Trả lời báo chí về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại cuộc họp báo về chính sách tiền tệ ngày 1/4, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang xây dựng phương án thí điểm loại hình này kinh doanh này và dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Chúng tôi cũng đã giao cho các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau khi thí điểm thì sẽ có tổng kết đánh giá" - Phó Thống đốc cho hay.
Theo bà Hồng, cho vay ngang hàng có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia. Đây là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng từng cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan quản lý cho rằng mô hình này còn nhiều bất cập, như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, hoặc tình trạng đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.
Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng cho vay ngang hàng.
Trước đó, đầu tháng 3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) báo cáo về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P Lending ở Việt Nam và giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.
Trước thực trạng phát triển mạnh mẽ của P2P tại Việt Nam, trong một Hội thảo mới đây, các chuyên gia tài chính cũng tỏ ra lo ngại: Về phía người đi vay thông tin cá nhân của có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật hoặc hệ thống lưu trữ thông tin của công ty P2P Lending có thể bị đánh sập bởi hacker dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa thì hậu quả sẽ khôn lường.
Thậm chí, một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền hoặc "biến tướng" tín dụng đen để cho vay vượt trần lãi suất 20%/năm.