PGS. Đinh Trọng Thịnh: Số hóa là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ bứt phá

PGS. Đinh Trọng Thịnh: Số hóa là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ bứt phá

Chủ Nhật, 06/08/2023 - 06:00

Theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn sẽ vượt qua được thách thức và trong tương lai trở thành những đầu tàu phát triển mạnh mẽ.

 Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể, tăng 28,9% so với cùng kỳ; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.... Tình hình “sức khỏe” trong nửa năm còn lại được xem là khá yếu, nhiều doanh nghiệp đang đuối sức, không chịu được bối cảnh thị trường trong nước và thế giới sụt giảm kéo dài.

Đứng trước những khó khăn và thách thức của bối cảnh hiện nay, dù các doanh nghiệp đang rất nỗ lực phục hồi và phát triển, nhưng kết quả chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn giữ ở mức trung bình, khá. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần lại đang hoạt động không hiệu quả buộc phải giải thể hoặc dừng hoạt động do thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất yếu kém.

Dự kiến tình hình khó khăn sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023, do đó các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay họ đang phải cố gắng cầm cự, chấp nhận những đơn hàng sản xuất, kinh doanh không lợi nhuận để vượt qua thời điểm này.

Do vậy, bối cảnh đòi hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải chuyển đổi sao cho phù hợp để duy trì hoạt động ổn định và phát triển hơn. Phóng viên đã có buổi phóng vấn với PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế để tìm kiếm những giải pháp hữu nghiệm giúp các doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” này, nhanh chóng phục hồi trong tương lai.

 

Sụt giảm tiêu dùng là thách thức lớn của các doanh nghiệp

 

PV: Doanh nghiệp đang trong tình cảnh khát vốn trung và dài hạn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ vừa thiếu tài sản đảm bảo, không có phương án sản xuất kinh doanh. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh của lạm pháp tăng cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng,… đã lập tức ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề đa dạng khác nhau. Trước đó, là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gẫy khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài, các đơn hàng bị ứ đọng và không thể xoay chuyển dòng tiền.

Không những thế, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn trong tiếp cận vốn ưu đãi từ phía ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, thị trường đang chia ra thành hai nhóm doanh nghiệp, gồm: Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp bảo đảm điều kiện vay vốn nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng cao, dẫn đến việc sản xuất ngày càng thua lỗ; Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp không thể vay vốn, do không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cho vay, hoặc ngân hàng đánh giá rủi ro cao nên cho vay ít hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp.

Các kênh dẫn vốn vốn như tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu,… đều bị thắt chặt, thậm chí ngay cả các kênh huy động từ khách hàng, nhà đầu tư cũng không còn bởi niềm tin của thị trường đang rất lung lay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt nam cũng gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn thay thế trực tuyến. Điều này đã dẫn đến việc những doanh nghiệp không đủ “sức khỏe” buộc phải rời bỏ thị trường.

PV: Ông đánh giá khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ ra sao?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Nguồn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ thị trường chứng khoán. Trong đó, việc phát hành cổ phiếu bổ sung, phát hành trái phiếu để vay vốn là nguồn vốn cơ bản, tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán sụt giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp. Đặc biệt là trên thị trường trái phiếu thời gian qua liên tiếp có nhiều biến động đã làm ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đòi hỏi những yêu cầu chặt chẽ hơn khiến các doanh nghiệp niêm yết khó phát hành trái phiếu.

Đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ, dù là thị trường mới tại Việt Nam và có khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ nhưng một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc phát hành trái phiếu không đúng chuẩn mực kinh tế buộc Nhà nước phải chấn chỉnh hoạt động của thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp. Do vậy từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ rất ít, tạo khó khăn trong hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt càng khó hơn nếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế là 6 tháng đầu năm 2023 vừa rồi, tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn, mặc dù Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung, nới lỏng thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng mức độ các doanh nghiệp có thể quay trở lại phát hành trong điều kiện mới vẫn rất ít, do niềm tin trên thị trường đang bị lung lay. Chính vì vậy, trong thời gian tới, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Về phía tín dụng ngân hàng, từ đầu năm đến nay đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, góp phần giảm lãi suất huy động cũng là một tín hiệu đáng mừng. Từ đó làm giảm chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp giảm đi, người dân chi tiêu nhiều hơn, điều này giúp thúc đẩy hoạt động của sử dụng vốn trong nền kinh tế.

 

PV: Năm 2023 dù là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, theo ông cộng đâu là điểm khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay?

TS. Đinh Trọng Thịnh: Mặc dù 2023 là một năm có rất nhiều điểm khó với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, nhưng theo quan điểm của tôi thì hiện nay các doanh nghiệp không phải khó nhất ở việc bị ách tắc trong huy động vốn, hay vấn đề quản lý, tài chính tiền tệ nào.

Thực tế, điều khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là phải đối mặt với sự sụt giảm tiêu dùng của thế giới cũng như ở trong nước, lượng tồn kho trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng lên khá cao. Tiền của doanh nghiệp đưa vào sản xuất bị mắc kẹt, không luân chuyển được khiến cho họ không có vốn để tiếp tục duy trì hoạt động. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để tiêu thụ được sản phẩm.

Lượng tồn kho hàng hóa của các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân quá lớn trong khi sự sụt giảm này diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, không riêng gì của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, như cách nhiều người thường nói “trong nguy có cơ”, chính vì vậy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội. Ví dụ nhìn vào lĩnh vực bất động sản đang được xem là khó khăn nhất, nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy rõ cơ hội ở những phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vẫn đang rất đắt hàng, thậm chí tiêu thụ nhiều hơn so với giai đoạn trước đây. Những phân khúc như nhà phố, đất nền cũng đang có xu hướng giảm giá, đây là cơ hội cho những người biết nắm bắt, có tầm nhìn để thu lợi nhuận trong tương lai.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp, kích thích thị trường tiêu dùng, giảm giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá bán,… đây là những bước quan trọng để các doanh nghiệp có thể tận dụng các giải pháp hỗ trợ này để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trở lại.

Nếu biết nắm bắt cơ hội số hóa, doanh nghiệp sẽ trở thành người “chiến thắng”

 PV: Theo ông, trong khủng hoảng như này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm đến vấn đề gì để quản trị dòng tiền tốt mà không bị “đột tử”?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Trong giai đoạn hiện nay, theo lý thuyết thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bình tĩnh để giữ vững ổn định và duy trì dòng tiền là cách tốt nhất nhưng rõ ràng nhìn vào thực tế thì để làm được điều này là bài toán vô cùng khó. Bởi bản chất của vấn đề muốn duy trì dòng tiền nghĩa là phải duy trì được dòng sản xuất kinh doanh xuyên suốt mà không bị đứt gẫy. Để tránh bị “đột tử”, các doanh nghiệp cần có những bước đi chuyển mình sao cho phù hợp với thời cuộc.

Trước hết, là phân bổ dòng tiền hợp lý cho đầu vào đầu ra, làm sao phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, tiết giảm các chi phí đến mức tối đa, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng vào kinh doanh.

Cùng với đó, phía Nhà nước cũng đang có rất nhiều cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu. Hiện nay có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa sản xuất, số hóa sản xuất. Nếu như các doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội này sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn, hưởng được lợi ích lãi suất giá rẻ. Khi ấy, đương nhiên hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ được duy trì liên tục, vòng xoay dòng tiền của doanh nghiệp cũng ổn định để phát triển.

 

 

PV: Ông có nhắc đến số hóa là cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt, vậy nếu những doanh nghiệp vừa và nhỏ biết áp dụng các đòn bẩy liên quan đến công nghệ thì liệu có thể bứt phá, phát triển nhanh chóng và trở thành doanh nghiệp lớn trong 1, 2 năm tới hay không?

TS. Đinh Trọng Thịnh: Như tôi đã nói ở trên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có khó khăn ra sao thì nền kinh tế luôn luôn đón nhận nhiều cơ hội, có những khe hở để các nhà đầu tư có tầm nhìn, nhận thức hay các doanh nghiệp nhanh nhạy biết nắm bắt thời cơ sẽ tìm ra được con đường tăng trưởng phát triển không ngờ.

“Tùy vào mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có những khe hở khác nhau, nhưng nhìn chung chúng ta đang tăng trưởng và phát triển trong xu hướng số hóa ở tương lai đang gần. Số hóa tất cả các hoạt động sẽ giảm thiểu mức chi tối đa về chi phí sản xuất, chi phí tiếp cận khách hàng, chi phí quảng cáo, chi phí xanh,… Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay tìm kiếm được khe hở đó và nắm bắt được nó thì việc tăng trưởng trong tương lai gần là điều chắc chắn”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh.

Khi các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu chung của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, thì việc áp dụng công nghệ số là con đường ngắn nhất để giúp những doanh nghiệp này đi trước đón đầu và trở thành người chiến thắng nhờ việc tổ chức và thực hiện số hóa hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất,… Việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm những gì để thực hiện chuyển đổi số thành công?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các doanh nghiệp thực hiện được cũng không phải là dễ, liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin,… Tức là công việc đầu tiên là phải gắn với số hóa từ mạng chung cho đến mạng nội bộ, và phải được thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải trang bị đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên. Nhu cầu này thời gian qua dù đã đáp ứng được phần nào, nhưng khách quan thì vẫn còn thiếu đôi chút, đặc biệt là các chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế.

Ngoài ra, phải có được sự đầu tư một cách thỏa đáng về các thay đổi trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, để thích ứng với việc số hóa nền kinh tế. Thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ số, đã có rất nhiều các doanh nghiệp thành công nhờ chuyển đổi số, tìm cơ hội vượt qua thách thức để phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 thành nước phát triển với mức thu nhập cao thì điều kiện kiên quyết là nền kinh tế phải hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế số.

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top