Ông Lê Viết Hải nói về chiến lược xuất khẩu tổng thầu xây dựng

Ông Lê Viết Hải nói về chiến lược xuất khẩu tổng thầu xây dựng

Thứ Sáu, 27/12/2019 - 13:00

Hơn 30 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc mang tính đột phá. Sự phát triển thần kỳ đó đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác.

Sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá với hậu quả nặng nề, công cuộc tái thiết đã không được thuận lợi trong thời kỳ bao cấp với nhiều sự bất cập khiến nền kinh tế nước ta đã kiệt quệ, lại càng trì trệ và khó khăn hơn. Nhưng, chính trong điều kiện vô cùng bất lợi đó đã tạo nên một cơ hội chưa từng có. Đó là sự bùng nổ của ngành xây dựng Việt Nam khi đất nước bước sang thời kỳ “Đổi Mới”. Bù đắp cho sự thiếu hụt trầm trọng các công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng trong thời gian quá dài lên đến 40 năm là hàng ngàn dự án hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt bởi rất nhiều nhà thầu quốc tế mà đối tác là những nhà thầu nội.

Ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói riêng qua đó đã được học hỏi từ những chuyên gia, những nhà thầu hàng đầu trên thế giới đến từ các châu lục bao gồm cả Á, Âu, Mỹ, Úc. Đó quả thật là một cơ hội vô cùng quý giá mà không tìm thấy ở những quốc gia khác. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh và nay các công ty xây dựng Việt Nam đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao. Ngành xây dựng trong một thời gian ngắn đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội.

Thành lập đúng vào thời kỳ “Đổi Mới”, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã hình thành một đội ngũ nhân lực hùng hậu không chỉ làm chủ công nghệ mà còn đưa ra nhiều cải tiến xuất sắc, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác điều hành doanh nghiệp và quản lý dự án để tạo nên một sự bứt phá ngoạn mục. So với các nhà thầu quốc tế, Hòa Bình không chỉ cạnh tranh về giá mà còn có sự vượt trội về chất lượng, tiến độ và đặc biệt về an toàn. Năm 2018 vừa qua và tính đến thời điểm này của năm 2019, Hòa Bình đã đạt được một kỳ tích đó là hơn 150 triệu giờ lao động không tai nạn trên hàng trăm công trường.

Trong xu hướng toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, các nhà thầu xây dựng Việt Nam quyết tâm đem hết nỗ lực cùng Chính phủ phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài, một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với thị trường trong nước. Chúng tôi tin rằng thúc đẩy phát triển thị trường này, ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn để từ đó đóng góp hiệu quả đưa Việt Nam lên một tầm cao mới.

Phát triển công nghiệp xây dựng ra nước ngoài nhất định các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ có liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế xây dựng, đầu tư địa ốc, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển… sẽ phát triển mở rộng thị trường hơn thông qua xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng. Dịch vụ tổng thầu xây dựng ngược lại sẽ nâng được lợi thế cạnh tranh khi các chuỗi cung ứng phát triển tạo nên một sự gắn kết và cộng hưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng và các chuỗi cung ứng.

Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng, đảm bảo Việt Nam luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp chúng ta luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa. Vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua, những dự án quy mô lớn đòi hỏi kỹ - mỹ thuật cao như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... vài năm trước đây là thị trường của nhà thầu ngoại. Nếu bây giờ doanh nghiệp xây dựng không tích cực và chủ động ra ngoài học hỏi để luôn có sự tiến bộ kịp với thế giới thì tình trạng “Dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể sẽ lặp lại trong tương lai.

Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng khi thị trường trong nước có biến động hoặc bão hoà.

Theo Học viện Cán bộ và Quản lý thuộc Bộ Xây dựng thì tính trên đầu người, nhân lực trong ngành xây dựng của Việt Nam là cao nhất trên thế giới. Riêng số lượng kỹ sư, chuyên gia cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các nước phát triển khác. Đó là một lợi thế nếu chúng ta chú ý khai thác và là rủi ro nếu chúng ta chậm trễ trong kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn này về lâu dài. 

Hiện nay lực lượng lao động trong ngành du lịch chỉ có 3 triệu người nhưng du lịch được xem như là một ngành kinh tế mũi nhọn của Quốc gia và đã có quy hoạch tổng thể để phát triển mạnh mẽ trong khi xây dựng có đến 4 triệu 200 ngàn lao động nhưng chỉ được xem như là một ngành kinh tế hỗ trợ.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này, chúng tôi sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ kêu gọi các chuỗi cung ứng nhanh chóng đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước khi giai đoạn dân số vàng qua đi (dự báo vào khoảng năm 2030). Như vậy là chỉ có 10 năm cho sự bứt phá này. Đây quả là một thử thách rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm và hợp lực của tất cả.

Tôi xin nhấn mạnh mục tiêu của chúng ta là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0.

Chúng tôi kiến nghị 7 giải pháp để Chính phủ nghiên cứu và sớm ban hành quy định về một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp xây dựng phát triển ra thị trường quốc tế. Những giải pháp đó bao gồm: Khuyến khích/ Hỗ trợ Thông tin/ Hỗ trợ Tài chính và Kết nối.

Rất mong Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành liên quan có đánh giá vị trí hết sức chiến lược của ngành xây dựng, xem xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn trong công cuộc chấn hưng nền kinh tế quốc gia.

Thứ nhất, đối với những dự án quy mô lớn (như dự án đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam, dự án tàu điện ngầm thủ đô Hà Nội và TP.HCM, dự án sân bay quốc tế Long Thành...), chúng tôi đề xuất nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn. Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu là 35% và hình thức liên danh là bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính - thầu phụ.

Lợi ích đạt được là Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn, công trình không bị lãng phí khi chưa đủ điều kiện khai thác hết công suất của dự án trong khi đó chúng ta có cơ hội cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng cho các giai đoạn dự án về sau.

Quan trọng nhất là doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội học hỏi để có thể làm chủ công nghệ ngay sau khi được cùng quản lý điều phối dự án với nhà thầu nước ngoài ở gói thầu đầu tiên. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại mà không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả nhiều khi lên đến gấp đôi gấp ba.

Ông Lê Viết Hải phát biểu tại Chương trình Kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam - Giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp ba miền ngày 26/12 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ

Thứ hai, giao cho VCCI hoặc một cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (các tòa đại sứ, tổng lãnh sự, các tham tán kinh tế, tham tán thương mại, đại diện các tổ chức phi chính phủ...) để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi, qua đó cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này.

Thứ ba, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. 

Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam. Song song đó, chương trình đào tạo của chúng ta cần đảm bảo phù hợp với chuẩn quốc tế. Một điều khoản nên quan tâm nữa đó là doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự...

Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Song song đó khuyến khích thành lập hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhau.

Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức như cho doanh nghiệp xây dựng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi cho ngành xây dựng như các ngành công nghệ cao khác.

Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn quy trình cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để mở rộng ứng dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ của chúng ta, đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu dài, bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.

Thứ sáu, có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục công tác chuyên môn. Như vậy, chắc chắn nguồn lực chuyên môn sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên khi chúng ta hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng, xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam và truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành xây dựng cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Không chỉ những người chủ doanh nghiệp các ngành sản xuất công nghiệp mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu. Thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mỗi công ty xây dựng./.

Lê Viết Hải

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam

Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top