Aa

Ông Dương Trung Quốc: "Cần cách làm thiết thực để quá khứ không chỉ trên giấy"

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 26/10/2020 - 06:00

Vườn Quốc gia Ba Vì là nơi chứa nhiều giá trị, đặc biệt có phế tích một khu nghỉ dưỡng với khoảng 200 công trình, nhà sử Dương Trung Quốc cho rằng đã đến lúc đánh thức Ba Vì để những giá trị không bị "ngủ quên".

Lời tòa soạn:

Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới.

Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả Quốc gia.

Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.

Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Chuyện về một thị trấn “ngủ quên” cả trăm năm

Từ năm 1886, vùng núi Ba Vì đã có những hoạt động khảo sát của nhà thực vật học Pháp danh tiếng Benjamin Balansa (1825 - 1891). Ông Balansa có viết trong một bức thư gửi cho người thân đề ngày 27/7/1887: “Thảm thực vật ở núi Ba Vì thật là vô tận… Sau hơn một năm khảo sát, tôi vẫn chưa biết hết các loại thực vật ở đây. Ôi chưa bao giờ thấy một sự đa dạng như vậy! Bắc Bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới… Đây là một xứ sở tuyệt vời!”. Các nguồn tư liệu để lại cho biết, Balansa đã đưa giống cây canh-ki-na (Quinquinas) về Đông Dương trồng thử nghiệm đầu tiên ở vùng người Dao sinh sống trên núi Ba Vì. Cũng chính ông đã đưa giống cà phê vào Đông Dương mà nơi đầu tiên trồng vẫn là Ba Vì.

Sang thế kỷ 20, doanh nhân Marius Borel chọn Ba Vì làm nơi lập nghiệp để trồng cà phê một cách quy mô và khoa học. Ông đã lập 13 trang trại rộng tới hơn 2.000ha và năm 1916 được trao 15ha để quy hoạch một khu biệt thự ở độ cao (cote) 400m trên sườn núi Ba Vì. Năm 1936, chính quyền thực dân dành một không gian ở độ cao hơn tại đây phục vụ việc nghỉ dưỡng của giới quân nhân. Trên cote 600m xuất hiện một khu biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp công trình phòng thủ. Mùa hè năm 1940, khi nước Pháp đã đầu hàng phát-xít, người Pháp xây thêm công trình ở độ cao hơn (cote 800m) để mở trại hè. Những khách sạn, biệt thự được kết nối với nhau bằng con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi ở chính giữa đỉnh của ngọn núi.

Ba Vì  là nơi chứa nhiều giá trị về thiên nhiên, lịch sử, đặc biệt có phế tích một khu nghỉ dưỡng với khoảng 200 công trình kiến trúc.

Những gì còn lại cho hình dung về một đời sống chan hòa với thiên nhiên. Các ngôi biệt thự ẩn mình dưới những vòm cây, trong thảm thực vật đa dạng tại những vị trí đắc địa, bao quát cảnh quan rộng lớn hướng về nơi sông Đà, sông Lô nhập dòng với sông Hồng và những cánh đồng, làng xóm thanh bình. Những ngôi nhà có tường dày xây bằng gạch, đá, không nhấn mạnh độ cao, có mái ngói, có hành lang rộng chung quanh… quyện chặt cảnh quan rừng.

Thời gian gần một thế kỷ đã biến các công trình và không gian xưa thành đổ nát, hoang tàn, thực vật sinh sôi bao phủ không còn nhận ra phế tích… Thống kê chưa đầy đủ có khoảng gần 200 công trình nằm rải rác tại các điểm cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m thuộc khu Vườn Quốc gia có diện tích rộng gần 10,8 nghìn ha. Mỗi một công trình là một câu chuyện vừa kỳ bí lại vừa thú vị, không đơn thuần là câu chuyện lịch sử về một vùng đất vốn đặc biệt nổi tiếng tâm linh.

Đối với Ba Vì, KTS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nói rằng, người Pháp đã khảo sát, nghiên cứu đầy đủ và chuẩn mực để có một quy hoạch phù hợp nhất. Họ đã khảo sát và nghiên cứu đầy đủ yếu tố địa lý, cảnh quan, địa hình ở các địa điểm có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp với khả năng xây dựng tuyến đường kết nối các khu vực để có một quy hoạch phù hợp nhất với Ba Vì - nơi có cảnh quan tuyệt vời và hùng vĩ.

“Đặc biệt, những khu nghỉ dưỡng được quyết định xây dựng ở độ cao 400m, 600m, 700m, 800m và 1.000m, nhằm kết nối Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng trên dãy núi Ba Vì linh thiêng đều có quy hoạch rất chi tiết trên bản đồ địa hình, được đo đạc, lựa chọn trên từng đường đồng mức của địa hình để bố trí các công trình phù hợp”, KTS. Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Trải nghiệm quá khứ chính là ký ức của tương lai

Vườn Quốc gia Ba Vì là khu du lịch đa dạng, hấp dẫn. Điều đó cũng đặt ra bài toán khai thác hợp lý tiềm năng, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó”.

Câu chuyện làm thế nào để vừa bảo tồn vừa có thể phát huy được giá trị của “nàng công chúa ngủ trong rừng Ba Vì” đã khiến nhà sử học luôn trăn trở. Bởi ông thấy tiếc: “Dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho Dân tộc ta.

Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng “Núi Tản - Sông Đà”. Ba Vì là nơi thuận nhất để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ".

Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ huyền bí của một miền sương khói và tạo nên sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, nơi này thức giấc. Người Pháp đã nhận ra những tiềm năng và khai thác Ba Vì một cách căn cơ. 

Vị chuyên gia này trăn trở, ngày nay Ba Vì đã trở thành một khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt của Nhà nước và sự hỗ trợ cũng như giám sát của thế giới. Câu chuyện còn lại là dấu tích những nền nhà rải rác trong rừng sâu, ngoài cote 400 nay đã thành một thị tứ khá sầm uất nhưng cũng vô cùng bừa bộn. Giờ đây chúng ta ứng xử như thế nào để phục hồi lại những gì đã từng có?

“Trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp.

Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì, với tiêu chí giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Với những giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển, phải chăng đó cũng là một cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, vận dụng, khơi nguồn cho những bước phát triển tiếp theo để có được đáp án cho bài toán bảo tồn và phát triển.

Với sự thận trọng trong từng bước, chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết đã và đang thử nghiệm dựa trên mong muốn sự phát triển luôn đi cùng bảo tồn và ngược lại. Chắc chắn để giải bài toán khó ấy, trải nghiệm của quá khứ chính là ký ức của tương lai sẽ giúp chúng ta rất nhiều cùng với sự phụ họa của Mẹ Thiên nhiên và sự phù trợ của thần linh nơi Ngọn Ba Vì”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

Nuôi khát vọng "đánh thức" Ba Vì 

Gắn bó với Ba Vì gần 20 năm nay, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, GS. Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ rằng, ông cảm thấy có lỗi với Thủ đô khi để những di sản, tài nguyên giữa rừng Ba Vì "ngủ yên" và ngày càng bị quên lãng.

GS. Vạn phân tích: "Việt Nam có nhiều Vườn Quốc gia, nhiều khu rừng tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sa Pa, Cát Bà, Pù Mát, Bạch Mã, Bà Nà, Núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo…

Trong khi ở những nơi đó đều đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế, thành khu du lịch đẹp, hiệu quả thì quay về Ba Vì, không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km, cách Hà Nội có một giờ đi ô tô mà mấy chục năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân. Là do chúng ta không có năng lực? Chúng ta không có nhu cầu hay chúng ta không có tài quản lý?

Chúng ta đã phân tích rõ giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, những tài nguyên ở Vườn Quốc gia Ba Vì để khẳng định rằng: Cần phải khai phá, thức tỉnh những tài nguyên trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân”.

Theo vị chuyên gia này, để phát triển được Vườn Quốc gia Ba Vì đúng luật pháp, đúng tầm và bền vững cần có 4 yếu tố. Đó là chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm; kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó (nhà tư vấn kiến trúc); sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, về công tác quản lý, bảo vệ rừng quốc gia Ba Vì nằm trong nội dung của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đề cập việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng với tư tưởng đảm bảo phát triển bền vững dựa trên kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và chủ rừng… 

Cùng quan điểm KTS. Trần Ngọc Chính cho hay: “Do thời gian và biến cố lịch sử, các khu nghỉ tại Ba Vì đã bị tàn phá và chỉ còn lại là những phế tích. Bởi vậy, nội dung khoa học về phát huy hiệu quả giá trị các công trình phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì - Hà Nội là một nội dung khoa học rất cần có sự chung tay của giới quy hoạch và kiến trúc nước nhà, đóng góp cách nghĩ, cách làm, từng bước phục dựng và phát huy giá trị để tạo dựng lại các khu nghỉ mát vùng núi có giá trị cao cho sự nghiệp phát triển du lịch và phục vụ tốt nhất nhu cầu nghỉ mát của người dân”.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, duy nhất chỉ có đường bộ bằng ô tô (đường khá hẹp và hiểm trở), như vậy việc đưa đón lưu lượng khách đến khu du lịch sẽ hạn chế khi mà chỉ có một tuyến đường độc đạo cho tất cả các khu nghỉ trên toàn tuyến. Mặt khác, bãi đỗ ô tô cho du khách cũng là một vấn đề nan giải; sẽ chọn giải pháp nào để có bãi đỗ xe cho khách ở chân núi và có xe lớn để đón khách lên. Vấn đề bãi đỗ xe ngầm hay nổi đều phải có ý tưởng quy hoạch để đáp ứng yêu cầu đón đưa khách an toàn và bảo đảm cho sự phát triển.

Riêng giao thông trong khu vực dự án sẽ là hệ thống xe điện để di chuyển khách trong toàn khu.

Các loại hình giao thông khác lên Ba Vì như cáp treo cần phải được nghiên cứu và có đánh giá tác động môi trường để có sự lựa chọn phù hợp (kể cả việc nghiên cứu một tuyến đường mới nhằm giải quyết hướng lên và hướng xuống).

Việc cấp nước cho các dự án cũng là một vấn đề quan trọng, vì nước ở khu vực này phục vụ cho du lịch rất khó khăn. Việc khai thác nước suối và nước mưa mà các dự án du lịch đã đưa ra cần phải được khảo sát kỹ lưỡng để đảm bảo vào mùa khô vẫn có đủ nước phục vụ sinh hoạt.

Vấn đề môi trường, xử lý chất thải, nước thải là nội dung cần phải được xem xét khi lượng khách du lịch đến nghỉ trong các khu của núi Ba Vì sẽ là rất lớn.

Một vấn đề nữa cần phải xem xét đó là nội dung về quản lý và phát triển dự án. Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trong dãy núi Ba Vì được chia thành 3 cấp độ quản lý (từ cao độ 400 - 1.200 là rừng nguyên sinh được bảo vệ đặc biệt cấp Quốc gia). Như vậy, cần phải xem xét về góc độ quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác quản lý từng khu du lịch. Trên cơ sở các khu du lịch đã nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì từ thời Pháp thuộc nên việc duy trì và bảo tồn giá trị của Vườn Quốc gia này cần tiếp tục được phát huy. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top