Sai phạm nghiệm trọng
Ngày 3/10/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 2632/KL-TTCP kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án PVtex.
Sau đó, ngày 4/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án PVtex. Theo đó Thủ tướng đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra loạt sai phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong quá trình triển khai, PVtex đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào dự án này, tăng thêm 34 triệu USD so với dự kiến ban đầu, lên 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng). Và thời gian thu hồi vốn dự án tăng lên 22 năm. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án này lỗ hơn 1.732 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm của dự án như vi phạm trong việc mời thầu nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị 23.046,6 USD và hơn 8 tỷ đồng; thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang Trung Quốc, hệ thống máy chủ máy in từ Đức sang Châu Âu; quá trình chạy thử từ tháng 11/2011 đến 6/2013 lỗ gần 818 tỷ đồng; tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD.
Do đó, PVtex mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh trên mình khoản nợ khoảng 6.000 tỷ đồng. Để PVtex bị thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về HĐQT, TGĐ các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex và PVTex.
Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc dự án thua lỗ có nguyên nhân chủ quan từ khó khăn của thị trường, song cũng có sai phạm, thiếu sót trong chỉ đạo, giám sát của PetroVietnam, Vinatex và Bộ Công Thương.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với các dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn với vốn đầu tư. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sợ để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng đến đâu khi để thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng?
Một trong những sai phạm và thiệt hại nhiều tỷ đồng là do quá trình chạy thử và nghiệm thu nhà máy. Trách nhiệm chính liên quan đến sai phạm này có liên quan đến lãnh đạo PVN là ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc PVN phụ trách chỉ đạo Dự án PVtex từ 2013 cho đến nay.
Theo báo cáo của PVtex gửi Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 10/2014 thì quá trình chạy thử, chạy nghiệm thu của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từ 19/11/2011 đến 1/6/2013 gồm 4 giai đoạn. Kết quả của 4 lần chạy thử này lần nào cũng gặp sự số. Chi phí chạy thử, theo dự án khả thi chỉ 5,2 triệu USD. Hợp đồng quy định chủ đầu tư (PVtex) chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu. Kết quả số tiền chi phí vận hành giai đoạn chạy thử tăng vọt từ 5,2 triệu USD lên 41,438 triệu USD, nghĩa là phát sinh con số khổng lồ 36,233 triệu USD.
Theo kết luận thanh tra, dự án đưa vào vận hành sản xuất từ 19/8/2013 nhưng do phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư (PVtex) và nhà thầu nên các khoản thanh thoán vượt giá trị tổng mức đầu tư, trong đó có khoản lỗ trên 41 triệu USD chi phí thời gian chạy thử vẫn chưa được quyết toán (ở thời điểm công bố kết luận Thanh tra tháng 11/2016)
Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đánh giá hiệu quả dự án ngoài những thay đổi, phát sinh trong kiểm tra chỉ đạo đôn đốc, giám sát dẫn chi phí cao thì “trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ”.
Thế nhưng bất chấp tồn tại, tranh chấp với nhà thầu (trong đó có việc chuyển công nghệ Đức sang Trung Quốc trị giá trên 11 triệu USD) và hàng loạt sự cố kỹ thuật chưa được giải quyết triệt để thì PVtex vẫn có công văn do Tổng giám đốc Vũ Đình Duy (hiện đang bị truy nã đặc biệt) ký ngày 6/8/2013 đề nghị PVN cho phép nghiệm thu, hoàn thành hợp đồng EPC để đi vào chạy thương mại.
Đáng chú ý hơn, đề nghị của Vũ Đình Duy lại nhận được sự đồng thuận dễ dàng của Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng - người được giao phụ trách dự án PVtex. Tại biên bản họp HĐTV PVN ngày 13/12/2013, khi người chủ trì là ông Phùng Đình Thực - lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN - đặt vấn đề : “Hợp đồng EPC không quy định về nghiệm thu có điều kiện như vậy, đề nghị của Tổng giám đốc PVN (lúc đó là ông Đỗ Văn Hậu - PV) có khác với quy định hợp đồng không? Hiện ta có đủ điều kiện để nghiệm thu? Phó Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng có ý kiến: “Về mặt kỹ thuật, nhà thầu HEC có quyền yêu cầu nghiệm thu để đưa nhà máy vào vận hành thương mại”.
Thế là, Ban lãnh đạo PVN đã nghĩ ra khái niệm “Nghiệm thu có điều kiện”, đây là khái niệm không có trong luật và cũng không có quy định trong hợp đồng EPC để kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy để tiếp tục tự tổ chức chạy thử dưới hình thức vận hành thương mại.
Kết quả khi vận hành thương mại, PVtex lỗ tiếp hơn 1.000 tỷ đồng. Tại văn bản do Phó Tổng giám đốc PVN thời điểm tháng 3/2015 là ông Ninh Văn Quỳnh cũng đã đề cập đến những lập lờ của PVtex: “Trong tính toán hiệu quả kinh tế tại tờ trình số 59, PVtex tính toán năm 2014 lãi 1,6 triệu USD nhưng thực tế năm 2014 lỗ 900 tỷ đồng”- trích văn bản 038/CV-NVQ.
Cho đến nay trách nhiệm về việc lách hợp đồng EPC để “nghiệm thu có điều kiện” dự án Nhà máy xơ sợ Đình Vũ gây thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ đồng vẫn chưa được xem xét.
Không dừng ở lại đó, trong những lần chạy thử sau này, ông Lê Mạnh Hùng tiếp tục có trách nhiệm khi không có những chỉ đạo kịp thời, khiến Nhà nước thiệt hại thêm nhiều tỷ đồng.
Rõ ràng là với những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tại dự án xơ sợi Đình Vũ – một vụ án trọng điểm được Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong khi ông Lê Mạnh Hùng, Phó TGĐ PVN là người phụ trách dự án lại được đề nghị bổ nhiệm, lên chức Tổng giám đốc của PVN, thay thế ông Nguyễn Vũ Trường Sơn vừa từ chức là một điều khó hiểu. Dư luận đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, sớm làm rõ những vấn đề trên.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.