Aa

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Thị trường bất động sản đã bớt ảm đạm hơn, một vài chủ đầu tư có tín hiệu phục hồi

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Năm, 03/08/2023 - 16:13

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.INVEST, các vấn đề đưa ra trong quyết sách của Chính phủ đều trúng, đúng, kịp thời từ thể chế đến giải pháp, thị trường bất động sản đã khởi sắc hơn.

Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã có phát biểu tham luận về tình hình triển khai các dự án bất động sản của đơn vị, các vướng mắc cụ thể của dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

“Điều quan trọng là cởi bỏ được tâm lý e ngại”

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, điều đầu tiên các doanh nghiệp bất động sản đều thấy rõ là tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ về thể chế, nguồn vốn, vấn đề định giá đất, quy hoạch... mà tiêu biểu là nội dung các vấn đề đưa ra trong Nghị quyết 33.

Chính những tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường bất động sản đến giờ phút này đã bớt ảm đạm hơn, một vài chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Theo số liệu thống kê trong 7 tháng đầu năm có tới 756 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua của thị trường vẫn còn kém.

Điều quan trọng là cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường, kể cả với người mua nhà và chủ đầu tư.

Các biện pháp đồng bộ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đem lại tác động giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm hơn. (Ảnh minh họa: 1.6 media)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, riêng với GP.INVEST, những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ công tác của Thủ tướng đã có những tác động cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển biến tích cực của dự án Palm Manor ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ của công ty.

Dự án được khởi động cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58ha nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới chỉ triển khai được một phần nhỏ. Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ nên ngày 4/6/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt thông báo các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án, từ cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi theo đúng quy định của pháp luật, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn về tổ chức thi công.

Đặc biệt, có chỉ đạo cụ thể yêu cầu Sở Tư pháp thống nhất biện pháp để giải quyết việc đền bù cho các hộ sử dụng đất nhưng chủ đứng tên sử dụng đất đã qua đời… Những quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của cơ quan các cấp tỉnh Phú Thọ đã tạo đà cho dự án Palm Manor của GP.INVEST có chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường.

“Không riêng dự án ở Phú Thọ mà các dự án của GP.INVEST ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương cũng đều ghi nhận sự chuyển động tích cực do cách làm rõ ràng, dứt khoát của các cấp chính quyền”, ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định. 

Kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc

Chủ tịch GP.INVEST đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể:

Thứ nhất, về tổng thể, các vấn đề đưa ra trong các quyết sách của Chính phủ đều trúng, đúng, kịp thời từ thể chế đến giải pháp, nhưng phải thấy một vấn đề là không phải ở cấp thực hiện nào cũng có chuyển biến, nhận thực được vấn đề.

Trong khi các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản lại thiên hình vạn trạng: Từ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đất công xen kẹt, định giá đất... nên việc xử lý phải linh hoạt.

"Vì vậy, để chính quyền các cấp thực hiện có trách nhiệm hơn trong việc xử lý các ách tắc, chúng tôi đề nghị Tổ công tác của Chính phủ về bất động sản yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được thời hạn quá 5 năm và lý do vướng mắc, đề xuất cấp xử lý để các doanh nghiệp có thể thoát được vòng luẩn quẩn chờ đợi", ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất.     

Vấn đề thứ hai là các luật liên quan đến bất động sản đều được biên soạn sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và sẽ áp dụng hiệu lực vào đầu năm 2024. Như vậy, sẽ có một loạt các dự án đang triển khai thủ tục đầu tư từ 2022, 2023 sẽ chịu tác động lớn do những thay đổi về hành lang pháp lý.

Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm vấn đề chuyển tiếp của các dự án có nằm trong thời kỳ thay đổi giữa luật cũ và luật mới để có các đề nghị với Quốc hội và có hướng dẫn cụ thể giúp cho các doanh nghiệp không bị mắc kẹt.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.

Thứ ba là vấn đề liên quan đến cải tạo chung cư cũ và nhà ở xã hội. Thực trạng chung cư cũ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM rất đáng báo động. Ví dụ, chung cư Văn Chương xây từ năm 1961 có hộ chỉ 5m2, xuống cấp trầm trọng cấp thiết phải cải tạo để thay đổi bộ mặt của Thủ đô. 

Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định 61 năm 2021 là một bước tiến dài về các vấn đề lớn nhưng để các chủ đầu tư thực sự vào cuộc, đóng góp cho việc cải tạo bộ mặt đô thị thì còn rất nhiều vấn đề: Từ quy hoạch đến lựa chọn chủ đầu tư, đền bù tái định cư dự án vẫn không vào một mối theo cơ chế hợp lý, cụ thể.

Ông Hiệp kiến nghị nên tiếp tục hoàn chỉnh Nghị định 69 và tập trung vào một đầu mối xử lý đồng bộ, ví dụ là Sở Xây dựng thành phố và chọn một số khu thí điểm đồng bộ để áp dụng cho cả nước.

"Về nhà ở xã hội, chúng tôi cho rằng cần rà soát lại quy chế cho người mua nhà và chủ đầu tư, những tiêu chuẩn nào cần thay đổi cho phù hợp, những ưu đãi gì được hưởng đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà cần rạch ròi rõ ràng. Trong các quy định pháp lý tránh các câu chữ dể hiểu lầm thành ý khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Xây dựng nên có thống nhất giao chỉ tiêu quỹ đất để làm nhà ở xã hội cho các địa phương để kêu gọi các chủ đầu tư. Đồng thời, nên có tiêu chí về các hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho các khu nhà ở xã hội để tăng tính hấp dẫn", ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu quan điểm.

Vấn đề thứ tư, trong Nghị quyết số 33 cũng đã nêu rõ Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành “Nghị định quy định về quy trình, trình tự thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị”.

Các doanh nghiệp bất động sản đều rất mong Nghị định này sớm ban hành để chuẩn hoá các bước cho một dự án nhà ở thương mại - khu đô thị. Đồng thời, hy vọng Nghị định này sẽ đơn giản hoá các thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp bất động sản lâu nay phải vượt qua để tiết kiệm được thời gian và các nguồn lực khác cho các chủ đầu tư.

Cuối cùng, Chủ tịch GP.INVEST đề nghị: "Trong bối cảnh chúng ta đang quan tâm gỡ khó cho bất động sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đề nghị các văn bản pháp lý của các Bộ, ngành cần chú ý từng câu, chữ để tránh những hiểu lầm “trên nóng dưới lạnh”, làm khó cho thị trường và các cơ quan thực hiện"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top