Câu chuyện bắt đầu từ ngày12/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi ấy là ông Nguyễn Chiến Thắng đã ký thỏa thuận cho Mường Thanh Khánh Hòa xây tới 47 tầng và 2 tầng hầm, trên tổng diện tích đất 5.864m2. Sở Xây dựng đã căn cứ và đó để cấp phép.
Đến ngày 17/6/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản thỏa thuận điều chỉnh cho Mường Thanh Khánh Hòa xây lên đến 48 tầng, với tổng diện tích đất được tăng lên tới 6.895m2. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng cấp GPXD và phụ lục điều chỉnh GPXD cho Mường Thanh Khánh Hòa với diện tích đất, số tầng theo các công văn thỏa thuận nêu trên.
Nhưng khốn nỗi, theo quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ngày 25/9/2012 thì chiều cao các công trình xây dựng tối đa ở khu vực mà Mường Thanh Khánh Hòa đang xây cao ốc là không quá 40 tầng.
Sau khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 5/1/2016, tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản yêu cầu Mường Thanh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án với chiều cao không quá 40 tầng.
Mặc dù Sở Xây dựng đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở chủ đầu tư chấp hành nghiêm các văn bản của tỉnh và Chính phủ, song cao ốc vẫn được xây dựng lên đến tầng 42.
Cuối cùng, đến ngày 9/9/2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa buộc phải đưa ra giải pháp cuối cùng là ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa.
Thì ra, có lúc nhà đầu tư cầm trong tay những văn bản có dấu quốc huy đỏ chót của Chủ tịch UBND tỉnh mà vẫn nơm nớp lo sợ bởi rủi ro sẽ ập xuống bất cứ lúc nào, mà vụ việc này là một ví dụ.
Nhưng chuyện đáng bàn lại nằm ở góc khác, đó là việc ông Lê Thanh Thản có “nhờn” phép nước không và đâu là “cái gậy chống lưng” của dự án này?
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ khái niệm “đâu là phép nước”. Nếu cho rằng “phép nước” là những quy định được xác định bởi những con dấu chứa hình quốc huy thì dường như không ổn lắm, vì chính quyền cấp xã, cấp huyện... đều có con dấu này, và rất nhiều khi, ý chí của họ không đại diện cho quốc gia. Cho đến con dấu cấp tỉnh, thành phố cũng vậy, trừ những trường hợp được Trung ương ủy quyền. Cho nên, “phép nước” ở đây chỉ nên gói gọn ở những cơ quan có thẩm quyền của Trung ương.
Nếu khái niệm như thế thì người “nhờn” phép nước lại không phải là ông Lê Thanh Thản, chủ đầu tư của Mường Thanh Khánh Hòa, mà là hai vị Chủ tịch tỉnh 2 khóa liền nhau của Khánh Hòa. Bởi lẽ, họ biết rành rẽ quy hoạch được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 là chỉ cho phép xây 40 tầng nhưng vẫn duyệt cho dự án xây lên đến 48 tầng.
Còn với nhà đầu tư, mục tiêu tối thượng của họ là lợi nhuận. Nếu chỉ với 40 tầng thì chưa chắc họ đã đầu tư vì có khả năng bị thua lỗ. Mà rất có thể dòng tiền lãi chỉ bắt đầu từ tầng 42 trở lên. Vậy nay mũi tên đã rời khỏi dây cung rồi, thật khó có lý lẽ thuyết phục để bắt họ thu hồi lại? Và theo ông Thản, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã huy động vốn, ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với hơn 300 khách hàng tại các căn hộ từ tầng 41 đến tầng 47 của dự án, nhiều khách hàng trong số này đã thực hiện chuyển nhượng cho nhiều người khác, ký kết hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản...
Ở góc độ khác, có thể nhận xét ông Lê Thanh Thản đang “nhờn” với “phép tỉnh”, bởi Sở Xây dựng Khánh Hòa đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở chủ đầu tư chấp hành nghiêm các văn bản của tỉnh và Chính phủ, song cao ốc vẫn được xây dựng lên đến tầng 42.
Thế nhưng nhận xét này cũng thiếu thuyết phục, bởi rằng một sai lầm của của cơ quan công quyền không thể được sửa bằng một sai lầm khác. Bởi rằng, hiệu lực của những văn bản giấy trắng mực đen, con dấu mang hình quốc huy đỏ chót trước đây của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được hủy bỏ. Bởi rằng, khả năng chấp hành của dân chúng và lòng tin của các nhà đầu tư vào cơ quan công quyền ở Khánh Hòa không thể và không bao giờ nằm trong cụm từ “tiền hậu bất nhất”.
Hiện có hai khả năng xảy ra. Một là, yêu cầu dự án Mường Thanh Khánh Hòa “cắt ngọn” về đúng 40 tầng. Muốn như vậy, các văn bản trước đây của UBND tỉnh liên quan vấn đề này phải được hủy bỏ. Khi ấy, uy lực con dấu quốc huy của tỉnh sẽ bị trả một giá khủng khiếp. Đó là với riêng về ý nghĩa chính trị. Chưa kể đến những hậu quả kinh tế-xã hội phát sinh không hề nhỏ và rất phức tạp sẽ phải giải quyết.
Hai là, xin Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch, chấp nhận “lỗi” trong quản lý đô thị và xử lý thích đáng những người liên quan đến sai lầm đó.
Nghe nói Khánh Hòa đang theo hướng cùng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung cho TP.Nha Trang, gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ xem xét. Theo đó, Nha Trang sẽ có 13 khu vực được điều chỉnh, trong đó 8 khu vực đề xuất tăng độ cao công trình.
Cho dù hướng xử lý như thế nào thì sự việc trên đây cũng để lại cho Khánh Hòa một bài học quý giá.