Ông chủ Phuc Hung Land: “Doanh nghiệp môi giới phải thay đổi hoặc là… chết!”

Ông chủ Phuc Hung Land: “Doanh nghiệp môi giới phải thay đổi hoặc là… chết!”

Thứ Bảy, 05/09/2020 - 10:30

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp môi giới bất động sản trên cả nước đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng để chờ tín hiệu khởi sắc hơn của thị trường. Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia lại cho rằng, thời điểm này là dịp thanh lọc mạnh các chủ thể yếu kém trên thị trường, đồng thời cũng là cơ hội để môi giới bất động sản bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ứng phó với giai đoạn khủng hoảng khi thị trường gặp lực cản.

Để làm rõ hơn nhận định trên, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phục Hưng (Phuc Hung Land).

tit 1

PV: Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản được đánh giá là rất tiêu cực, nhất là trong lần bùng phát thứ hai này. Trước sự ảnh hưởng của "cơn bão số 2" Covid-19, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện với những thách thức hiện hữu như siết tín dụng bất động sản, siết thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng, tồn kho hàng cao cấp nhưng nguồn cung nhà giá rẻ lại thiếu hụt...

Tác động "kép" này gây ra hàng loạt bài toán khó đối với cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà để ở và nhà đầu tư. Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn khi cả cung - cầu, sức tiêu thụ lẫn giá bán ở các phân khúc đều giảm.

Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà và một phần phải cho nghỉ. Trong 3 tháng đầu năm 2020, có khoảng 80% số lượng sàn môi giới đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch.

box-01

Cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch đang hoạt động cầm chừng. Nhiều môi giới cá nhân thất nghiệp. Điều này phản ánh rõ bức tranh tổng thể chung của thị trường bất động sản là vô cùng khó khăn. Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán định, vì thế mà những tác động, ảnh hưởng của nó đến thị trường cũng rất khó lường.

Đây là giai đoạn “thử thách” của thị trường bất động sản. Nếu chúng ta vượt qua được giai đoạn bùng phát dịch bệnh lần thứ hai này, bất động sản vẫn là kênh được các nhà đầu tư quan tâm bởi tính sinh lời ổn định và an toàn. Nhất là phân khúc đất nền đô thị, căn hộ giá rẻ hay bất động sản công nghiệp... có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế phục hồi. Trong khi đó, văn phòng cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi chậm hơn. 

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động của Chính phủ.

PV: Theo ông, trong bối cảnh này, khó khăn mà các doanh nghiệp môi giới bất động sản đang gặp phải là gì?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Thiếu nguồn cung và hạn chế nguồn cầu là khó khăn mà các doanh nghiệp môi giới đang phải đối mặt và tìm cách vượt qua. Từ quý I/2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải chuyển nghề vì không có hàng bán, không có thu nhập.

Ngay cả những đơn vị phân phối lớn có uy tín, một thời gian dài cũng không có dự án để bán, trong khi phải “nuôi” nhiều nhân viên. Riêng chi phí lương cơ bản mỗi tháng đã lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, áp lực kinh tế ngày càng lớn khiến nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải đóng cửa bởi không còn cách nào khác. 

Thêm vào đó, việc tìm kiếm khách hàng của môi giới bất động sản hiện bị hạn chế do các kênh tìm kiếm truyền thống, offline không còn phù hợp, khiến số lượng khách hàng giảm. Hơn nữa, do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên họ rất hạn chế đến những nơi đông người, khiến các doanh nghiệp môi giới không thể tổ chức những buổi sự kiện giới thiệu sản phẩm, dự án… Tất cả dẫn đến việc dự án mới chưa thể triển khai, lượng khách hàng mới cũng ít hơn và doanh thu bán hàng giảm sút.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đó những cơ hội cho các nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín.

tit 2

PV: Vậy đâu là lối thoát cho doanh nghiệp môi giới bất động sản giữa cơn “bão dịch”, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Khi khó khăn nối tiếp khó khăn sẽ có một điều tất yếu xảy ra, đó là sự thanh lọc mạnh các chủ thể yếu kém trong thị trường. Điều này được xem là cơ hội để môi giới bất động sản có thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bước qua giai đoạn khủng hoảng khi thị trường gặp lực cản.

Tác động của dịch bệnh sẽ giúp thanh lọc thị trường bất động sản rất nhiều, nhất là đối với những đơn vị phát triển dự án yếu kém và các doanh nghiệp môi giới thiếu định hướng phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp môi giới bất động sản phải thay đổi để tồn tại hoặc là… chết.

Khi dịch bệnh khiến các hoạt động offline đình trệ, chúng tôi tăng cường làm việc online. Tưởng khó khăn nhưng hóa ra lại hiệu quả. Dù có cả trăm người tham gia một cuộc họp nhưng tất cả đều phải lắng nghe từng ý kiến một. Việc này tạo cơ hội để chúng ta lắng lại, nghe người khác và thấu hiểu trước khi mình cất tiếng nói. Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng nói vui với nhau là họp online không phải nhìn mặt sếp, mọi người cứ phát ngôn thoải mái. Kết quả là đội ngũ chia sẻ cởi mở hơn, tương tác hiệu quả hơn.

Thị trường bất động sản hiện đang gặp khó khăn nhưng trong khó khăn lại có cơ hội. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp phải nghĩ ra các sản phẩm để bán cho cả người nghèo nữa, chứ không thể chỉ chăm chăm bán cho người giàu. Làm sao để bán được một sản phẩm rẻ nhất mà nhiều người mua được, trong khi vẫn đảm bảo được đầy đủ các tiện ích tốt, đó mới thực sự là bài toán hóc búa cần giải quyết lúc này. Hiện tại, có sản phẩm để kinh doanh dù lợi nhuận ít và vẫn duy trì được công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên là tốt rồi.

PV: Chúng ta đã thấy rõ những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và liệu Phuc Hung Land có nằm ngoài sự tác động này? Các sản phẩm của Phuc Hung Land hiện đang phân phối bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Thời gian qua, chúng tôi dành nhiều thời gian theo dõi thông tin về Covid-19 để có thể đưa ra những quyết sách ứng phó với khó khăn. Chính những quyết định nhanh gọn này đã giúp Phục Hưng kịp thời tái cấu trúc, điều chỉnh cách làm việc cho phù hợp với tình hình hiện tại. Chỉ trong một tháng từ khi có dịch, hiệu suất làm việc của đội ngũ bằng 5 tháng thông thường. Đến nay về cơ bản, công ty đã vượt qua khó khăn bằng nhiều biện pháp và cố gắng duy trì phát triển trong thời kỳ mới - một thời kỳ mà cá nhân tôi gọi đó là “sống chung với lũ”.

Các sản phẩm Phuc Hung Land đang phân phối cũng bị ảnh hưởng và giảm sút doanh số một phần. Tuy nhiên, khi chọn dự án để phát triển và phân phối ra thị trường, chúng tôi sẽ chọn những dự án có pháp lý chuẩn, phân khúc thị trường rõ ràng. Trong thời điểm thị trường khó khăn như lúc này, Phuc Hung Land lại càng phải đánh giá kỹ hơn về từng dự án, ưu tiên cho những dự án đất nền, nhà phố trung tâm thành phố, trung tâm huyện thị; nhà ở, căn hộ giá rẻ và chủ đầu tư uy tín…

Do đó, các dự án chúng tôi đang phát triển đều có tính thanh khoản tốt, pháp lý minh bạch, được chủ đầu tư và khách hàng quan tâm đầu tư nhiều...

PV: Ông có lời khuyên nào dành cho những khách hàng đang có ý định đầu tư vào bất động sản thời điểm này?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Sự tác động của dịch bệnh sẽ đưa bất động sản về lại giá trị thực. Với tình hình hiện nay, khái niệm đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng 3 - 6 tháng, thậm chí 6 - 12 tháng đã không còn. Đầu tư vào thời điểm này, nhà đầu tư nên coi bất động sản là “của để dành” trong 2 đến 3 năm tới.

Các nhà đầu tư có vốn mỏng không nên mạo hiểm vào lúc này và cần hạn chế vay vốn ngân hàng. Nếu có vốn tự có khoảng 1 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc những sản phẩm có giá từ 1,5 tỷ đồng trở xuống. Nếu vay đến 70% giá trị sản phẩm thì rủi ro là rất lớn khi tình hình ảm đạm của thị trường chưa được kiểm soát.

Thị trường nhà đất hiện đã xảy ra hiện tượng bán cắt lỗ và làn sóng này càng thêm mạnh mẽ khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh sẽ tìm cơ hội mua vào các sản phẩm giá tốt. Trong khi đó, những nhà đầu tư vốn mỏng đang gặp khó khăn cần tích lũy tiền mặt để có thể “sống khỏe” nếu dịch bệnh còn kéo dài. Khách hàng, nhà đầu tư không nên cố gắng giữ bất động sản bằng mọi cách mà đôi khi buông bỏ lại là giải pháp khôn ngoan...

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Quốc Toản
Thảo Quyên
05/09/2020 10:30


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top