Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Sống bằng thành công là bắt đầu chết!

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Sống bằng thành công là bắt đầu chết!

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 13/10/2021 - 08:08

- Thưa Anh, tôi ngạc nhiên khi nhận được cùng một câu trả lời từ những chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin của Việt Nam như TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu Chính viễn thông hay đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng rằng, cách đây hơn 30 năm, “những người đầu tiên của FPT trong tay không có gì ngoài giấc mơ”. Nhìn lại chặng đường 35 năm Đổi mới của Đất nước, cũng là chặng đường lớn lên của FPT, những cảm xúc gì hiện ra trong tâm trí anh lúc này?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Đầu tiên là vui. Một niềm vui vô bờ bến. Vui vì mình được lớn lên cùng những đổi thay của đất nước. Vui vì mình được sống trọn vẹn với những ước mơ “bất khả thi”, những ước mơ “điên rồ”. May mắn là phần nhiều những ước mơ ấy của mình đều thành hiện thực. Khi trong tay không có gì, chúng tôi đã mơ mang trí tuệ Việt Nam vươn ra toàn cầu với một niềm tin mãnh liệt: “Người Trung Quốc, người Ấn Độ làm được thì không có lý gì người Việt Nam không làm được”. Và rồi sau biết bao khó khăn, FPT cũng đã góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu với những sản phẩm Make in Việt Nam được thế giới công nhận. Chúng tôi đã sống hết mình cho đất nước mình, sống cho niềm tự hào của dân tộc mình.

Tiếp đến là hứng khởi. Cùng với khát vọng chung của đất nước vì một Việt Nam cường thịnh trong tương lai, FPT đang có những ước mơ lớn. Đó là tiên phong chuyển đổi số quốc gia, để mỗi người dân là một công dân điện tử, mỗi nhà lãnh đạo là một nhà lãnh đạo số, mỗi doanh nghiệp là một doanh nghiệp số, mỗi chính quyền là một chính quyền số.

- Trong chiến lược toàn cầu hóa, FPT từng đặt mục tiêu một tỷ USD xuất khẩu phần mềm vào năm 2020. Con số này từng được coi là “điên rồ” hay “lãng mạn”. Bây giờ khi nhìn lại mục tiêu này, và xa hơn là nhìn lại chặng đường sau hơn 20 năm anh đặt quyết tâm xuất khẩu phần mềm của FPT, nhìn lại giấc mơ khẳng định trí tuệ Việt Nam với thế giới, sứ mệnh mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước, điều gì khiến anh hài lòng, và có điều gì khiến anh tiếc nuối?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Khát vọng làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ muốn Việt Nam vươn ra thế giới đã đi với chúng tôi trong suốt hơn 20 năm qua. Chúng tôi đã nỗ lực quên mình để hiện thực hóa khát vọng ấy. Và tôi rất thích câu thơ của nhà thơ, nhà điêu khắc Nhật Bản, Takamura Kotaro (1883 - 1956): “Phía trước tôi không có con đường nào cả/ Phía sau tôi đường đã được tạo ra”. Đại ý nói, đường là do chúng ta tạo ra, cứ đi rồi sẽ thành đường. Với tài sản quý giá nhất là tâm huyết, là khát vọng, FPT đã mở được con đường góp phần đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số.

 

Năm 2020, thứ hạng của Việt Nam trong Top 50 quốc gia số (Top 50 Digital Nations) do Tholons đánh giá đã tăng 4 bậc, từ vị trí 13 lên vị trí thứ 9. Còn như đánh giá của Kearney về mạng lưới các trung tâm kỹ thuật số toàn cầu (Toward a global network of digital hubs), Việt Nam đứng thứ 6 trong Top 25 Quốc gia. Việt Nam đã có những sản phẩm phần mềm Make in Việt Nam được Gartner đưa vào bảng xếp hạng các sản phẩm công nghệ thế giới - Gartner Peer Insights hay đứng trong Top các nền tảng RPA phổ biến trên thế giới.

Còn bạn hỏi tôi có gì tiếc nuối? Có lẽ tiếc nuối lớn hơn cả là ở thời điểm đầu tiên khi đi ra nước ngoài, FPT đã phải “đơn thương độc mã”. Chúng tôi phải mất 5 năm để thuyết phục được các doanh nghiệp công nghệ khác đi theo con đường xuất khẩu phần mềm. Nếu các doanh nghiệp sớm quyết tâm dấn thân, thì có lẽ vị thế của Việt Nam có thể còn thay đổi nhiều hơn thế.

- Trong hành trình đó, có khi nào anh cảm thấy cô đơn?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Có! Chúng tôi đã có 5 năm cô đơn và lẻ loi theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Trong giai đoạn những năm 1999, 2000, cũng có một vài công ty Việt Nam đã ra nước ngoài nhưng thực sự khi nhắc đến Việt Nam, các đối tác trên thế giới không biết gì hơn ngoài hai từ “chiến tranh” hoặc hỏi lại chúng tôi: Việt Nam ở đâu? Chúng ta chưa có thương hiệu quốc gia.

Năm 2002, với việc kêu gọi thành lập Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA), chúng tôi đã không còn lẻ loi trên con đường hiện thực hóa giấc mơ mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu. Chúng tôi cùng VINASA đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới. Hiện chúng ta có lực lượng 300.000 chiến binh viễn chinh tạo ra một ngành công nghiệp có giá trị 5 tỷ USD.

- Trong quá trình vươn ra biển lớn, đâu là những “cái giá” mà FPT phải trả khi là người tiên phong? Bài học lớn nhất FPT rút ra từ việc xuất khẩu thành công phần mềm ra nước ngoài có phải là việc dựa vào uy tín của người khác, khi thuyết phục được những khách hàng lớn, các “blue chip” thì có thể thuyết phục được các khách hàng vừa và nhỏ?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Như bạn biết đó, người đi đầu, đi tiên phong thì một là phải tìm đường để đi, hai là không ai tin điều mình nói hay việc mình định làm. Cùng với đó là thương hiệu quốc gia về xuất khẩu phần mềm không có nên đi đâu chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Năm 1999, bước chân đầu tiên của chúng tôi ra biển lớn là mở văn phòng tại Bangalore, Ấn Độ, nơi được xem là Silicon Valley của châu Á. Rồi năm 2000, mở tiếp văn phòng thứ 2 tại Silicon Valley, Mỹ. Thậm chí còn thuê cả “Tây” làm giám đốc bán hàng. Nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng phải đóng cửa hai văn phòng này vì lý do đơn giản, không ai muốn giao việc cho chúng tôi.

Sau những thất bại ban đầu khi mở hai văn phòng trên, chúng tôi nhận ra rằng, cần phải có cách đi riêng chứ không chỉ đơn thuần đi theo con đường của các cường quốc về xuất khẩu phần mềm. Tôi quyết định FPT phải tìm mọi cách để bán được hàng cho các công ty lớn của Mỹ như IBM, HP.

Tôi đã trình bày với họ ý tưởng về thác số - “digital water fall”: “Trước năm 1986 công việc bị hạn chế về địa lý, nhưng khi internet đi vào thương mại thì dòng công việc có thể chảy khắp mọi nơi, quy luật thế giới phẳng. Nếu ai muốn khai thác lợi ích của dòng chảy công việc đó thì phải tìm nơi có khoảng cách về chi phí là lớn nhất. Đó chính là Việt Nam, chúng tôi có lực lượng lao động trẻ...”. Và tôi đã thuyết phục được IBM bằng ý tưởng này.

Nhưng quả thực là phải đến năm 2002, sau khi bước chân vào thị trường Nhật Bản, FPT mới có được sự thăng hoa trong giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Nhưng bước chân vào thị trường này cũng không dễ với FPT. Trong giai đoạn đầu tiếp cận đối tác, khách hàng Nhật Bản, vì không biết tiếng Nhật nên chúng tôi bị khách hàng nói khéo, “Chúng tôi rất muốn hợp tác với FPT nhưng các bạn chờ chúng tôi học xong tiếng Anh đã”.

Để trả lời các đối tác Nhật Bản, tôi khẳng định: “Chúng tôi sẽ học tiếng Nhật để quay lại bàn chuyện hợp tác với các bạn bằng tiếng Nhật”. Và giờ Nhật Bản là thị trường lớn nhất với doanh số chiếm khoảng 50% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT và đội ngũ gần 8.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại 11 văn phòng trên khắp nước Nhật và các trung tâm phần mềm lớn ở Việt Nam.

Giờ chúng tôi đã có 48 văn phòng tại 26 quốc gia bên ngoài Việt Nam. Từ không có khách hàng nào cả trong suốt nhiều năm trời, hiện nay chúng tôi có hàng trăm khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới).

Bài học lớn mà chúng tôi rút ra được từ những thất bại và thành công trên chính là phải tạo được niềm tin về đất nước, con người Việt Nam từ các đối tác. Để có được niềm tin này thì phải bằng cách nào đó để lãnh đạo cấp cao nhất của đối tác được tận mắt chứng kiến cuộc sống, những thay đổi của Việt Nam. Đến nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị khi chúng tôi tiếp cận với những đối tác mới.

- Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đã khác xa hơn hai mươi năm về trước. Trong tương lai thì chắc với FPT, ham muốn xuất khẩu phần mềm càng không có chuyện “điếc và không sợ bất cứ tiếng súng nào”?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Thực ra FPT chưa bao giờ biết sợ. Hai mươi năm về trước, chúng tôi “điếc” và “không sợ súng” khi toàn cầu hóa với một niềm tin duy nhất: “Người Trung Quốc, người Ấn Độ làm được thì mình cũng làm được”.

Nhưng ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, chúng tôi không “điếc” và cũng chả “sợ súng”. Vị thế của Việt Nam đã thay đổi. Vị thế của FPT trên thương trường đã khác. FPT giờ cũng đã là công ty có giá trị vốn hóa tỷ đô.

FPT đã xây dựng được phương pháp luận về chuyển đổi số, FPT Digital Kaizen. Phương pháp luận này sẽ giúp các doanh nghiệp/tổ chức chuyển đổi số hiệu quả theo hướng “Nghĩ lớn - Khởi động thông minh - Nhân rộng thần tốc”.

Chúng tôi cũng đã hình thành được một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số Made by FPT hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở cả ba khía cạnh là tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới. Và tiếp nữa đó là đội ngũ nhân sự hùng hậu. FPT đã thu hút được những chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số về làm việc cho mình.

Bạn có biết bác Phương Trầm không? 53 tuổi, ông chính thức trở thành CIO toàn cầu phụ trách mảng CNTT & quy trình của tập đoàn khổng lồ DuPont, quản lý ngân sách 500 triệu USD với 1.200 nhân viên dưới quyền. Ông đã đưa tên tuổi của DuPont thành một trong những hình mẫu doanh nghiệp thành công nhất thế giới về chuyển đổi số. Và giờ ông đang là Tư vấn trưởng chuyển đổi số của FPT với mong muốn từ sâu thẳm của một người Việt là giúp công ty Việt Nam trở thành một công ty đẳng cấp thế giới.

Cũng để thu hút người tài, cách đây hai năm chúng tôi đã M&A một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ - Intellinet và sự hợp lực này đã giúp FPT vượt qua hàng trăm đối thủ tại Mỹ để có được những hợp đồng có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD.

Chúng tôi cũng là đối tác của Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila mà người đứng đầu là cha đẻ của công nghệ học sâu – Bengio Yoshua, tạo cơ hội để các tài năng công nghệ trẻ Việt Nam được tiếp cận, cọ xát, học hỏi chuyên sâu về AI hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm AI hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Những trung tâm nghiên cứu công nghệ toàn cầu đã có sự hiện diện của FPT.

Với thế và lực trên, giờ chúng tôi không phải mất quá nhiều thời gian để có được một hợp đồng lớn. Cách đây 1 tuần lễ, chúng tôi vừa mới ký hợp đồng 9 triệu USD với một công ty lớn của Nhật Bản. Hợp đồng từ lúc thảo luận đến lúc ký chỉ trong vòng 1 tuần. Trong khi trước đây, phải mất 5 năm để đạt được con số doanh thu 10 triệu USD xuất khẩu phần mềm. Giờ đây, FPT đã là Tập đoàn công nghệ tỷ USD.

- Đến nay, nhiều người vẫn nhắc FPT là một công ty gia công phần mềm bình thường. Thực tế thì sao, thưa anh?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Bạn chắc không xa lạ với cái tên Airbus. Năm 2017, họ ra mắt nền tảng dữ liệu, kho ứng dụng đầu tiên cho ngành hàng không thế giới - Skywise và FPT là một trong những công ty công nghệ đầu tiên trên thế giới cùng họ tham gia phát triển nền tảng này, mở đường cho quá trình tăng tốc chuyển đổi số của ngành hàng không toàn cầu. Chúng tôi đang cùng nhau làm việc trên nền tảng công nghệ của tương lai.

Trước đây, những chuyên gia của chúng tôi, trong các dự án với đối tác nước ngoài chỉ được trả 1.500 USD/tháng, nhưng hiện nay đối tác đã tin tưởng giao cho FPT trọng trách làm các dự án đòi hỏi trình độ cao, phức tạp hơn như là tư vấn chuyển đổi số, với mức thù lao lên đến 40.000 USD/tháng/người.

Năm 2020, trong bối cảnh Covid-19, chúng tôi đã vượt qua 193 công ty ở Mỹ trong đó có những tên tuổi lẫy lừng như Infosys, Tata, IBM… để thắng hợp đồng có quy mô lên tới 150 triệu USD với một hãng kinh doanh ô tô hàng đầu của Mỹ; vượt 20 công ty ở Malaysia để nhận hợp đồng quy mô 100 triệu USD với tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia. Ở Nhật Bản, chúng tôi là đối tác công nghệ chiến lược của hãng đồ uống lớn nhất thế giới.

Tôi cũng đã nói với bạn về Hệ sinh thái chuyển đổi số Made by FPT. Hàng loạt sản phẩm, giải pháp của hệ sinh thái này đã có tên tuổi toàn cầu như Bảng xếp hạng các sản phẩm công nghệ thế giới - Gartner Peer Insights hay Top các nền tảng RPA phổ biến trên thế giới…

FPT giờ đã khác!

- Đâu là những lợi thế để FPT có thể tự tin “đem chuông đi đánh xứ người”?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Trước tiên, đó là vị thế của quốc gia. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, trong số 140 quốc gia được xếp hạng năm 2018, Việt Nam là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới.

Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Theo WB, GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới. 

Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người đạt khoảng 2.750 USD (2020).

Tiếp đến là cuộc cách mạng 4.0 đang cho chúng ta cơ hội đi tắt qua khúc cua để vượt lên sánh vai cùng các cường quốc 5 châu. Và được cái người Việt Nam có một tố chất là học những cái mới rất nhanh và cái gì cũng học được.

 

Còn với FPT, chúng tôi có nhiều lợi thế đến từ việc “lột xác” trong những năm vừa qua. Đó là sự hiểu biết về khách hàng, sở hữu các nền tảng công nghệ lõi, có những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số và phương pháp luận, hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện như tôi đã chia sẻ với bạn ở trên.

- Người khổng lồ cũng sẽ phải xuống dốc sau khi lên đến đỉnh nếu không có những đỉnh cao mới. Với FPT, chuyển đổi số là một “đỉnh núi” tiếp theo để chinh phục?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Đúng vậy! Nói chuyển đổi số là một “đỉnh núi” tiếp theo để chinh phục, trước hết bắt nguồn từ chính nhu cầu to lớn của thị trường, dự báo lên đến gần 7.000 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.

Còn tại Việt Nam, chuyển đổi số đã trở thành khát vọng của quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số đã trở thành cuộc cách mạng thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, xã hội và là cuộc cách mạng mang tính sáng tạo.

Điều này mở ra vô số các cơ hội cho các công ty công nghệ, cho FPT. Hơn lúc nào hết, ở giai đoạn này, FPT cần có một lực lượng công nghệ hùng hậu, cần có những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực để giải quyết những bài toán mới, những bài toán lớn hơn mang tầm quốc gia, dân tộc.

Chúng tôi có thể đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số thông qua việc phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Hay hỗ trợ các doanh nghiệp giải các bài toán về kinh doanh, quản trị, vận hành… để hướng đến mô hình doanh nghiệp số. Hay giải quyết các bài toán nhức nhối của xã hội với y tế số, giao thông thông minh…

Với phương pháp luận FPT Digital Kaizen, FPT sẵn sàng tư vấn, hoạch định chiến lược, phương thức và triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất. Điều FPT tâm huyết nhất là bằng chuyển đổi số, Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, mỗi người dân có một cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh và các doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá.

Hiện FPT đang cùng McKinsey tư vấn lập quy hoạch phát triển tỉnh Bình Định và Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2023 và tầm nhìn đến năm 2050, để nơi đây trở thành các trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực và của Việt Nam. Và FPT sẽ đồng hành cùng nhiều địa phương khác trong tương lai trên chặng đường chinh phục đỉnh cao mới.

- Sau một thời gian anh leo lên “đỉnh núi” chuyển đổi số, với ước mơ của thời đại mới sẽ trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số, đâu là lý do để có thể tin khát vọng này thực hiện được?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Trước hết nó nằm trong sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc. Sức mạnh được sinh ra từ chính khát vọng bình đẳng vươn lên sánh ngang với các dân tộc khác trên thế giới.

Tôi tin, với một dân tộc đã khẳng định được phẩm giá của mình qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử, thì không có lý gì để không hiện thực hóa được các khát vọng của mình. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, chỉ cần có chung khát vọng lớn thì không có khó khăn nào người Việt Nam chúng ta không thể vượt qua.

Còn với FPT, thực tiễn của FPT trong hơn 30 năm vừa qua là cơ sở cho niềm tin đó. FPT đã trở thành một tập đoàn toàn cầu thì có thể khai thác sức mạnh toàn cầu để nuôi những khát vọng lớn hơn nữa.

- Trong quá trình đi cùng với các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái về chuyển đổi số, anh nhận ra đâu là trở ngại lớn nhất?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Vấn đề là nhận thức. Việt Nam đã hình thành các tập đoàn lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta có chung sức để làm những việc lớn hơn nữa không? Bài học lịch sử trả lời rằng, chỉ khi nào đối diện thách thức lớn thì chúng ta mới có thể chung tay, chung sức đồng lòng.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của đất nước, tôi nghĩ Việt Nam cần một khát vọng lớn. Như Bác Hồ đã nói vào mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc là Việt Nam phải sánh vai với các cường quốc năm châu.

Với cảm xúc về sứ mạng Bác đã nói, đây là thời cơ để làm những việc lớn đó. Và để làm được sứ mạng lớn lao đó, chúng ta cần một khát vọng, không phải chỉ là khát vọng của những nhà lãnh đạo, mà đây phải là khát vọng của từng người dân, từng doanh nghiệp. Chúng ta phải cùng chia sẻ khát vọng về một dân tộc hùng cường, đất nước phồn vinh. Chính phủ phải có niềm tin vào sức mạnh, ý chí của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, tin vào người dân.

 

- Theo anh, vì sao Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả những cơ hội của kinh tế số, AI trong khi nhiều nước đã, đang tận dụng thành công vào quá trình phát triển, đổi mới đất nước mình?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tôi thấy mệnh đề trên có điểm đúng và chưa đúng.

Kinh tế số, theo các số liệu thống kê mới chỉ chiếm 4,6% GDP, tương đương 14 tỷ USD, còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu mà Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đặt ra là kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025.

Tuy nhiên, bạn cũng thấy rằng Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong những năm gần đây, đã hình thành cộng đồng doanh nghiệp start up, nhiều quỹ đầu tư lớn đã xuất hiện tại Việt Nam, Việt Nam giữ vị trí số một về đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Các sản phẩm AI của Việt Nam đã có vị thế trên toàn cầu.

Theo một số thống kê, Việt Nam đứng thứ 21 trên bản đồ AI thế giới và dự báo AI có thể đóng góp 12% cho GDP của Việt Nam vào năm 2030. AI ở Việt Nam đã bắt đầu len lỏi khắp đời sống, giải quyết nhiều bài toán của xã hội từ giáo dục, y tế đến thương mại điện tử, ngân hàng.

Ví dụ như sử dụng AI để phát triển các trợ lý ảo tiếng Việt. Viettel đã dùng AI cho các ứng dụng đọc báo tự động, sách nói, hay chăm sóc khách hàng tự động. Một số bệnh viện ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân. Vingroup dựa trên AI phát triển ứng dụng dự đoán các bệnh về phổi, tim và xương. Hay FPT cũng có nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI.

Chỉ trong vòng 7 ngày đầu tiên của làn sóng Covid-19 lần thứ nhất tại Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam kịp thời xây dựng và đưa Trợ lý ảo nCov dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực 24/7, cho phép nhiều người cùng lúc hỏi đáp về dịch Covid-19.

Hay trợ lý ảo tổng đài truy vết Covid-19 của FPT thực hiện hơn 2,2 triệu cuộc gọi tới người dân tại nhiều tỉnh thành phố có dịch, góp phần nhanh chóng truy vết, phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh để kịp thời chữa trị, khoanh vùng, bảo vệ cộng đồng.

- Như anh phân tích thì chúng ta đã làm được khá nhiều việc. Nhưng quả thực, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo anh, giữa các yếu tố: Thể chế - chính sách, công nghệ và con người - nhân lực, đâu là yếu tố then chốt và quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế số Việt Nam?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tôi nghĩ đó là thể chế. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một chính sách để khuyến khích mỗi người dân trở thành một công dân số, mỗi doanh nghiệp thành một doanh nghiệp số, mỗi tổ chức là một tổ chức số. Một chính sách để khuyến khích tất cả mọi người dân, mọi doanh nghiệp đồng lòng chia sẻ khát vọng lớn của dân tộc.

Mục tiêu của chúng ta là có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030. Các doanh nghiệp số phải ở vị trí trung tâm, vừa đóng góp cho việc chi tiết hóa các chiến lược, các chính sách, các đề án, cho đến việc triển khai, ứng dụng các sản phẩm số. Vậy Nhà nước cần mở thị trường, mở các chính sách như sandbox để thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng các sản phẩm số.

- Quay trở lại câu chuyện của FPT, quả thực, nhìn vào cách anh lãnh đạo FPT có thể thấy hình bóng của một người dẫn dắt “luôn thấy lo khi thành công và thấy cơ hội khi khủng hoảng”?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chúng tôi xuất phát từ những nhà khoa học đi làm kinh doanh. Vậy nên nhiều khi gặp vấn đề trong kinh doanh, chúng tôi luôn coi đó là những bài toán mà mình cần phải tìm lời giải. Mà một bài toán thường có những phương pháp giải khác nhau. Chính phương pháp khoa học và tư duy phản biện đó đã giúp chúng tôi liên tục tạo ra sự khác biệt, luôn tìm thấy các cơ hội trong mọi tình huống.

Năm 2020, trong bối cảnh tác động của Covid-19, FPT đã nhanh chóng chuyển sang chế độ thời chiến, mỗi lãnh đạo là một nhà chỉ huy. Mỗi cán bộ, nhân viên là một chiến sĩ, mỗi đơn vị là một pháo đài hoạt động mạnh mẽ trên 3 mặt trận: Vừa chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động kinh doanh để bảo vệ công ăn việc làm, vừa tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới ở cả trong và ngoài nước.

Nhờ đó, FPT đã không chỉ “sống sót” mà còn tìm được “cơ trong nguy”, chuẩn bị thế và lực để vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch, trở thành một tập đoàn hùng mạnh.

- Trong cuộc khủng hoảng này, không chỉ chống dịch mà còn phải chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp. Đây cũng chính là cơ hội để xem lại và tháo gỡ những nút thắt của cơ chế, phải xác định “sống chung với lũ”, bởi Covid-19 chỉ là cú hích, cần phải xây dựng được thể chế phù hợp?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Covid-19 như một cú hích thử thách lòng quả cảm của doanh nghiệp Việt.

Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp ứng xử với những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng có tính “dài hơi” hơn nhằm phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư vào mục tiêu vượt qua khó khăn của đại dịch và tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

- Anh từng cho rằng, bối cảnh hiện tại là một giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên điều này lại tạo ra thời thế cho FPT. Thời gian đang đứng về phía FPT. Nhìn rộng ra ở bình diện quốc gia, dân tộc, anh có nghĩ thời thế có đang đứng về các doanh nghiệp Việt Nam, dân tộc Việt Nam?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn và không lường trước được. Chiến tranh thương mại, dịch bệnh Covid-19. Các hệ thống trật tự cũ đang bị phá vỡ. Nhưng ở một góc độ khác, bối cảnh này lại chính là thời thế của các doanh nghiệp Việt Nam và cao hơn nữa là của cả dân tộc để hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam cường thịnh. Thời gian đang đứng về phía chúng ta.

- Anh đã làm gì để truyền lửa cho những người FPT góp phần hưng thịnh quốc gia, gắn sứ mệnh của FPT với sứ mệnh phụng sự quốc gia?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chúng tôi là thế hệ người Việt được sinh ra trong thời kỳ khói lửa của chiến tranh, thời kỳ thiếu thốn và nghèo đói. Nhưng cũng nhờ có chiến tranh mà người Việt Nam được kết nối thành một khối thống nhất “vì độc lập dân tộc, vì thống nhất Tổ quốc”, và tôi có một niềm tự hào sâu sắc là mình đã được sinh ra trong thời kỳ này.

Và trong hơn 30 năm qua, chúng tôi luôn đặt sứ mệnh cùng nhau trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng, một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần và hết mình phụng sự sứ mệnh đó.

Và tại thời điểm này, với sứ mệnh “vì một Việt Nam cường thịnh”, chúng tôi đồng lòng, tâm niệm phải nhận về mình những thách thức lớn hơn, giải những bài toán lớn hơn nữa của đất nước. FPT đã đủ lớn để làm những việc không ai làm. Những bài toán lớn của Quốc gia đó có thể là thúc đẩy chuyển đổi số các địa phương, các ngành, các lĩnh vực hay chuyển đổi phương thức đào tạo giải quyết những vấn đề trọng yếu của giáo dục…

- Không những là doanh nhân, anh còn là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Theo anh, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã làm được gì và chưa làm được gì?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP và tạo ra 83% số việc làm cho người lao động. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân cũng cao hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế nói chung và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP bền vững.

Tôi thật may mắn quen biết và làm bạn với những người chủ của những tập đoàn như Minh Long, Kinh Đô, Thaco, Tân Hiệp Phát, Bitas… và thấy được khát vọng với niềm đam mê cháy bỏng và lòng tự tôn dân tộc của họ. Anh Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty Gốm sứ Minh Long) - người “giữ hồn của đất” đã miệt mài 13 năm để hoàn thiện công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà chất lượng vẫn đạt chuẩn châu Âu. Hay anh Trần Bá Dương (Chủ tịch Tập đoàn Thaco), từ một người thợ sửa xe đã dám khát vọng bước chân vào ngành công nghiệp đẳng cấp của thế giới, nuôi khát vọng sản xuất ô tô thương hiệu Việt. Người Việt từng bị nghi ngờ “đến cái kim còn không sản xuất được”, thế mà anh Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) đã nuôi chí quyết sản xuất xe ô tô và mang đi triển lãm tại Paris Motor Show. Hay như ông chủ của Tân Hiệp Phát, không bán doanh nghiệp mình với giá 2,5 tỷ USD cho nước ngoài, bởi với ông tiền dù lớn bao nhiêu cũng không thể sánh được niềm tự hào của doanh nghiệp Việt.

Họ có quyền tự hào vì đã dám vượt lên những khó khăn, định kiến để sánh vai với những người khổng lồ trên thế giới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam phồn vinh.

Các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng liên minh, chung tay giải quyết những bài toán lớn của quốc gia. Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” do Chính phủ tổ chức đầu tháng 3 năm nay, chúng tôi đã bày tỏ khát khao cháy bỏng về việc các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chung tay, hiệp lực vì một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045.

 

Chẳng hạn như câu chuyện xử lý tình trạng quá tải của Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Với sự đồng ý của Chính phủ, sự hậu thuẫn Bộ Tài Chính, HoSE, FPT đã thần tốc nỗ lực hết sức triển khai hệ thống giao dịch mới, giải quyết bài toán này trong vòng 100 ngày và đưa vào sử dụng đúng thời hạn cam kết.

Tuy nhiên, cũng có điều chúng tôi, các doanh nghiệp tư nhân chưa làm được, đó là tạo ra nhiều hơn nữa các doanh nghiệp biểu tượng của quốc gia và vươn ra toàn cầu, hay hợp lực, liên kết tạo thành chuỗi giá trị mang tầm quốc tế.

- Từ sự thành công của FPT, anh nghĩ sao về sứ mệnh của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân Việt Nam?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Theo tôi, đó là sứ mệnh chung tay giải quyết các bài toán lớn của Chính phủ, của quốc gia, góp phần xây dựng một nền kinh tế số vững mạnh hướng đến mô hình quốc gia số. Tôi muốn nhắc lại rằng, các doanh nghiệp Việt có thể làm bất cứ việc gì khi được giao phó và tin tưởng. Ví như câu chuyện về bài toán của HoSE mà tôi đã nói ở trên. Đất nước phải là cái nôi nuôi dưỡng các “đại bàng Việt”.

- Là “thế hệ doanh nhân F1” của Việt Nam, theo anh, Chính phủ cần làm gì để khơi dậy tinh thần của doanh nhân, phát huy tối đa năng lượng từ khu vực kinh tế tư nhân?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tôi thấy có 3 vấn đề.

Một là, Chính phủ cần tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thêm nhiều cơ hội “đối thoại” với lãnh đạo quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ở mọi loại hình, mọi quy mô và trong mọi lĩnh vực có thể tham gia sâu hơn vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội tầm quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khu vực kinh tế tư nhân mong muốn Chính phủ là "bà đỡ" kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau, thúc đẩy tăng trưởng quốc gia.

Hai là, Chính phủ cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành để giúp doanh nghiệp, người dân giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí.

Ba là, Chính phủ cần cởi trói cho các doanh nghiệp tư nhân được làm bất kỳ điều gì pháp luật không cấm. Cần thực thi triệt để các chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp phát triển.

 

- TS. Mai Liêm Trực có nói với tôi rằng, từ bài học kinh nghiệm về mở cửa thị trường Internet, về sự thành công của FPT, Tổng Cục Bưu điện đã cương quyết mở cửa toàn diện thị trường viễn thông của Việt Nam. Trong một lĩnh vực khó và nhạy cảm như viễn thông, khi có sự tham gia của tư nhân và tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, chúng ta đã có một lĩnh vực phát triển vượt bậc. Từ câu chuyện này, khi được trao cơ hội, anh có tin vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế số?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chúng tôi có 1 niềm tin vững chắc là nền kinh tế số sẽ khởi sắc với sự đóng góp mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân.

- Một số doanh nhân nói với tôi rằng, Nhà nước nên có chính sách đặc biệt để xây dựng những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh - là những tập đoàn do doanh nhân dân tộc dẫn dắt, để đất nước hùng cường được gây dựng từ chính những doanh nghiệp biểu tượng quốc gia. Anh nghĩ sao về điều này?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Mỗi một dân tộc phồn vinh không thể thiếu các doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp biểu tượng cho thành công của quốc gia. Bạn nhìn sang Hàn Quốc, có Samsung, Hyundai; Nhật Bản có Sony, Honda…

 

Nhưng điều này không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự tin tưởng, sẵn sàng giao những nhiệm vụ thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp; sự liên minh chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp và sự tận lực cống hiến phụng sự quốc gia của mỗi doanh nghiệp có thể khai sinh những tập đoàn kinh tế lớn trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

- Tôi thấy một vài người FPT truyền tai nhau phong cách: “Anh đã quyết, các chú cứ bàn thoải mái”. Anh là người như vậy ư?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chắc là có sự nhầm lẫn. Ở FPT, thực tế là ngược lại. Tất cả mọi người, bất kể nhân viên hay lãnh đạo, khi tham gia một nhiệm vụ hay một cuộc họp đều có quyền bàn bạc, thảo luận thoải mái để cùng thống nhất đưa ra một quyết định duy nhất. Và khi đã quyết thì đồng lòng vì một mục tiêu chung, đó là sự thành công của khách hàng và sự phát triển trường tồn của công ty.

FPT là môi trường mà các thành viên được quyền sáng tạo, học hỏi và được quyết. 

- Anh là người có tư tưởng vận dụng “chiến tranh nhân dân” để quản trị doanh nghiệp. Tư tưởng này đến từ đâu và tinh thần quân đội, nghệ thuật chiến tranh của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với sự hùng mạnh của FPT?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Sức mạnh để chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc; từ đó mà sáng tạo ra những cách đánh tài tình chiến thắng được kẻ thù đông hơn nhiều lần. Chiến tranh nhân dân đã làm nên cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 lịch sử, giành độc lập tự do cho dân tộc; chiến tranh nhân dân đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối…

Sự khác biệt lớn nhất giữa chiến tranh nhân dân và chiến tranh nói chung là lấy sức mạnh từ mỗi người dân để tạo thành sức mạnh tổng thế. Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nông cốt. Điều cốt lõi trong chiến tranh nhân dân là phải có sự đồng sức, đồng lòng của mỗi người dân, phải thu phục được lòng dân. Muốn như vậy phải có động cơ mạnh mẽ, mục tiêu rõ ràng.

FPT cũng vậy, với những quy trình, nhiệm vụ cụ thể, mỗi thành viên trong công ty như một chiến sỹ, sát cánh bên nhau, thỏa sức sáng tạo, đồng chí đồng lòng cùng tham gia xây dựng chiến lược phát triển chung của Tập đoàn.

- Anh đã tự tin khi nói rằng: FPT đã đủ lớn để làm những việc không ai làm. Trong khát vọng mới của đất nước, FPT sẽ tái sinh?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tôi luôn tin rằng, sống bằng thành công là bắt đầu chết. Những gì chúng ta làm hôm nay khi chúng ta đã có những thành quả nhất định, phải hiểu một nghĩa nào đó là chúng ta đang đi xuống. Do đó, tái sinh là yêu cầu với FPT trong thời đại mới. 

 

Chúng tôi đặt ra sứ mệnh tiếp theo là góp phần đưa Việt Nam cạnh tranh hơn nữa trên toàn cầu bằng chuyển đổi số. Ước mơ của những ngày đầu là “mở mang bờ cõi” - vươn ra thế giới, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số. Và đất nước sẽ là cái nôi để FPT, để công nghệ Việt vươn xa hơn nữa, cao hơn nữa trên sân chơi toàn cầu.

- Khát vọng 2045 mà FPT hướng đến là gì? Khát vọng 2045 mà anh hướng đến là gì?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Khát vọng của FPT chính là khát vọng của tôi. Đó là khát vọng Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng... Tôi tin rằng, một dân tộc từng dùng máu của mình chiến thắng cường quốc và giành độc lập tự do thì thế hệ ngày nay không có lý do gì không thực hiện được khát vọng phồn vinh cho dân tộc.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, đây là cơ hội to lớn để thực hiện khát vọng đó. Đây là lúc chúng ta phải hành động. Tôi tin rằng Việt Nam vào năm 2045, sau 100 năm độc lập sẽ đứng ngang hàng cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Người Việt Nam sẽ có cuộc sống vật chất như các dân tộc tiên tiến trên thế giới, có những phát minh, sáng chế được cả thế giới dùng.

- Cách đây 35 năm, khi Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới thì thế hệ doanh nhân đầu tiên phải vừa làm vừa học và tự mày mò đi lên. Còn với các bạn trẻ startup ngày nay, anh sẽ nói gì với họ về tinh thần khởi nghiệp, tinh thần quật cường, ý chí dấn thân?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Bạn hãy cứ ước mơ, hãy cứ kiếm tìm và khi tìm thấy hãy làm thấu đáo. Một người có thể học hỏi người khác, nhưng cũng có thể tự thiết kế một con đường đi riêng. Nhưng cho dù bằng cách nào, điều quan trọng vẫn là may mắn và thành công chỉ dành cho những người dũng cảm liên tục tìm kiếm, mở lối đi cho chính mình.

- FPT đã bước vào năm tuổi thứ 33. Nếu để chọn ra một từ hợp lý nhất cho chặng đường đã qua, anh sẽ chọn từ gì?

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tiên phong. Năm 1998, chúng tôi đã dấn thân tiên phong xuất khẩu phần mềm. Đây được xem là sứ mệnh mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước, ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới. Và sự thực chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ đó. Năm 2016, khi thế giới bắt đầu nói về cách mạng 4.0, FPT may mắn được tham gia ngay từ giai đoạn kiến tạo của cuộc Cách mạng này. Chúng tôi đã và đang cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới tiên phong chuyển đổi số. Tại thời điểm này, khi Việt Nam đang hướng đến mô hình quốc gia số, trở thành một quốc gia hùng cường dựa trên công nghệ, chúng tôi lại đang tiên phong tham gia kiến tạo chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

 

- Trân trọng cảm ơn Anh về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này. Cảm giác trong tôi lúc này là sự xúc động và tự hào. Tự hào vì những điều Anh và FPT đã làm, đã trải qua và đang vươn tới. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Em ơi Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn bó san sẻ / Phải biết hoá thân cho dáng hình sứ sở / Làm nên Đất Nước muôn đời...". Có lẽ, phải có một tình yêu vô bờ bến, một khát vọng hoà vào cùng khát vọng của dân tộc, FPT mới làm nên những điều thần kỳ như thế và sẽ tiếp tục làm nên những điều thần kỳ hơn thế. Đúng là khi khát vọng hơn và nhận về mình những sứ mệnh lớn lao hơn nữa, con đường sẽ trở nên ngắn hơn, vinh quang hơn, chúng ta sẽ trở nên vĩ đại hơn!

Nguyễn Thành Công
13/10/2021 08:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top