nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm. Nguồn lực đất lãng phí, còn người dân vẫn chật vật vì thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục. 

Nổi bật là dự án Làng giáo dục quốc tế nằm ở vị trí khu vực phía Tây thành phố Hà Nội, thuộc địa phận các xã Tây Mỗ, Xuân Phương của huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ và phường Xuân Phương thuộc quận Nam Từ Liêm) và xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Dự án từng được quảng bá từ 14 năm trước sẽ trở thành một mô hình giáo dục tiên tiến mang tính cạnh tranh nhất, nhì của Đông Nam Á.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 1.

Dự án Làng giáo dục quốc tế triển khai 14 năm vẫn chưa thành hình.

Thời điểm công bố quy hoạch, dự án được giới thiệu có tổng diện tích 31,6ha. Trong đó, đất xây dựng trường học là 64.620m2; đất xây dựng công trình công cộng dịch vụ có diện tích 15.270m2. Ngoài ra, còn 138.600m2 để xây dựng nhà ở cho thuê phục vụ giáo viên và gia đình học sinh. Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Làng giáo dục quốc tế Thiên Hương làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.088 tỷ đồng.

Dự án dự kiến sẽ khởi công trong tháng 10/2010 vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chủ đầu tư cam kết sẽ tiến hành công việc đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt và tiến độ đã đề ra, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014. Tuy nhiên sau 14 năm, khi phóng viên tìm đến, dự án vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh quây tôn kín, bên trong im lìm.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 2.
"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 3.
"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 4.
"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 5.

Từng được kỳ vọng về một làng giáo dục tiên tiến mang tính cạnh tranh nhất nhì Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 14 năm, dự án vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh quây tôn kín, bên trong im lìm không có một tiếng động nào của việc xây dựng.

Chị Trần Lan Anh (sinh sống ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, chị thường chở con đi học qua đây thấy dự án bỏ hoang đã lâu, xung quanh đều quây tôn rất kín. Nhiều người dân như chị kỳ vọng dự án này nhanh chóng được triển khai, việc đưa đón con đi học cũng thuận tiện hơn.

"Khoảng 8 năm trước, khi đứa con lớn được hơn 2 tuổi, gia đình tôi vay mượn tiền mua nhà về khu vực Tây Mỗ sinh sống bởi có thông tin dự án trường học theo tiêu chuẩn quốc tế gồm các cấp mầm non, tiểu học đã được quy hoạch và sớm được xây dựng. Khi đó, gia đình nghĩ chuyển nơi ở về gần trường học sẽ tiện đưa đón con đến trường. Nhưng đứa lớn đã vào trung học, đứa nhỏ đã lên tiểu học, còn dự án này vẫn quây tôn từ khi đó đến giờ", chị Lan Anh chia sẻ

Anh Nguyễn Tất Thái, người dân sinh sống tại Khu đô thị Xuân Phương (Nam Từ Liêm) cho biết, khi mua nhà tại đây vợ chồng anh được giới thiệu sẽ có hệ thống trường học quốc tế rất gần. Con được học ở môi trường tiêu chuẩn quốc tế gần nhà.

"Chúng tôi cũng tin tưởng và không phải lo lắng về việc chọn trường lớp cho con. Nhưng đến nay nhà đã được ở đến mấy năm vẫn không thấy trường đâu. Cư dân chuyển về đây sinh sống ngày càng đông, trẻ em trong khu đô thị ngày càng nhiều, các lớp mầm non tư nhân hay công lập gần nhà thì đều chật chội, đi xa hơn thì cả gia đình cùng vất vả. Chỉ mong dự án nhanh chóng triển khai để các cháu có điều kiện được học gần nhà, không phải đi quá xa", anh Thái chia sẻ.

DỰ ÁN LIÊN TỤC ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH VÀ GỌI TÊN TRONG DANH SÁCH CHẬM TIẾN ĐỘ 

Theo tìm hiểu của Reatimes, dự án Làng giáo dục quốc tế trong 14 năm qua, liên tục được điều chỉnh và được gọi tên trong danh sách các dự án chậm tiến độ.

Cụ thể, ngày 23/10/2017, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 1241/TB-UBND truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Làng giáo dục quốc tế tỷ lệ 1/500.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh ranh giới của Dự án Làng giáo dục quốc tế. Yêu cầu chủ đầu tư bàn giao đủ quỹ đất 25% theo quy định cho thành phố.

UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, kiểm tra lại dự án đầu tư đã được phê duyệt trước đây, căn cứ quy định của pháp luật và thực tế triển khai, đề xuất phương án đầu tư đối với việc xây dựng đường 70 đoạn qua dự án xem có được thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp hay không. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ triển khai dự án, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật vào văn bản báo cáo về chủ trương đầu tư, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ quy định của pháp luật và ranh giới điều chỉnh, khẩn trương làm thủ tục giao đất cho nhà đầu tư để triển khai các công việc tiếp theo của dự án.

Đến tháng 12/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số 6389/UBND-ĐT yêu cầu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án một lần nữa.

Qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, diện tích đất của dự án có sự thay đổi. Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của quận Nam Từ Liêm, diện tích đất cho giáo dục (ký hiệu DGD) dành cho dự án Làng Giáo dục quốc tế là 31,50ha. Tuy nhiên, tại bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 diện tích đất thể hiện là 27,72ha.

Theo Quyết định số 1329/QĐ-UBND về kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của quận Nam Từ Liêm, dự án Làng giáo dục quốc tế vẫn nằm trong danh mục các công trình, dự án thực hiện. Tuy nhiên, diện tích dự án đã giảm xuống còn 27,64ha.

Dù UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ban hành các văn bản điều chỉnh quy hoạch và đôn đốc tiến độ của dự án. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên khi đến hiện trường, dự án hiện nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Bên trong khu đất, một số ít máy móc và công nhân đang thi công mặt bằng dự án.

Phía ngoài khu vực được quây tôn, một số vị trí được dùng làm khu tập kết vật liệu xây dựng. Một số địa điểm nằm sát với dự án, người dân cũng tận dụng ở các khu đất trống để làm kho xưởng hoặc mở hàng ăn uống.

Trong diễn biến mới nhất, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. UBND quận Nam Từ Liêm đã ra văn bản số 421/2023 ngày 28/2/2023 về việc đôn đốc Công ty cổ phần Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương thực hiện dự án Làng giáo dục quốc tế.

Đáng chú ý, chia sẻ trên báo chí, đại diện Công ty Thiên Hương cho biết, chủ đầu tư đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, có thông tin doanh nghiệp đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đầu tư xây dựng nhận định, thời gian qua, nhiều dự án đã được cấp Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư và được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, sau một thời gian, có những dự án nằm "bất động" không triển khai, thì một số nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết, mục đích sử dụng đất xây dựng sang khu đô thị có nhà ở, dự án nhà ở thương mại... Chuyên gia nhận định việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý và các hệ quả về kinh tế - xã hội, đặc biệt là làm "biến tướng" mục đích ban đầu của dự án, nguy cơ đất giáo dục chuyển đổi thành bất động sản nhà ở sẽ tạo ra hệ lụy nén cư dân mà thiếu trường học.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 8.

Toàn cảnh dự án Làng giáo dục quốc tế nhìn từ trên cao. Nguồn: Lao động.

Về phía chủ đầu tư, theo thông tin đã được công bố, Công ty cổ phần đầu tư Thiên Hương là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và giáo dục. Còn theo tìm hiểu của Reatimes, thông tin về doanh nghiệp này chỉ vẻn vẹn vài dòng với địa chỉ tại Khu A, cụm trường THCN và DN Tây Mỗ, Phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Ngành nghề chính là bán buôn tổng hợp, vận tải hành khách đường sắt, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, kinh doanh bất động sản, giáo dục nhà trẻ,... Ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin gì khác.

Ngoài dự án Làng giáo dục quốc tế, trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn nhiều dự án giáo dục khác vẫn đang "nằm im bất động". Có thể kể đến như dự án xây dựng Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, hay 7 khu đất bỏ hoang với tổng diện tích gần 8ha được quy hoạch để xây trường học ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng hàng chục năm trôi qua vẫn không được đầu tư, chỉ là bãi đất trống để người dân sống xung quanh tận dụng trồng rau, dựng nhà gỗ để đồ, làm bãi để xe.

Tại một khu đô thị huyện Thanh Oai, vị trí quy hoạch trường học cũng trở thành nơi thả trâu bò, cỏ mọc hơn 10 năm nay. Toàn dự án khu đô thị có 17 điểm với 15ha cho trường học nhưng chỉ có 2 trường tư thục được xây.

Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội phấn đấu tăng thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Mục tiêu này đang đứng trước thách thức lớn là các địa phương, đặc biệt các quận nội đô rất thiếu quỹ đất để xây trường. Đặc biệt là còn tồn tại những quỹ đất "treo" như dự án Làng Giáo dục. Điều này khiến mục tiêu tăng số lượng cũng như chất lượng các trường học khó thành hiện thực và việc đầu tư xây thêm trường mới có lẽ lại càng khó hơn.

KIÊN QUYẾT "GẠCH TÊN" CHỦ ĐẦU TƯ ÔM ĐẤT DỰ ÁN TRƯỜNG HỌC RỒI BỎ HOANG

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, vấn đề thiếu trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội một phần không phải do thiếu quỹ đất. Bởi một trong những tiêu chí để phê duyệt quy hoạch của dự án nhà ở là phải có yêu cầu đầy đủ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Trường học, trạm y tế, chợ… Do đó, dự án nào cũng dành một phần đất cho xây dựng trường học. Đó còn chưa kể có nhiều quỹ đất trống cũng được thành phố ưu tiên để xây dựng trường học trong nội đô.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 9.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trường học. Một trong số đó là do nhiều khu vực đất dành cho quy hoạch xây dựng trường học nhưng chậm hoặc không được giải phóng mặt bằng, không kiểm soát chặt chẽ. Đáng chú ý là hiện nay thành phố còn tồn tại rất nhiều dự án giáo dục bỏ hoang chưa được triển khai đúng tiến độ. Vấn đề này liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách. 

Thực tế này đòi hỏi thanh tra giáo dục phải xử lý kịp thời,tăng cường kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý. Tránh tình trạng có nghiên cứu, có tham gia khảo sát nhưng sau khi tìm ra được sự thật thì chưa có định hướng giải pháp.

"Chính quyền cần mạnh tay hơn trong xử lý các quỹ đất quy hoạch làm trường học nhưng bị bỏ hoang. Kiên quyết "gạch tên" các chủ đầu tư ôm quỹ đất này rồi để chậm trễ triển khai. Nếu chủ đầu tư này không làm được thì thu hồi, giao cho chủ đầu tư khác, chứ không phải chỉ tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện sai phạm, bỏ hoang cả chục năm rồi nhưng vẫn để đấy, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực đất đai của Thủ đô", TS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh diện tích đất bình quân trên một học sinh ở khu vực nội đô Hà Nội thấp hơn so với quy định chung, nhất là ở các quận nội đô không dễ có được quỹ đất để tăng diện tích đất xây dựng trường học thì việc đề xuất nhanh chóng hoàn thành dự án, xây trường, mở thêm lớp học là giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.

Hiện nay chúng ta tập trung làm những khu văn hoá sáng tạo trong khi đó định hướng của Nhà nước đưa ra là phải tập trung vào những dự án không gian xanh, trường học, nhà trẻ. Do đó, lãnh đạo thành phố phải có sự cân đối hợp lý giữa động lực về văn hoá sáng tạo và văn hoá giáo dục. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề thiếu trường, thiếu lớp phải bốc thăm để giành quyền cho con đi học như đã xảy ra trước đây.

Chính quyền cần mạnh tay hơn trong xử lý các quỹ đất quy hoạch làm trường học nhưng bị bỏ hoang. Kiên quyết "gạch tên" các chủ đầu tư ôm quỹ đất này rồi để chậm trễ triển khai.
"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 10.TS. Đào Ngọc Nghiêm

DỰ ÁN KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH - TIẾN HÀNH THU HỒI, GIAO CHO CHỦ ĐẦU TƯ KHÁC

TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội với trên 8 triệu dân, hiện là một trong những địa phương đang thiếu trường học nghiêm trọng. Điều đáng nói, dù đã được ưu tiên, bố trí quỹ đất xây dựng thế nhưng hàng loạt dự án trường học, làng giáo dục trên khu đất "vàng" Thủ đô đến nay vẫn nằm yên bất động. Đơn cử như Dự án Làng Giáo dục quốc tế thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức. Dự án từng được kỳ vọng về một làng giáo dục tiên tiến mang tính cạnh tranh nhất nhì Đông Nam Á...

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 11.

TS. Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

"Có rất nhiều nguyên nhân cho sự chậm trễ này. Khách quan có, chủ quan có. Theo tôi, không có lý do gì để biện minh cho sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các dự án trên", TS. Trương Văn Quảng nhận định.

Theo đó, chuyên gia cho rằng, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường học tại Hà Nội không có gì khó khăn. Một là trong quy hoạch, Hà Nội phải đảm bảo quỹ đất dành để quy hoạch phát triển trường học công lập theo quy hoạch, kế hoạch của ngành Giáo dục; các dự án phát triển khu đô thị mới cũng phải dành quỹ đất để quy hoạch, xây dựng trường học theo quy định của pháp luật.

Hai là về nguồn vốn, cần huy động cả nguồn vốn ngoài xã hội (sự tham gia của cộng đồng).

Ba là thành phố tạo cơ chế thông thoáng để đa dạng hóa các thành phần có thể tham gia phát triển trường học theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.

Thứ tư là tăng cường công tác thanh kiểm tra, có thưởng có phạt một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

"Trước mắt Hà Nội cần rà soát các quỹ đất dự án phát triển trường học trên địa bàn để đánh giá, phân loại các dự án theo các mức độ có khả năng tiếp tục hoàn thành, không có khả năng hoàn thành, tiến hành thu hồi, phân bổ lại cho các chủ đầu tư khác để thực hiện dự án có hiệu quả hơn… Hà Nội cần phải quyết liệt lên, cần phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì căn bệnh trầm kha này mới có cơ được chữa lành", TS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ MẠNH TAY NHỮNG CHỦ ĐẦU TƯ "ÔM" ĐẤT

Theo PGS. TS. Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, trong quy hoạch phát triển của một đô thị đều phải có quy hoạch hạ tầng xã hội (bao gồm hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế,…). Điều này đã có ngay trong quá trình phê duyệt dự án. Tuy nhiên, có một số nơi giám sát chưa chặt chẽ nên chủ đầu tư không làm đúng, gây ra chuyện thiếu hạ tầng giáo dục. Đối với TP. Hà Nội nói riêng, tốc độ gia tăng dân số cơ học vẫn cao trong khi đó hạ tầng giáo dục lại không đáp ứng không.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 12.

"Để xử lý vấn đề thiếu hạ tầng giáo dục trong các đô thị, đề nghị các địa phương cho kiểm tra lại các dự án của các chủ đầu tư. Nếu dự án đã được duyệt quy hoạch chủ đầu tư không làm đúng, không có hạ tầng giáo dục thì đề nghị đình chỉ, không cho tiếp tục thực hiện dự án. Phải xử lý nghiêm như vậy thì sẽ không xảy ra tình trạng thiếu trường học, học trái tuyến,…", PGS. TS Bùi Thị An đưa ra giải pháp.

Thực tế cho thấy, một số chủ đầu tư có ý thức trách nhiệm với xã hội, họ làm dự án đô thị có đầy đủ hạ tầng giáo dục theo đúng như quy hoạch dự án được phê duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số chủ đầu tư không có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Họ chậm trễ trong việc triển khai hạ tầng giáo dục thậm chí cho thi công cuối cùng sau khi đã xây dựng những chung cư, nhà ở để bán trước.

"Ôm" đất giáo dục và nguy cơ biến tướng:
 "Siêu" dự án Làng giáo dục quốc tế 14 năm vẫn "đắp chiếu"- Ảnh 13.PGS.TS Bùi Thị An
Cần phải rà soát công khai, chỉ rõ chủ đầu tư ở dự án này chậm bao nhiêu năm? Vì sao chậm? Trong trường để dự án treo quá lâu sẽ thu hồi không cho doanh nghiệp tiếp tục ôm đất, mà tiến hành chuyển giao cho chủ đầu tư có năng lực khác tiếp tục làm.

Bà An cho rằng để xảy ra tình trạng chậm thực hiện triển khai các dự án giáo dục còn một phần lỗi đến từ cơ quản lý Nhà nước đã thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh.

"Cần phải rà soát công khai, chỉ rõ chủ đầu tư ở dự án này chậm bao nhiêu năm? Vì sao chậm? Trong trường để dự án treo quá lâu sẽ thu hồi không cho doanh nghiệp tiếp tục "ôm" đất, mà tiến hành chuyển giao cho chủ đầu tư có năng lực khác tiếp tục làm. Cần có chế tài xử lý mạnh tay những chủ đầu tư "ôm" đất dự án để đủ sức răn đe, tránh lặp lại những trường hợp tương tự. Còn đối với những chủ đầu tư, những doanh nghiệp có ý thức với cộng đồng, phải tuyên dương và tạo điều kiện hỗ trợ để họ tiếp tục thực hiện các dự án khác", bà An nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top