Aa

PGS. TS. Bùi Thị An: “Hà Nội ám ảnh ùn tắc giao thông vì chưa phát triển được các đô thị vệ tinh”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 05/11/2021 - 06:09

“Hà Nội cần một chiến lược tổng thể về giao thông đô thị, đồng thời cần đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Những ngày qua, dư luận xã hội đang có không ít phản ứng mạnh trước thông tin đề xuất lập 87 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội từ năm 2024. Chia sẻ với Reatimes, PGS. TS. Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng chỉ rõ, đề án thu phí xe ô tô vào nội đô không có căn cứ khoa học và nếu như áp dụng sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

PV: Thưa PGS. TS. Bùi Thị An, bà có suy nghĩ gì về đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô nhằm chống ùn tắc mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu ra?

PGS. TS. Bùi Thị An: Trước hết, tôi phải nói rằng TP. Hà Nội vẫn cần có những giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân nhằm chống ùn tắc trong nội đô. Tuy nhiên, những ý tưởng, đề án nêu ra phải được khảo sát, tính toán khoa học và có tính thực tế chứ không thể chỉ nêu lý do “chống ùn tắc” là xong rồi cứ thế mà lập trạm thu tiền.

Tôi cho rằng, việc lập ra tới 87 trạm thu phí chỉ giải quyết được một việc là thu tiền, còn nói rằng để giải quyết được vấn đề ùn tắc thì không khả thi.

Một loạt những câu hỏi, những băn khoăn lo lắng của nhiều chuyên gia, nhiều người dân đặt ra những ngày qua cũng đã cho thấy sự dang dở của đề án này, đặc biệt là những tác động tiêu cực tới cả nơi an cư của người dân. Rất nhiều cơ quan Nhà nước vẫn nằm trong vùng lõi Thủ đô, nhiều cơ quan, doanh nghiệp có trụ sở trong trung tâm, cho nên hàng ngày người lao động vẫn phải vào làm việc. Việc lập trạm thu phí như vậy nếu xảy ra thật thì cũng không thể ngăn người dân ra đường đi làm, bí bách quá thì họ lại chuyển sang đi xe máy thay vì ô tô để không phải trả phí. Như vậy, lượng xe máy lại tăng lên, vẫn ùn tắc.

Hơn nữa, các điểm kẹt nghẽn ở trong nội đô là do những nguyên nhân khác nhau, trong đó đầu tiên là do công tác quy hoạch và quản lý xây dựng. Hà Nội đã loay hoay với kế hoạch phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên) nhiều năm nay, cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa triển khai được, trong khi đó các tòa nhà cao tầng trong nội đô vẫn tiếp tục được xây dựng dẫn tới tình trạng tăng dân số cơ học. Nói một cách thẳng thắn, công tác quy hoạch của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, giải pháp còn manh mún và triển khai rất chậm, vướng đâu gỡ đó chứ không mang tính đồng bộ. 

do-thi-hoa-lac
Xây dựng các đô thị vệ tinh là giải pháp quan trọng vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, vừa giảm tải cho nội đô Hà Nội. (Ảnh: Internet)

PV: Ngay sau khi có thông tin về đề án thu phí, nhiều người dân có ý định mua nhà ở các khu vực ven đô đã bày tỏ sự lo lắng và có thể phải thay đổi kế hoạch nhà ở. Như vậy rõ ràng là nếu triển khai, đề án này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới kế hoạch giãn dân ra khỏi khu vực nội đô, thưa bà?

PGS. TS. Bùi Thị An: Đúng như vậy! Tôi cho rằng cần phải có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng khi lập và công bố các dự án như thế này, bởi vì nó có sự tác động, ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân. Mọi kế hoạch được xây dựng, triển khai phải khoa học, có đầy đủ căn cứ và tầm nhìn dài hạn, bên cạnh mục tiêu là chống ùn tắc thì còn phải tính tới đời sống và việc làm của người dân.

Nếu những tính toán chống ùn tắc triển khai theo kiểu cơ học, nghĩ tới đâu làm tới đó mà không có chiến lược tổng thể thì xử lý được việc này nhưng sẽ phát sinh ra việc khác, có thể gây hệ lụy lớn.

Tôi nói đơn cử là nếu như dựng tới 87 trạm thu phí thì sẽ xảy ra tình trạng giá nhà nội đô tăng cao, đồng thời ảnh hưởng lớn tới kế hoạch giãn dân và các dự án xây dựng đô thị ở ven đô. Như vậy, dân số trong nội thành vẫn tăng và bài toán xử lý chống ùn tắc cứ loay hoay không tìm được lối thoát.

Hà Nội ám ảnh ùn tắc giao thông vì chưa phát triển được đô thị vệ tinh

PV: Để thực hiện được mục tiêu chống ùn tắc, cần có những giải pháp phù hợp hơn, trong đó phải quyết liệt với câu chuyện xây dựng nhà cao tầng ở nội đô và dịch chuyển mạnh hơn ra ngoại thành, thưa bà?

PGS. TS. Bùi Thị An: Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý, phân luồng, phân làn giao thông… nhưng rồi tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này? Thứ nhất là phải nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi các đô thị vệ tinh theo quy hoạch Thủ đô 2030 tầm nhìn 2050. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội để làm sao có thể hoạt động độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch… Sự dịch chuyển dân cư sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên theo mong muốn của mỗi gia đình.

Đây là giải pháp lâu dài nhưng phải làm ngay, bởi vì mỗi năm dân số đều tăng lên, phương tiện giao thông cũng tăng lên mà đường sá nội đô không thể mở rộng ra được, sẽ tiếp tục gây ùn tắc nghiêm trọng. Hiện nay mới chỉ đang phát triển đô thị Hòa Lạc, nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, nhanh nhất cũng phải 5 năm nữa mới hình thành cơ bản được diện mạo của đô thị này và hoàn thiện được cũng phải mất đến 10 năm. Tốc độ phát triển như vậy là quá chậm, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình phát triển các đô thị vệ tinh.

Nhiều ý kiến cho rằng lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô nhằm chống ùn tắc là không có căn cứ khoa học, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận xã hội.

Đối với các khu vực nội đô hiện nay phải kiên quyết không cho phép xây nhà cao tầng vượt quá quy định, phải xử lý nghiêm khắc bất cứ cán bộ nào buông lỏng quản lý để xảy ra việc công trình xây cao vượt phép. Nếu cứ tiếp tục cho xây nhà cao tầng trong nội đô thì trong 10 năm tới, khi mà chưa phát triển hoàn thiện được đô thị vệ tinh nào, tình trạng ùn tắc sẽ còn khủng khiếp hơn hiện nay rất nhiều.

Đối với các khu đất còn trống trong nội thành, cần sử dụng làm vườn hoa, công viên, trường mầm non, tiểu học…, tuyệt đối không cho xây dựng nhà cao tầng.

Cần có kế hoạch và quyết liệt thực hiện việc đưa các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô. Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận từ hàng chục năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không thực hiện được.

Đi cùng với những giải pháp trên, phải tiếp tục phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng. Có nhiều người so sánh việc cấm xe vào nội đô ở nước này nước khác, nhưng ở những nơi đó hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, có nhiều lựa chọn cho người dân đi lại làm việc hoặc tham gia vào các hoạt động khác. Khi mà phương tiện giao thông công cộng thật sự thuận tiện, người dân sẽ lựa chọn chứ không cần đến các biện pháp mang tính cưỡng chế.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top