Aa

Ông Gerald Herman đã biết giá trị thực của Hanoi Cinematheque ở đâu?!

Thứ Năm, 01/12/2016 - 17:16

Hơn một tuần trở lại đây, việc phá bỏ Hanoi Cinematheque đã thu hút sự chú ý của dư luận. Mặc dù, đây chỉ là một điểm chiếu phim tư nhân nhưng một số ý kiến cho rằng cần phải bảo tồn địa điểm này vì "giá trị" văn hóa của nó. Vậy đâu là giá trị thực của Hanoi Cinematheque?

Từng có thời gian khá dài làm việc trên phố Hàng Bài nhưng thú thực tôi cũng chưa nghe ai nói về rạp chiếu phim này cho đến cách đây vài ngày. Trước phản ứng trái chiều của dư luận, tôi cũng vội tìm hiểu về Hanoi Cinematheque và thông tin có được thì đây một địa điểm chiếu những bộ phim kinh điển miễn phí do một người Mỹ gây dựng lên tại khu sân vườn của một gia đình ở số nhà 22A, phố Hai Bà Trưng, trong một con ngõ nhỏ. Sau đó, người ta đã tranh thủ mở bán cà phê ở đây. 

Hanoi Cinematheque.

Hanoi Cinematheque.

 Quả thực, việc tại một địa điểm tư gia xuất hiện một điểm chiếu phim miễn phí phục vụ đông đảo nhu cầu của người hâm mộ đúng là rất đáng quý và trân trọng. Thế nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao khi bản thân người gây dựng lên việc này không muốn tiếp tục làm nữa thì một số người "nhân danh nghĩa" người hâm mộ lại đòi phải bảo tồn. Một người đã thuê địa điểm này để mở rạp chiếu phim, vậy họ có được quyết định “số phận” việc họ làm?

Ban đầu khi đọc được một số ý kiến phản đối việc phá bỏ địa điểm này, cứ ngỡ Hanoi Cinematheque phải là một rạp chiếu phim của nhà nước rộng rãi, được đầu tư khang trang, bài bản và gắn với lịch sử của Hà Nội xa xưa. Nếu đúng như vậy, việc phá bỏ sẽ rất là đáng tiếc nhưng không đây chỉ là do sở thích của một con người cụ thể lập ra. Vậy căn cứ vào đâu để đòi bảo tồn?

Đến đây, tôi lại nhớ đến rạp chiếu phim trên phố Đặng Dung (Hà Nội). Được xây dựng cùng thời với rạp Tháng 8 trên phố Hàng Bài, rạp Đăng Dung có diện tích 718m2, nhà 2 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 1.123m2 trước đây do Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội quản lý.

Tuy nhiên, do nằm xa trung tâm và chỗ để xe hạn chế nên địa điểm này không thu hút được khách. Suốt một thời gian dài, rạp gần như phải “đóng cửa”, nhất là sau khi các rạp chiếu phim lớn với thiết bị âm thanh tốt ra đời đồng loạt. Trước tình trạng trên, năm 2006, UBND Hà Nội đã điều chuyển rạp Đặng Dung cho UBND quận Ba Đình quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.

Rạp chiếu phim Đặng Dung một thời nay trở thành quán bán bia hơi.

Rạp chiếu phim Đặng Dung một thời nay trở thành quán bán bia hơi.

Theo nhiều người dân, cách đây vài năm, sau một thời gian dài bị “đóng cửa”, địa điểm giải trí văn hóa của hàng trăm người dân Hà Nội này được giao cho tư nhân thuê, sử dụng. Rạp chiếu bóng cũ ngay lập tức bị chia nhỏ, cải tạo lại. Hiện, 3 gian rộng nhất, khoảng 300 m2 tại số nhà 19 được một đơn vị thuê mở cửa hàng ăn nhậu, còn 4-5 gian còn lại nhỏ hơn thuộc số nhà 17 trở thành cửa hàng điện thoại di động, đồ thủ công mỹ nghệ…

Rõ ràng, nếu nói về “giá trị” văn hóa thì rạp Đặng Dung cũng rất đáng bảo tồn vì đây là địa điểm nhà nước bỏ tiền ra đầu tư xây dựng và gắn liền với một thời gian lịch sử của Hà Nội. Tuy nhiên, dưới nền kinh tế thị trường, khi mà hàng loạt rạp chiếu phim hiện đại ra đời, rạp Đặng Dung không đổi mới đã chấp nhận tự đào thải mình.

Với Hanoi Cinematheque cũng vậy. Sinh ra nhờ tình yêu đam mê của một người Mỹ và tồn tại đến ngày nay hiện đã xuống cấp và sập sệ. Nay chủ thể này không có nhu cầu để Hanoi Cinematheque tiếp tục sứ mệnh phục vụ miễn phí cho thị hiếu của số ít người nữa, vậy có lý do gì để bắt nó phải tồn tại.

Hanoi Cinematheque từng có ý nghĩa trong gần 15 năm qua nhưng nay giá trị của nó chắc chắn không nằm ở những lời hô hào, đòi hỏi vô lý. Dự kiến sau khi phá bỏ, trên diện tích này sẽ được thiết kế thành một tổ hợp dịch vụ thương mại và văn hóa, một trung tâm sách và một văn phòng du lịch.

Chắc chắn sau khi được xây dựng, địa điểm này không những sẽ là điểm đến văn hóa mới của người dân Hà Nội mà còn tạo ra công ăn việc làm cho không ít người lao động. Đây chính là giá trị thực của Hanoi Cinematheque ở thời điểm hiện tại!

Tôi cho rằng, bằng việc từ bỏ niềm yêu thích của mình sau 14 năm gắn bó, ông Gerald Herman đã biết giá trị thực của Hanoi Cinematheque ở đâu.?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top