Aa

Ông Nguyễn Đức Chung có đập bỏ tòa nhà 8B Lê Trực được không?

Thứ Tư, 03/07/2019 - 21:00

Ông Nguyễn Đức Chung muốn đập bỏ tòa nhà này thì trước hết phải “đập” bỏ những hàng rào pháp lý mà những người tiền nhiệm của ông tạo ra để bảo vệ nó. Khó ra phết đấy!

Là một trong những công dân của Hà Nội nên thời gian gần đây, tôi cứ ám ảnh mãi câu trả lời cử tri về việc xử lý vi phạm ở cao ốc 8B Lê Trực suốt 4 năm không xong của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một. Quá trình xử lý sai phạm cho thấy chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn”.

Thực ra, ông Chủ tịch đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này trong nhiệm kỳ của mình, nhưng đến lần này ông mới “Nói thật...”. Điều này không có nghĩa là những lần trước ông nói không thật mà có lẽ chỉ mới nêu ra một nửa sự thật.

Tiếp nữa, cho dù là đã nói thật, nhưng cũng chưa thật hẳn vì ông còn giả định rằng “để đảm bảo kỷ cương phép nước”. Có nghĩa là hơn 4 năm qua với sự tồn tại của tòa nhà này, kỷ cương phép nước dưới nhiệm kỳ của ông đã không được đảm bảo. Là một công dân của Thủ đô, sau khi nghe người đứng đầu cơ quan hành pháp của thành phố nói ra như vậy, làm sao mà tôi không ám ảnh?

Rồi một thông tin đáng buồn nữa là cả một bộ máy chính quyền khổng lồ bậc nhất cả nước mà lại chịu bó tay trước một chủ đầu tư tòa nhà “rất cùn”. Nghe nó vừa vô lý lại vừa thấy lo lắng cho chính ông.

Nhưng thôi, trọng tâm của bài viết này không phải đi “bẻ chữ bẻ nghĩa” trong một câu nói của vị Chủ tịch thành phố, mà điều quan trọng là ở chỗ, ông Nguyễn Đức Chung liệu có đập được cả tòa nhà 8B Lê Trực không?

Cách đây ít lâu, tôi có viết một bài về vụ việc này trên Reatimes có tựa đề “Nên “hội chẩn” cho Tòa nhà 8B Lê Trực!". Tại đây, nhiều bằng chứng đã cho thấy rằng, Hà Nội muốn “giữ kỷ cương phép nước” thì trước hết phải giữ ngay trong nội bộ những nhà Lãnh đạo thành phố, kể cả những khóa trước.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty May Lê Trực có một điểm tựa pháp lý khá vững chắc, đó là dựa vào Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký, “về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội”. Theo đó, chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).

Theo luật định, đây là văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.

Có nghĩa là, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.

Thế mà chỉ sau đó ít lâu, “bỗng nhiên” Sở Xây dựng Hà Nội ban hành một Giấy phép xây dựng, mà trong đó quy định (trong văn bản này không thể hiện bất cứ một căn cứ nào) rằng, Tòa nhà 8B Lê Trực phải điều chỉnh công trình này xuống 18 tầng, chiều cao công trình 53m(!?). Vấn đề cần quan tâm ở đây là, tại sao một văn bản có tính hành chính lại có thể phủ nhận một văn bản có tính quy phạm pháp luật?

Và vì thế, Tòa nhà vẫn “hồn nhiên” xây lên 20 tầng.

Nay, có chỉ đạo từ cấp trên, dự án phải thực hiện theo Giấy phép xây dựng kia!

Đã gần 5 năm trôi qua, sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Đã gần 5 năm trôi qua, sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Tiếp theo, ta hãy thử phân tích.

Để tồn tại vụ việc này qua nhiều năm như thế, sự tai hại đầu tiên là sự ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bộ máy nhà nước nói chung và của UBND TP. Hà Nội nói riêng. Một câu hỏi được đặt ra, cho đến nay, Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký ngày 5/12/2008 kia có còn hiệu lực không, và nếu không còn thì hiệu lực của nó bị bãi bỏ bằng văn bản nào, vào thời gian nào?

Tôi nghĩ, ông Nguyễn Đức Chung sẽ rất khó xử lý bài toán này!

Chưa hết, Hà Nội cũng cần làm rõ giá trị pháp lý của Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho Tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014. Bởi lẽ văn bản này không chỉ phủ nhận một văn bản quy phạm pháp luật cấp thành phố là Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, mà còn bất chấp một văn bản quy phạm pháp luật, đó là các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế".

Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.

Về GPXD này, thông tin từ Công ty May Lê Trực cho hay, công trình được cấp phép là chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m: 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m. 

Thật là may, chủ đầu tư đã không thực hiện theo cái “lệnh” vô lý này của Sở Xây dựng thành phố. Bởi nếu theo sẽ vi phạm các tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành.

Vì vậy, ông Nguyễn Đức Chung muốn “đập” bỏ tòa nhà này thì trước hết phải “đập” bỏ những hàng rào pháp lý mà những người tiền nhiệm của ông tạo ra để bảo vệ nó. Khó ra phết đấy!

Ta lại phân tích tiếp. Giả sử những bước nêu trên đã xử lý xong hết, chỉ còn một việc rất cơ học, đó là đập bỏ hoàn toàn tòa nhà.

Hình như việc này cũng không khó lắm. Hôm vừa rồi, ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), giới chức địa phương trong 15 giây đã dùng 1,1 tấn thuốc nổ kéo sập 2 tòa nhà 20 tầng chưa xây xong vì chúng đã vi phạm luật xây dựng. Trước vụ nổ, các công nhân khoan 7.263 hố trên 2 tòa nhà trước khi đưa thuốc nổ vào. Họ cũng đào các rãnh xung quanh nhằm tránh tác động tới các tòa nhà khác. Ngoài ra, chính quyền cũng mang 8 máy phun sương cỡ lớn ra đường nhằm làm giảm khói bụi mù mịt bốc ra từ công trình...

Ấy, trông người ta làm thì không khó nhưng với tòa nhà 8B Lê Trực của Hà Nội lại rất khó, vì nó nằm sát với khu vực phải bảo đảm an ninh và an toàn đặc biệt, đó là khu Nhà Quốc hội và lăng Bác Hồ. Ai dám ra lệnh đem cả tấn thuốc nổ bén mảng tới khu vực này? Ai dám cho phép khoan cả nghìn hố để đặt thuốc nổ dưới chân tòa nhà? Ai đứng ra bảo đảm rằng mọi an ninh, an toàn cho dân chúng và toàn khu vực sẽ được thực hiện?...

Thôi, đến đây tôi cũng không dám bàn tiếp mà chỉ xin hỏi lại một câu với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung rằng: Với hoàn cảnh như trên, ông có thể đập bỏ toàn bộ tòa nhà 8B Lê Trực được không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top