Aa

Ông Trần Quốc Vượng: Ngăn chặn "tay không bắt giặc" trong BOT

Thứ Tư, 25/10/2017 - 05:02

Thành viên thường trực Ban bí thư cho rằng, chủ trương BOT là đúng nhưng phải ngăn chặn lợi dụng để làm sai.

Trong phiên làm việc ở tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách sáng 24/10, ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban bí thư, cho rằng để thực hiện các mục tiêu phát triển của năm 2018, một trong những vấn đề quan trọng là phải có cơ chế đột phá để huy động các nguồn vốn.

"Nguồn vốn trong dân hiện lớn lắm, vàng, ngoại tệ, tiền đồng..., làm sao ta huy động được cái này", ông nói.

Đề cập đến kênh huy động vốn qua BOT, ông Vượng cho rằng đây là chủ trương đúng và đề nghị truyền thông cần "nói mặt tích cực chứ không chỉ tiêu cực của BOT". Theo ông, BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng, các nước cũng tiến hành theo cách này.

"Điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng, mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi tay không bắt giặc. Anh phải làm BOT thực sự bằng nguồn vốn của anh", ông Vượng nhấn mạnh và cho rằng tới đây cần phát triển mạnh hình thức đầu tư BOT để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, ông Vượng cho hay vừa qua Đảng đã có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, chính là huy động nguồn lực trong dân, để mọi người đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào nông nghiệp.

Từ trái qua: Ông Nguyễn Hoà Bình - Chánh án TANDTC trao đổi với ông Trần Quốc Vượng trên hội trường Quốc hội. Ảnh: Võ Văn Thành

Từ trái qua: Ông Nguyễn Hoà Bình - Chánh án TANDTC trao đổi với ông Trần Quốc Vượng trên hội trường Quốc hội. Ảnh: Võ Văn Thành

Không để nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài

Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội và thu ngân sách của 9 tháng qua cũng như dự kiến cả năm 2017, ông Vượng cho rằng "thách thức nội tại rất lớn và thách thức từ thiên nhiên ngày càng khốc liệt hơn". 

Theo thành viên Thường trực Ban bí thư, "chúng ta đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, qua đó tạo niềm tin cho nhân dân, làm cho tất cả các hoạt động trong xã hội dần đi vào nề nếp; có tác dụng cảnh tỉnh, phòng ngừa và cảnh báo, tạo môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn. Các chỉ số cạnh tranh mà quốc tế đánh giá thì Việt Nam có nhiều lĩnh vực được tăng điểm".

Phân tích chi tiết về định hướng phát triển năm tới, ông Vượng đề cập đến các thành phần kinh tế như đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, và cho rằng "nếu nhìn kỹ, sự phát triển vừa qua phần nhiều là ở đầu tư nước ngoài".

Ông cho rằng đây là vấn đề cần hết sức chú ý, vì về lâu dài nếu phát triển chỉ dựa vào FDI thì "chưa phải là tốt".

Ông Trần Quốc Vượng nêu quan điểm nội lực kinh tế của đất nước mới là quan trọng, và đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung cho nội lực phát triển. "Lâu nay chúng ta nói chủ trương nội địa hoá, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là chỗ này. Nếu không SamSung rút đi rồi, chả còn gì của mình. Hiện tại thì tốt nhưng lâu dài cần phải xem kỹ", ông nói.

Biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt

Thành viên thường trực Ban bí thư cũng cho rằng Nhà nước cần quan tâm nhiều về biến đổi khí hậu. "Tôi lên Trạm Tấu (Yên Bái), thấy vấn đề là sự tác động của biến đổi khí hậu chứ không phải riêng về trồng rừng. Phải nói rất khốc liệt. Năm ngoái chúng ta xâm nhập mặn ở miền Nam, hạn hán ở miền Trung, năm nay lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc", ông Vượng nhấn mạnh.

Theo ông, có gia đình ở Yên Bái kể họ đã ở đây 100 năm nhưng đến năm nay lũ quét về xóa sạch. 

Cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cũng phản ánh Trung ương đã có quy hoạch, quan tâm đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng Tây Bắc thì "chưa được quan tâm lắm", trong khi đây là vùng rừng núi rộng lớn.

"Chúng ta phải thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu, nhưng Chính phủ cần có giải pháp hàng năm sao cho căn cơ", ông Vượng nói.

Ngày 1/8, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc phân công cán bộ tham gia Thường trực Ban bí thư.

Theo đó, tại phiên họp ngày 28/7, sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết định phân công Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top