Aa

PetroVietnam Landmark : Chặng đường long đong từ dự án "chết" đến đất "vàng" và bản án bị phong tỏa hơn 15.000m2

Thứ Hai, 27/02/2017 - 16:31

Khởi công được 7 năm thì đã có tới gần 5 năm “đắp chiếu”, dự án PetroVietnam Landmark mới rục rịch khởi động lại từ khoảng cuối năm 2016, vừa mang lại một chút hy vọng cho khách mua hàng vì giá trị đã tăng gần gấp đôi theo giá thị trường thì lại nhận được “trát” bị “phong tỏa” hơn 15.000m2.

Từ dự án "chết"... 

Dự án PetroVietnam Landmark là tổ hợp công trình chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng được xây dựng trên khu đất Tiểu khu 7, KĐT phát triển An Phú, quận 2, TP.HCM. Dự án do Công ty Cổ phần BĐS Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2010 với quy mô hơn 400 căn hộ chung cư, hiện đã bán được khoảng 98% căn hộ, nhận thanh toán từ khách hàng số tiền gần 740 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây, thông tin dự án PetroVietnam Landmark bị Chi cục thi hành án dân sự quận 2 ra quyết định "phong toả" hơn 15.000m2 khiến khách mua căn hộ hoang mang trước nguy cơ không được nhận nhà. 

Đây không phải lần đầu tiên dự án PetroVietnam Landmark gặp phải "sự cố" trong quá trình xây dựng.  Khoảng 7 năm trước, công ty PVC Land đã mở bán dự án này với giá bán bình quân 23,8 triệu đồng/m2. Vào thời điểm đó, khu vực này vẫn còn là ngoại thành xa xôi, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh nên giao dịch chậm, chủ đầu tư phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để lôi kéo sự chú ý của khách hàng. 

Tuy nhiên, sau một năm mở bán, thị trường BĐS bất ngờ rơi vào khủng hoảng kéo dài, công ty PVC Land không ngoại lệ cũng rơi vào cảnh khốn đốn, buộc phải hạ giá bán xuống 15,5 triệu đồng/m2 do áp lực trả nợ đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt. Vào thời điểm đó, nhiều khách hàng mua căn hộ đã nộp tiền tới 80 - 95% giá trị hợp đồng nhưng đến nay, sau 4 - 5 năm vẫn chưa nhận được nhà. 

Dự án cũng bị "trùm mền" từ đó, nhiều khách hàng đã làm đơn kiện khắp nơi, thậm chí đòi chủ đầu tư trả lại tiền, thế nhưng chính PVC Land cũng “bó tay”, không hoàn trả tiền cho khách hàng cũng không tiếp tục thi công dự án.

PetroVietNam Landmark từ một dự án chết đã hồi sinh và hóa đất vàng ,

PetroVietNam Landmark từ một dự án chết đã hồi sinh và hóa đất vàng 

Đến thời điểm cuối năm 2015, thị trường BĐS rục rịch sôi động trở lại, cùng với nhiều dự án được "hồi sinh", PetroVietnam Landmark cũng dần nhúc nhích để cố vượt qua cơn "đại khủng hoảng". Thậm chí để lấy vốn hoàn thiện dự án, PVL đã phải bán hơn 5,8 triệu cp đang sở hữu tại công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn Thông ( PVT ) với giá trên cơ sở đàm phán với đối tác có nhu cầu nhưng không thấp hơn mệnh giá. Đồng thời chuyển nhượng 2,44 triệu cp tại công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand); 160.000 cp tại công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô; 12,5 triệu cp tại công ty CP Địa ốc Dầu khí Sài Gòn với tổng giá trị không thấp hơn 65 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2016, gần như số đông khách hàng đã đồng ý tiếp tục đóng tiền để dự án nhanh chóng hoàn thành, thậm chí có nhiều khách hàng đã nộp tiền hơn 100% giá trị căn hộ với mong mỏi dự án sớm thi công và được bàn giao nhà. 

... đến đất "vàng" không ai muốn từ bỏ

Không chỉ rục rịch "hồi sinh", PetroVietnam Landmark còn "bỗng chốc" trở thành dự án sở hữu vị trí "vàng", đắc địa, giá trị thị trường cũng tăng gần gấp đôi. Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, nếu như ở thời điểm dự án bắt đầu khởi công khoảng 7 năm trước, giá thị trường thấp nhất chỉ khoảng 15,5 triệu đồng/m2 thì nay thị trường đã thay đổi. Căn cứ vào các dự án lân cận đang mở bán, có vị trí đẹp tương đương thậm chí không bằng PetroVietNam Landmark, giá đã vượt ngưỡng 30 triệu đồng/m2.

"Như vậy PetroVietNam Landmark từ một dự án 'chết' đã 'hồi sinh' và hóa đất 'vàng', vì thế không còn ai muốn chủ đầu tư trả lại tiền nữa, mà chỉ muốn sở hữu căn hộ của mình", ông Nhân nhận định. 

Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc công ty TNHH xây dựng và quản lý BĐS Trường Phát đánh giá: "Rõ ràng nếu lúc này khách hàng rút lại tiền, thì sẽ lỗ ít nhất 50% giá trị căn hộ. Bởi thị trường bất động sản khu vực này đã biến thành khu vực quá đắc địa, không phải ai cũng có khả năng mua được.

Vì vậy việc Chi cục thi hành án dân sự quận 2 “phong tỏa” “tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của căn hộ, cấm giao dịch mua bán” của PetroVietnam Landmark đồng nghĩa với việc khách hàng đứng trước nguy cơ phải nhận lại tiền chứ không được nhận nhà. Như vậy việc theo đuổi gần chục năm mà vẫn chưa được nhận nhà rồi lại đối diện với "lệnh phong tỏa" sẽ khiến khách hàng chịu nhiều thua lỗ". 

Từ những thông tin trên, chị Hạnh một khách hàng mua căn hộ, bức xúc: "Dù ngày xưa tôi mua căn hộ với giá khoảng 15 triệu đồng/m2 nhưng chúng tôi phải chịu khốn đốn hơn 7 năm qua. Thậm chí chúng tôi còn đóng tiền nhiều hơn hợp đồng đã ký với chủ đầu tư chỉ vì mong muốn dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Như vậy, hôm nay chúng tôi đáng được hưởng thành quả sau nhiều năm chờ đợi chứ không phải nơm nớp lo sợ trắng tay vì dự án bị phong tỏa thế này". 

Theo luật sư Nguyễn Văn Trương, Trưởng phòng luật sư Nguyễn Văn Trương:  "Dù việc đình chỉ dự án với bất kỳ nguyên nhân nào thì đây cũng là việc được thực thi từ bản án của tòa, do đó quyết định của Chi cục thi hành án dân sự quận 2 là quyết định có giá trị cao nhất và chủ đầu tư phải tuân theo. Trừ khi sắp tới có quyết định khác của tòa án, trong trường họp quyết định không có thay đổi thì chủ đầu tư buộc phải trả tiền lại cho khách hàng.

Trường hợp, chủ đầu tư không chịu trả tiền, cư dân chỉ còn cách khởi kiện chủ đầu tư, đồng thời căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa hai bên, buộc chủ đầu tư phải bồi thường lãi phạt cho khách hàng do bàn giao nhà chậm hơn so với hợp đồng đã ký. Dĩ nhiên, kể cả với phương án này khách hàng vẫn phải chịu thiệt thòi rất lớn so với việc được nhận căn hộ của dự án đang đứng trên khu đất vàng hiện nay". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top