Aa

"Ông nghị nói ngược" Nguyễn Đức Kiên: Đã khi nào ông thấy mình sai?

Thứ Năm, 07/12/2017 - 06:00

Lời nói thẳng thường khó nghe, giữ được cái đầu tỉnh táo trước áp lực của dư luận để đưa ra những kiến nghị mang tính khoa học là thử thách lớn của "ông nghị nói ngược" thời facebook lên ngôi.

"BOT không ảnh hưởng tới người nghèo", "BOT có sai sót nhưng không tù mù", "Tôi không bênh BOT mà tôi bênh cái phải"... đó có thể là những câu nói được 'viral' mạnh nhất năm 2017.

Một phần vì sự kiện BOT và những lùm xùm nối tiếp triền miên của các dự án BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao) từ Bắc chí Nam năm qua, 'BOT' cũng đã trở thành câu cửa miệng của người dân mỗi khi có dịp ngồi luận bàn về các vấn đề kinh tế nóng hổi trong ngày.

Một phần vì người phát ngôn là chính khách, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

Và hơn hết là những câu nói trên như 'mũi tên' đâm thẳng vào làn sóng phản đối BOT của dư luận, người ta bắt đầu chĩa 'mũi rìu' vào vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội vì 'dám' phát ngôn không hợp lòng dân.

TS Nguyễn Đức Kiên được biết đến với nhiều phát ngôn trái chiều dư luận. Ảnh: HM

TS Nguyễn Đức Kiên được biết đến với nhiều phát ngôn trái chiều dư luận. Ảnh: HM

Nhìn lại một năm đầy sóng gió của các dự án BOT trên khắp cả nước cũng là một năm đầy cảm xúc đối với vị đại biểu Quốc hội chuyên trách như TS. Nguyễn Đức Kiên.

Lần này được hẹn gặp lại ông nghị Kiên (cánh nhà báo chúng tôi thường dùng danh xưng 'chú Kiên Quốc hội') vào một ngày mà điểm nóng BOT Cai Lậy đang bùng phát ở tỉnh Tiền Giang nhưng sức nóng cũng đủ toả nhiệt ra tận Thủ đô Hà Nội, tôi kỳ vọng nhận được một lời giải thích thoả đáng, một góc nhìn kinh tế tỉnh táo về sự kiện BOT Cai Lậy thời gian qua.

TS. Nguyễn Đức Kiên vẫn giữ lối đón tiếp cũ, chu đáo dặn trước anh lính gác cổng và đội an ninh, niềm nở pha trà và hỏi câu quen thuộc: "Nhà báo dạo này sao rồi?".

Vẫn căn phòng rộng chừng hơn chục mét vuông, bàn làm việc vẫn ngổn ngang giấy tờ sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông bảo: "Công tác dọn mặt bằng còn chưa kịp triển khai đấy, chú phải đi họp từ sáng tời giờ, tiếp cháu xong còn đi họp tiếp với Thủ tướng về BOT Cai Lậy".

Ngoài từng tập tài liệu còn xếp chồng lên nhau, ông vẫn giữ vị trí đẹp nhất cho bức ảnh gia đình gồm vợ chồng ông và hai cô con gái thời nhỏ.

Còn nhớ lần đầu được gặp trực tiếp TS. Nguyễn Đức Kiên, tôi khá bất ngờ khi thấy ông chú tóc bạc trắng chạy chiếc xe đạp cà tàng, mặc quần ngố ống rộng và đi đôi tông Lào, hẹn gặp ở một quán cafe nhỏ đầy cây xanh, nép mình giữa phố cổ Lý Thường Kiệt. Khi câu chuyện xoay quanh về vấn đề kinh tế Nhà nước - kinh tế tư nhân, ông không chỉ trả lời theo đúng trách nhiệm của người được phỏng vấn, như phiên chất vấn trên nghị trường Quốc hội mà còn đưa ra những ví dụ cụ thể, phân tích gãy gọn, súc tích. "Trước hết báo chí phải hiểu được bản chất vấn đề, đừng để dư luận định hướng mà mình phải tôn trọng sự thật, có tốt thì nói tốt, xấu thì nói xấu".

Cũng vẫn giữ quan điểm đó, ông cho biết: "Sự việc BOT Cai Lậy hiện nay đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư, của báo chí, vấn đề lúc này là cơ quan Nhà nước phải làm hết trách nhiệm của mình. Phía cơ quan quản lý Nhà nước bao gồm bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang phải đứng lên giải thích cho người dân; Đoàn ĐBQH, Tỉnh uỷ, UBND, HĐND cũng phải giải thích "có phải các ông xin bộ GTVT, Chính phủ làm tuyến tránh thị xã (nay là thị trấn) Cai Lậy đó hay không?".

"Chúng ta cũng phải nói rõ, việc có tuyến tránh Cai Lậy đã giúp ích cho người dân những gì? Cai Lậy đã được chuyển từ thị trấn lên thị xã, cơ hội lên đô thị loại II là hiện hữu, vậy giá đất tăng lên bao nhiêu, mọi người đều hưởng lợi sao không nói đến? Dư luận đang nhìn vấn đề phiến diện, quá tiêu cực. Một ông mất rìu mà nghi cho ông hàng xóm thì đến cả dáng đi của ông ấy cũng như thằng ăn trộm, sau đó mới phát hiện ra cây rìu ở trong đống rơm nhà mình thì lại thấy ông hàng xóm đi đứng khoan thai bình thường" - TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Như câu chuyện của Nhà giáo, PGS.TS Bùi Hiền, "Có bao nhiêu người chịu đọc hết những phân tích mà Nhà giáo đưa ra? Sao chỉ nhìn đoạn cuối mà không nhìn đoạn đầu là phân tích những bất cập, bất hợp lý của Tiếng Việt hiện tại trong việc giảng dạy ngôn ngữ cho người nước ngoài?".

Nói về vấn đề này, ông Kiên lấy dẫn chứng chữ "rồi" bị phát âm thành ba phiên âm khác nhau ở ba miền khác nhau: Miền Nam là "gồi", miền Trung là "rồi" còn một số địa phương miền Bắc đọc là "dồi".

Ông nói: "Khi đã phát hiện ra vấn đề thì cả nước chung tay để đưa ra kiến nghị, giải pháp, hơn là lên mạng, lên báo 'ném đá' PGS.TS Bùi Hiền".

- Tại sao ông "thích" đi ngược lại dư luận như vậy, đã lúc nào đó "ông nghị nói ngược" nghĩ lại và thấy mình sai hay chưa?

TS. Nguyễn Đức Kiên chậm lại một vài giây rồi hạ giọng:

- Bây giờ nói đúng - sai thì chắc là rất khó, vì một sự kiện phải có nhiều góc nhìn đa chiều. Ngay cả một cốc nước chú đang uống đây, người tiêu cực thì bảo "chỉ còn một nửa thôi uống tạm", người sống tích cực hơn thì bảo "may quá có nước mà uống". Nhất là dư luận, họ thiên về cảm xúc nhiều hơn nên phán đoán và đánh giá cũng thiên về cảm xúc hơn. Nhưng vẫn luôn cần một cái nhìn toàn diện, vừa tôn trọng người khác, vừa giúp xã hội phát triển lên.

- Không biết một ông nghị từng bị dư luận ném đá - như bất kỳ một nạn nhân của mạng xã hội thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Kiên cảm thấy như thế nào, có thấy phiền không?

Nếu phiền thì tôi đã không nói, vì trước khi phát ngôn mình phải chấp nhận là đại biểu của dân thì buộc phải nói những ý kiến có ích cho xã hội. Tại một thời điểm nhất định, dư luận còn đang theo phong trào thì phải có những người dám đứng lên giải thích cho họ biết. Báo chí cũng cần có trách nhiệm kiểm chứng thông tin tôn trọng sự thật và hạn chế hết mức việc đưa cảm xúc cá nhân vào bài viết, không để dư luận định hướng.

Trong một xã hội dân sự, xã hội phẳng thì mình phải chấp nhận những ý kiến tranh luận, nhưng việc tranh luận phải khoa học và không xúc phạm, miệt thị cá nhân. Đồng thời, mình cũng không lấy những ý kiến trên mạng xã hội làm áp lực đối với người hoạch định chính sách.

Nhìn lại sự việc BOT Cai Lậy, tôi khẳng định có những điều người dân phản ánh là đúng, nếu giải thích tốt thì người dân mới tin tưởng và hiểu được. Bài toán kinh tế đặt ra ở đây là nhà đầu tư bỏ ra 1 đồng tiền vốn họ phải thu lại được lợi nhuận chứ không phải một tổ chức phi lợi nhuận, hy sinh lợi ích của họ để tạo lợi ích cho xã hội.

Buổi nói chuyện bị ngắt quãng khi có hàng chục người phải gặp ông nghị để giải quyết công việc giấy tờ và đến giờ họp Thường trực Chính phủ về BOT Cai Lậy. Chúng tôi ra về khi trong đầu còn ngổn ngang nhiều câu hỏi về nền kinh tế, về phát triển kinh tế tư nhân, về tiềm năng gọi vốn đầu tư BOT thời gian tới... Câu hỏi cứ chất đống như hàng tập tài liệu trên bàn làm việc của ông vậy.

Hẹn gặp ông vào một dịp khác, với những lời nói thẳng, mà không sợ 'quần chúng ném đá' như năm qua. Hy vọng không phải là một trạm BOT nào khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top