Aa

Ông Nguyễn Hữu Tín đã “dâng” hơn 4ha “đất vàng” quận 8 cho Công ty Vạn Thái như thế nào?

Thứ Hai, 26/11/2018 - 09:00

Không chỉ dính đến sai phạm trong quá trình xử lý khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1 TP.HCM của Sabeco khiến ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố, bắt giam, theo tìm hiểu của Reatimes, hơn 4ha “đất vàng” khác của thành phố ở quận 8 cũng đã được ông Tín “núp bóng dự án công ích” để “dâng” cho Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng – Kinh doanh nhà Vạn Thái.

“Núp bóng dự án công ích” để thu hồi đất

Theo tìm hiểu của phóng viên Reatimes, tháng 10/2015, đại diện UBND TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có Quyết định giao đất cho Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng – Kinh doanh nhà Vạn Thái (Công ty Vạn Thái - PV) để đầu tư xây dựng Khu phức hợp thuộc dự án Khu công viên văn hóa du lịch thể thao tại phường 4, quận 8.

Trong quyết định, UBND thành phố đồng ý giao cho Công ty Vạn Thái 40.018m2 đất tại phía Nam đường Tạ Quang Bửu (quận 8) để đầu tư xây dựng dự án thành phần Khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ thuộc dự án Khu Công viên văn hóa – du lịch – thể thao.

Trong tổng số hơn 40.000m2 "đất vàng” mà Công ty Vạn Thái được nhận thì có 8.560m2 diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng của các hộ dân, Công ty Vạn Thái có trách nhiệm thỏa thuận, đền bù thiệt hại phần nhà cửa, đất đai, hoa màu, cây ăn trái.. cho người dân. Số còn lại 31.457m2 đất công thuộc quyền quản lý và sử dụng của HTX Quyết Thắng và UBND phường 4 quận 8.

Phần đất được UBND TP.HCM giao cho Công ty Vạn Thái để làm dự án

Phần đất được UBND TP.HCM giao cho Công ty Vạn Thái để làm dự án

Trong văn bản giao đất cho Công ty Vạn Thái, UBND TP.HCM nêu rõ, tại dự án trên có 12.163m2 đất xây dựng chung cư; 1.811m2 đất xây dựng khách sạn - văn phòng; 1.110m2 đất để xây dựng trường tiểu học; 19.170m2 đất cây xanh và số còn lại 5.773m2 đất giao thông nội bộ.

Ngoài ra, Công ty Vạn Thái cần phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính. Đồng thời, có trách nhiệm đầu tư, xây dựng theo quy hoạch và bàn giao cho UBND quận 8 quản lý theo quy định. Riêng với đất xây dựng trường học, Công ty Vạn Thái phải có trách nhiệm liên hệ với UBND quận 8 và các Sở, ngành liên quan để thống nhất phương thức đầu tư, quản lý, sử dụng hạng mục công trình trường học theo ý kiến của UBND quận 8.

Cũng trong Quyết định trên, trường hợp có sự thay đổi, một trong các nội dung mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, diện tích sử dụng đất, số lượng nhà ở, tiến độ thực hiện dự án thì Công ty Vạn Thái phải có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền có văn bản chấp thuận bổ sung dự án trước khi thực hiện xây dựng

Đặc biệt, UBND TP.HCM yêu cầu Công ty Vạn Thái thi công hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội bộ, khu cây xanh, lập hồ sơ hoàn công, quản lý bảo trì đến khi ban giao cho các cơ quan chuyên ngành quy định. Chịu trách nhiệm quản lý quá trình đầu tư dự án đảm bảo đúng tiến độ đầu tư, chất lượng công trình theo đúng quy định.

Ngoài ra, Công ty Vạn Thái cần lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định, chịu trách nhiệm quản lý quá trình đầu tư dự án đảm bảo đúng tiến độ đầu tư, chất lượng công trình và thiết kế. Đồng thời, kê khai đăng ký và báo cáo tình hình tiến độ thực hiện dự án cho UBND huyện Bình Chánh, Sở Xây dựng và Sở TN&MT theo 6 tháng một lần và khi kết thúc dự án

Để thực hiện Quyết định trên, UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND quận 8 bàn giao tổ chức cắm mốc cho Công ty Vạn Thái. Cập nhật điều chỉnh hồ sơ địa chính. Quản lý phần diện tích đất cây xanh và đất giao thông nội bộ thuộc phạm vi dự án. Có trách nhiệm thực hiện thủ tục thu hồi đất và tổ chức bồi thường theo quy định đối với dự án thành phần

Ngoài ra, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Cục thuế thành phố… cần thực hiện theo chức năng phân công, xác định tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận QSDĐ và các công việc liên quan theo đúng nhiệm vụ được giao.

Theo tìm hiểu của phóng viên Reatimes, thời gian khi thu hồi làm dự án, Công ty Vạn Thái vấp phải hàng loạt những ý kiến của người dân mất đất. Bởi giá trị mà công ty này đứng ra đền bù thấp hơn nhiều so với thực tế. Nhiều người dân tại đây đã kiến nghị đến cơ quan chức năng để giải quyết sự việc, nhưng thời gian trôi qua, họ vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Cụ thể,gia đình Đinh Quang B. có hơn 600m2 (phường 4, quận 8) bị thu hồi để làm dự án. Kể từ khi triển khai dự án, gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu vực này bị ảnh hưởng trăm bề, vì dự án chậm tiến độ, không biết chủ đầu tư bao giờ đến thương lượng giá đền bù chuyển nhượng đất. Suốt nhiều năm,Công ty Vạn Thái không tiến hành bồi thường hỗ trợ, mà tự ý san lấp trái phép và trồng trụ điện trên phần đất do gia đình ông quản lý.

Bất ngờ hơn, mặc dù được thành phố giao cho Công ty Vạn Thái đền bù cho người dân phần diện tích bị lấy nhưng ngày 19/4/2017, gia đình ông B. nhận được Quyết định số 2060 của UBND quận 8, về việc duyệt chi phí bồi thường một phần diện tích 491,5m2 với giá rẻ mạt, chỉ 168 triệu đồng và được nhận thêm phần “hỗ trợ đất nông nghiệp” 1,7 tỷ đồng. Tính ra, số đất trên chỉ được đền bù342.000 đồng/m2. Bởi theo chính quyền quận 8, đây là dự án công ích(!)

Bất thường ở chỗ, dù Quyết định của UBND TP.HCM nêu rõ Công ty Vạn Thái phải thỏa thuận đền bù người dân, nhưng không hiểu vì lý do gì, người dân không được thỏa thuận trên chính mảnh đất của mình mà lại được UBND quận 8 ưu ái, ra Quyết định nhận số tiền thấp hơn nhiều so với thực tế.

Bài học từ những vụ “dâng” đất cho doanh nghiệp

Dự án đang tiến hành xây dựng phần nhà chung cư

Dự án đang tiến hành xây dựng phần nhà chung cư

Thời gian qua, việc giao đất mà không thông qua đấu giá không còn là chuyện hiếm ở TP.HCM. Bài học nhãn tiền từ những vụ án của Vũ “nhôm”; Công ty Tân Thuận; vụ “đất vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng hay chuyển nhượng 32ha đất công Phước Kiển giá rẻ.

Hậu quả, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM) để điều tra về những sai phạm xảy ra tại thời còn đương chức. Ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và 3 bị can khác bị khởi tố do liên quan đến quá trình xử lý khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

Sự việc đó liên quan trực tiếp đến Sabeco, đơn vị được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất này để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công.

Tuy nhiên, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt, vào tháng 6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng Dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê. Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này. Vụ án này đang được Bộ Công an mở rộng điều tra đến những cá nhân liên quan.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tín cũng chính là là người ký các văn bản giao đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 (gọi tắt là Công ty Bắc Nam 79, do ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", làm chủ tịch HĐQT) khu đất số 15 đường Thi Sách để xây dựng khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ trái quy định. Đó là những bài học sâu sắc trong việc “dâng” đất trái phép cho doanh nghiệp.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Cư dân Topaz City “tố” loạt sai phạm của Công ty Vạn Thái

Topaz City (đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8) được xây dựng trên diện tích rộng hơn 15ha, bao gồm 12 block căn hộ cao từ 18-30 tầng và 1 khối cao ốc văn phòng kết hợp với nhà hàng, khách sạn hạng sang.

Khi dự án bắt đầu khởi động đã xuất hiện thông tin thiếu giấy phép xây dựng. Điều này có thể bắt đầu tư việc Topaz City được đổi tên từ tên cũ là Elys Garden. Từ thông tin chưa có giấy phép, đã có nghi vấn về việc đơn vị phát triển dự án đã “huy động vốn trái phép”.

Thời gian qua, tại dự án này xuất hiện nhiều băng rôn, khẩu hiệu của người dân lên tiếng phản đối Công ty Vạn Thái, chủ đầu tư dự án.

Nhiều cư dẫn đã đến ở từ tháng 3/2017 nhưng đến tháng 7/2017 mới được nghiệm thu. Block B2 thì chủ đầu tư đưa cư dân vào ở tháng 9/2017 nhưng đến tháng 3/2018 mới tổ chức nghiệm thu. Ở block A2 thì hiện nay vẫn chưa nghiệm thu. Đáng nói, khi người dân phản đối, có một nhóm đối tượng lạ mặt tự xưng là người của chủ đầu tư đã đến hành hung, đe dọa cư dân tại đây.

Ở một diễn biến khác, Văn phòng Chính Phủ vừa ký văn bản gửi UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét nội dung liên quan đến chung cư Topaz City mà báo chí đã nêu để xử lý theo đúng qui định của pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top