Aa

Từ sai phạm của ông Trần Bắc Hà, soi lại những "khối nợ thân quen" của BIDV

Thứ Hai, 04/06/2018 - 00:00

Những ai hoạt động lâu năm trong giới tài chính có lẽ đều biết đến chuyện BIDV - dưới thời ông Trần Bắc Hà - “bảo kê” cho Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức. Chính những mối quan hệ mật thiết tương tự như vậy đã tạo ra khối nợ nguy hiểm cho cả hai bên: Ngân hàng và doanh nghiệp.

Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp - bên vay và bên cho vay là ngân hàng đôi khi có sự đảo chiều kỳ lạ. Nếu cho doanh nghiệp vay ít, ngân hàng còn có uy quyền; nhưng nếu ngân hàng lỡ cho doanh nghiệp vay nhiều, chính ngân hàng lại là “kẻ phụ thuộc”. Doanh nghiệp có chỗ dựa là kho tiền lớn, dễ xảy ra chuyện vung tiền quá trán, đầu tư bừa bãi, dẫn đến thua lỗ, không có khả năng trả nợ, lúc ấy khối nợ tại ngân hàng trở thành nợ xấu. Ngân hàng mất cân đối tài chính. Nhưng ngược lại, khi lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm về khối nợ đó, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp – cụ thể là người lãnh đạo có thể bị đổ bể!

Hiện tại khoản nợ đáng quan tâm của BIDV rất cao, trong đó tập trung tại một số “con nợ” lớn. Đó là lý do BIDV đang khá cẩn trọng. Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ tăng 8,5% và chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn 70% lợi nhuận trước trích lập.

Lợi nhuận trước trích lập dự phòng của BIDV do đó tăng 84% cùng kỳ lên gần 8.500 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.485 tỷ đồng, chỉ cao hơn 5,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn số dự báo ban đầu tại đại hội cổ đông trước đó của BIDV khoảng hơn 200 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí trích lập dự phòng cùng chi phí thuế, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ BIDV đạt 1.978 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính vừa công bố của BIDV là chỉ trong quý I, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 2,56 lần cùng kỳ, đạt 6.013 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại giảm còn xấp xỉ 2.780 tỷ đồng, giảm khoảng 14,7%. Phần giảm này là cắt bớt chi phí lương và phụ cấp nhân viên.

Khoản nợ xấu từ mối quan hệ thân thiết còn om từ thời ông Trần Bắc Hà

Trong 35 năm làm việc tại BIDV, ông Trần Bắc Hà giữ vị trí chủ tịch HĐQT gần 9 năm. Trước đó, ông có thời gian dài gắn bó với BIDV từ lãnh đạo chi nhánh lên đến Tổng giám đốc. Ông Hà đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của BIDV, trở thành một trong 4 ngân hàng mạnh của hệ thống. Tuy nhiên, ông Hà cũng góp phần đẩy nợ xấu tăng vọt. Theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào tháng 8 năm 2016, 11 ngân hàng “ôm” hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%. Tính đến cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 1,62%.

Cơ cấu nhóm nợ của BIDV tính đến quý I/2018

Nhắc đến các món nợ của BIDV trong khoảng thời gian ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT, phải kể đến khoản dư nợ của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức – Bầu Đức. Thời đó, những ai thạo tin trong giới tài chính có lẽ đều biết đến chuyện BIDV – dưới thời ông Trần Bắc Hà “bảo kê” cho Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức. Thậm chí mối quan hệ còn khiến một số người tiết lộ rằng,” HAG chỉ đổ vỡ khi BIDV chết, và ngược lại”. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình làm ăn sa sút của HAG khiến cho khối nợ của doanh nghiệp này tại BIDV cũng nóng hơn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày 31/12/2015, HAGL có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số dư vay nợ 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

Khoản nợ này đã được chính vị Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà thừa nhận là chậm trả lãi, nhưng ông Hà vẫn cho rằng, việc BIDV cho HAGL vay là có tài sản đảm bảo, với hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt 1,8 lần với giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18.000 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính mới nhất, tính đến hết quý I/2018, trong cơ cấu nợ của HAG, BIDV là ngân hàng cho vay nợ nhiều nhất cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, HAG vay ngắn hạn ngân hàng, BIDV là 393,3 tỷ đồng, vay trái phiếu là 5.876 tỷ đồng với ngày đáo hạn là 30/12/2026. Và vay dài hạn là 2.963 tỷ đồng. Tại HAG, nhóm nợ có thể được chuyển đổi, tuy nhiên đối với BIDV, khoản nợ của HAG thực chất vẫn đáng lo ngại.

Bên cạnh hàng loạt thông tin lùm xùm về sức khỏe tài chính của HAG, mới đây, Sở GDCK TP.HCM thông báo đưa cổ phiếu HAG vào diện cảnh báo từ ngày 7/5/2018. Lý do là công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, cổ phiếu thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.

Được biết, trên báo cáo hợp nhất của HAGL, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền 4.023 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho Tập đoàn.

Ngoài ra, dưới thời ông Trần Bắc Hà còn làm lãnh đạo, BIDV còn mắc khối nợ tại Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS). Tính đến ngày 31/3/2015, CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico vay nợ tổng cộng 1.398 tỷ đồng, chiếm 75,34% nguồn vốn của công ty. Đáng chú ý, riêng khoản vay từ BIDV đã xấp xỉ 987 tỷ đồng.

Sau thông tin lãnh đạo KSS bị khởi tố để thực hiện điều tra liên quan đến vấn đề khai thác vàng trái phép ở Pác Lạng, tỉnh Bắc Kạn, giá cổ phiếu KSS liên tục giảm khiến các cổ đông của công ty này không khỏi lo lắng. Nỗi lo này có lẽ không chỉ của riêng các cổ đông mà còn chủ nợ đang cho công ty này vay mượn với tổng trị giá khoản vay hơn nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn lúc đó của KSS có tới hơn 75% là từ nguồn đi vay. 

Hay như tại Báo cáo tài chính CTCP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (mã TH1) hồi cuối năm 2017 cho thấy TH1 lỗ liên miên vượt vốn điều lệ cả trăm tỷ đồng. Trong khi, Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017 cho thấy, TH1 đang vay nợ tại 6 ngân hàng. Trong đó, riêng khoản nợ của TH1 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) là 48 tỷ đồng. Tài sản thế chấp có Dự án khu dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại 130 Nguyễn Đức Cảnh – Hà Nội. Khoản vay này đã hết hạn từ tháng 9/2015. Với tính hình tài chính của TH1, khả năng thanh toán ngân hàng cũng là câu chuyện đáng bàn. 

BIDV thời ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch còn vướng vào thương vụ liên quan đến đại án Phạm Công Danh.

Cụ thể, từ 12 hồ sơ khống do Phạm Công Danh lập, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được chuyển qua các cá nhân thân cận của Phạm Công Danh để góp tăng vốn điều lệ cho VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Sau đó, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà thời điểm đó là chủ tịch HĐQT, trưởng phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh của BIDV cho vay. Các khoản vay này hồ sơ tín dụng “ẩu” cũng xuất phát từ mối quan hệ thân thiết giữa hai lãnh đạo ngân hàng.

Dễ nhận thấy, trong khối nợ xấu khổng lồ của BIDV thời ông Trần Bắc Hà có rất nhiều con nợ lớn đang có kết quả kinh doanh không mấy khả quan hoặc thua lỗ. Nhiều hợp đồng tín dụng được thực hiện nhờ mối quan hệ thân thiết với vị lãnh đạo ngân hàng này. Do đó, khi ông Hà bị kỷ luật liên quan đến các khoản nợ xấu và khi mối quan hệ bị phanh phui, các con nợ kia có thể liên lụy?

Tại Thông cáo báo chí kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi chiều 2/6, nội dung về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có đoạn: “Đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng”. Từ đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng và phải kỷ luật. 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top