Còn USD sẽ không tăng giá mạnh trong thời gian tới do đã tăng quá cao trong thời gian trước và liên tục giảm gần đây, vì vậy tác động lên tỷ giá là không có.
PV: Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ sẽ tác động ra sao đến thị trường vàng, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Giá vàng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau: dịch bệnh, địa chính trị, chiến tranh thương mại, công nghệ, thiên tai... Tất nhiên, bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có tác động đến giá vàng, nhưng tôi cho là không tác động quá nhiều.
Hơn nữa, chính sách kinh tế, chính trị và chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ ở mức độ ôn hòa, ổn định và dễ phán đoán hơn. Chính vì thế, biến động của giá vàng cũng sẽ ở mức độ nhẹ nhàng hơn so với thời gian trước.
Do đó, chúng ta kỳ vọng sẽ có một thời kỳ bình thường hơn về giá vàng trong thời gian tới. Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như đã nói ở trên, đáng chú ý là tình hình dịch bệnh, dù đã có vắc-xin.
PV: USD sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới và tác động lên tỷ giá tiền đồng thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, USD sẽ không bị tác động nhiều vì đã tăng giá mạnh trước đó và liên tục giảm giá gần đây, do nhiều lý do: kinh tế Mỹ chưa hồi phục; chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,16%, xuống mức 91,823 mở cửa phiên 30/11. Tính chung cả tháng qua, USD đã tăng giá không dưới 2%, nên cần có giai đoạn điều chỉnh trở lại.
Ở thị trường Việt Nam, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước linh hoạt và ổn định trong nhiều năm qua và tôi nghĩ rằng, về cơ bản, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Năm 2020, tỷ giá chỉ thay đổi khoảng 0,5 - 1%, năm 2021 dự báo tăng khoảng 1 - 2% so với năm nay và điều này là phù hợp.
PV: Tỷ giá được kiểm soát ổn định, song các ngân hàng vẫn kiếm được lợi nhuận lớn từ kinh doanh ngoại hối, khi 9 tháng đầu năm 2020, nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng tăng đến hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ (như TPBank tăng hơn 400%, Vietcombank, VietinBank tăng vài chục phần trăm), thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Thực ra, kinh doanh ngoại hối chỉ đóng góp một phần trong tổng lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu của cả thế giới và Việt Nam có nhiều biến động.
Trong bối cảnh tín dụng có nhiều khó khăn, các ngân hàng phải đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ, trong đó có kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng đã tận dụng tương đối tốt cơ hội đó trong thời gian qua.
PV: Động thái lần đầu tiên giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước mới đây liệu có tác động lên tỷ giá và thị trường ngoại hối?
TS. Cấn Văn Lực: Thực ra, động thái của Ngân hàng Nhà nước có sự thay đổi so với trước, nhưng cũng là bình thường và không có gì quá lớn, bởi có thời điểm phải điều chỉnh mạnh tay hơn, sát với thực tế của thị trường trong bối cảnh USD mất giá nhiều và kể cả những nhân tố khác. Về cơ bản, theo tôi, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua tương đối tốt, bám sát thị trường và linh hoạt hơn, tranh thủ cơ hội mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cho Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!