Aa

Ông lớn BIDV đang mang những “khối u” trong người?

Thứ Tư, 13/06/2018 - 21:59

Đáng lẽ ra BIDV vốn là một “chàng trai to cao khỏe mạnh”, so với tương quan các ngân hàng trong hệ thống. Nhưng tại thời điểm này, nhận định đó có lẽ không còn đúng. Vì nợ xấu, vì dịch vụ bị khách hàng phàn nàn, vì uy tín ngành ngân hàng giảm sút, hay lỗi hệ thống quản trị,…?

Giá cổ phiếu BIDV trượt giảm nhất trong đợt thị trường đi xuống vừa qua. Từ mức trên 4 chấm xuống còn trên 2 chấm. Giảm khoảng 40%, gấp đôi mức giảm của VnIndex. Kết quả kinh doanh của BIDV vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí nếu không trích lập dự phòng lớn thì mức lợi nhuận quý I/2018 của ngân hàng này cao hơn hẳn các ngân hàng trong hệ thống Big 4. Tuy nhiên, BIDV còn nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự và hệ thống quản trị. Theo đó tuy "to kềnh to càng" nhưng sức khỏe của ngân hàng này vẫn là điều cần quan tâm, thể hiện qua khối nợ xấu khổng lồ. 

BIDV dẫn đầu nợ xấu trong nhóm Big 4?

Nhóm Big 4 có 3 ngân hàng đã niêm yết là Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Trong đó, BIDV có mức lợi nhuận nổi bật nhất, nhưng do phải trích lập dự phòng nên mức lợi nhuận thấp hơn nhiều so với Vietcombank và Vietinbank.

Kết thúc quý I/2018, Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 4.359 tỷ đồng, tăng 59,3% cùng kỳ. EPS đạt kết 974 đồng/cổ phiếu, so với mức 613 đồng/cổ phiếu trong quý I/2017.

Nhờ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 16,7% (lên 5.379 tỷ đồng) nên kết thúc quý I/2018, VietinBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Trong quý đầu năm, BIDV ghi nhận tới 8.498 tỷ đồng lợi nhuận, tăng mạnh 84% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, chi phí dự phòng lên đến 6.013 tỷ đồng (gấp 2,6 lần quý I/2017) khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của BIDV chỉ tăng 9,1%, lên 2.485 tỷ đồng.

Nợ xấu trong nhóm 3 ngân hàng trên đều tăng so với cuối năm 2017. Mức nợ xấu đến cuối quý I/2018 của BIDV vẫn cao hơn hẳn.

Tại thời điểm 31/3/2018, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên mức 1,37%/tổng dư nợ, so với mức 1,14% hồi đầu năm.Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đến cuối tháng 3 ở m ức 1,25%/tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng so với mức đầu năm là 1,14%.

Tính đến hết ngày 31/3/2018, tổng tài sản của BIDV đạt 1.226.942 tỷ đồng, tăng 2,1% so với hồi đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 878.752 tỷ đồng, tăng 1,4%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,62%. Đặc biệt, trong khối nợ của BIDV có những con nợ lớn với khả năng trả nợ còn chưa rõ ràng như CTCP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (mã TH1), HAG hay Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS)

Hệ thống quản trị của BIDV khiến ngân hàng này thiếu một nội lực để tăng trưởng và xóa món nợ xấu khổng lồ

Nhân sự BIDV đang có vấn đề?

Nhiều chuyên gia tài chính tất cả trong số họ đều lo lắng về vấn đề nhân sự tại BIDV bởi họ cho rằng, nhân sự mới là chìa khóa giải quyền nhiều vấn đề còn tồn đọng tại ngân hàng này.

BIDV ngày hôm nay chính là sản phẩm đậm chất ông Trần Bắc Hà. Tính đến ngày về hưu, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của BIDV. Ông Hà cũng từng được coi là “linh hồn” của BIDV trong suốt thời gian dài và ghi dấu ấn là người khởi tạo Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản BIDV…

Tuy nhiên, thời kỳ cầm “bánh lái” con thuyền BIDV của ông Hà cũng gây ra nhiều tỳ vết. Ngoài nổi tiếng là người nóng tính, điều hành ngân hàng theo phong cách “chuyên quyền, độc đoán”, cựu lãnh đạo này cũng góp phần trong điều hành đẩy nợ xấu BIDV tăng vọt.

Sẽ là không nói quá nếu cho rằng, ông Bắc Hà cũng tạo ra một thế hệ nhân sự “tụt lùi” và thụ động. Ví dụ ngay cả việc theo chân ông Bắc Hà bị kỷ luật cũng có những “con bài đi theo” như ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc BIDV. Hai nhân sự này cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Hai nhân sự đó chỉ là đại diện cho hàng trăm nhân sự khác bị bị ảnh hưởng, ít nhất là tư tưởng hoạt động trong lĩnh vực tài chính và duy trì tư duy đó trong khi làm việc tại BIDV.

Không chỉ vậy, mới đây, Reatimes cũng đã phản ánh về việc tranh chấp giữa ngân hàng và người dân vay nợ ngân hàng tại TP.HCM. Sự việc tuy chưa ngã ngũ, nhưng được biết cán bộ ngân hàng đã có cách ứng xử như “dân chợ búa”, khác cách làm việc của một ngân hàng lớn như BIDV.

Theo Đơn kêu cứu của ông Trần Trường Sơn (SN 1968, tạm trú tại số 12 đường Nam Thông D2 (khu Nam Thông 2-S19), khu phố 6, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM), cho biết, ông Sơn đang là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà 3 tầng ở số 77 Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận, quận 7, TP.HCM (diện tích xây dựng là 99,65m2, tổng diện tích sử dụng là 224,01m2). Căn nhà này ông Sơn đã cho bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1986) thuê để kinh doanh nhà trẻ từ năm 2014 đến nay (có giấy tờ công chứng).

Trước đó, căn nhà này ông Sơn đã thế chấp cho Ngân hàng BIDV chi nhánh TP.HCM (137 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM) để bảo lãnh cho một công ty vay vốn kinh doanh.

Hiện nay, do công ty không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đã phát mãi tài sản. Ông Sơn và công ty trên được bảo lãnh vay hoàn toàn đồng ý về trách nhiệm trả nợ. Sau thời gian thương lượng khoanh nợ không thành công, ngân hàng BIDV chi nhánh TP.HCM đã tự ý phát mãi tài sản mà chưa thỏa thuận với chủ sở hữu căn nhà về giá khởi điểm. Theo ông Sơn, BIDV đã định giá căn nhà chỉ bằng một nửa giá thị trường nên không đồng ý .Tuy nhiên, có một đối tượng tự xưng là chủ nhà đã đưa côn đồ đến đe dọa và khủng bố tinh thần cho những người sinh sống và làm việc, học tập tại căn nhà trên.

BIDV "mắc cạn" trong kiểm định năng lực chủ đầu tư bất động sản

Hồi cuối tháng 4, ngân hàng BIDV tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 có gần 100 vị khách đặc biệt không được mời cũng đến bên ngoài cuộc họp. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trước vài giờ thời điểm đại hội diễn ra, vài chục người dân đã có mặt trước địa chỉ số 773 Hồng Hà để căng băng rôn với các nội dung: "BIDV phải có trách nhiệm đến khi người dân nghèo nhận được NƠXH", "BIDV Tây Hà Nội không vì lợi ích khách hàng mua nhà ở xã hội Bright City", "AZ Thăng Long lừa đảo nhà ở xã hội Bright City"…

Theo tìm hiểu, sự việc xuất phát từ nguyên nhân nhiều cư dân mua nhà ở xã hội tại dự án Bright City đã nộp hơn 70% giá trị căn hộ song đến thời điểm bàn giao nhà (cuối năm 2017), chủ đầu tư đã không thể bàn giao như cam kết và tuyên bố thanh lý hợp đồng vì không còn kinh phí để xây tiếp. Chủ đầu tư của dự án Bright City (tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long) là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và đơn vị cho vay tại dự án này (theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dự án nhà ở xã hội của Chính phủ) là ngân hàng BIDV Tây Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên giới chuyên gia tài chính cho rằng, BIDV nếu nhìn sâu vào bản chất cũng giống như một khối thiếu sinh lực để vận động như một cơ thể sống. Chỉ khi BIDV có một luồng sinh khí mới đủ mạnh mới có thể thay đổi thực tế này bằng một hệ quản trị chuyên nghiệp.

Reatimes sẽ tiếp tục cập nhật thêm những dự án vay vốn của BIDV đang đắp chiếu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top