Aa

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Nên giảm thuế VAT cho mọi mặt hàng để đảm bảo sự bình đẳng, bao gồm cả bất động sản

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Hai, 13/11/2023 - 06:00

Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, việc kích cầu và phục hồi thị trường bất động sản cũng rất cần thiết, thậm chí trong giai đoạn hiện nay còn góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ khác.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cùng hàng loạt những khó khăn dồn dập, kéo dài đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp, tăng đến 20% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ nhận định rằng, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Do đó mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024, được thực hiện từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 và giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp nội dung đề xuất trình Quốc hội.

Được biết, biện pháp giảm thuế VAT được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023 đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. 

Theo các chuyên gia, nếu việc giảm thuế VAT trong năm 2024 được thông qua sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 25.000 tỷ đồng, song đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết cho doanh nghiệp trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn”. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. 

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. 

 “Tác động của giảm thuế VAT sẽ nhanh và hiệu quả hơn những chính sách hỗ trợ khác vì không liên quan đến thể chế” 

PVTừ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vậy PGS nhìn nhận thế nào về những chính sách này?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Như chúng ta đã thấy, kể từ đầu năm 2023 tới nay, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế như: Gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 (Nghị định 12/2023/NĐ-CP); Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT xuống 8% hết năm 2023; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Song song với những hỗ trợ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua các quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN)…

Như vậy, có thể nói rằng trong năm 2023, chính sách nới lỏng tài khóa đã được thực hiện với sự kết hợp chặt chẽ và cùng chiều với chính sách nới lỏng tiền tệ, để tháo gỡ những khó khăn và thúc đầy sự hồi phục của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái mà chính sách tiền tệ không còn nhiều hiệu quả, tức là giảm lãi suất và tăng cung tiền tệ không đạt được tăng trưởng tương ứng, thì việc mở rộng chính sách tài khóa, cụ thể là tăng chi tiêu và giảm thuế là sự lựa chọn đúng đắn. Trên thực tế, những hỗ trợ về chính sách nêu trên đã góp phần ngăn chặn sự phá sản hoặc ít nhất là mất khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp, ngăn chặn sự giảm tốc và khôi phục tăng trưởng kinh tế ở mức 5,33% trong quý III/2023 và 4,24% trong 9 tháng đầu năm. 

Tuy nhiên, do những khó khăn và vướng mắc cả về khách quan lẫn chủ quan, sự mở rộng hay nói cách khác là nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta chưa đạt được kết quả như mong đợi. 

Giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2023 đạt hơn 430.600 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm 2023, trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng chỉ mới giải ngân được 2,3% quy mô. Ở phía hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng vẫn “ì ạch”, dù lãi suất đã được giảm thấp cùng với sự sẵn sàng cho vay của các ngân hàng thương mại. 

Như vậy, có thể thấy rằng, dù đã được hỗ trợ nhưng tổng cầu vẫn chưa thể tăng được như kỳ vọng. Do vậy, nếu chúng ta có sự hoàn thiện hơn nữa về thể chế, công tâm hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xử lý các sai phạm và mạnh dạn áp dụng những cơ chế quản lý mới có tính chất đột phá… thì khi đó chúng ta mới có thể hy vọng đạt được hiệu quả từ các biện pháp kích cầu.

PV: Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có công văn đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo ông, việc kéo dài thời gian giảm thuế sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như có thể hỗ trợ ra sao cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024?

 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam

"Hiện nay, trừ một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng do độc hại và có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như rượu, bia, thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) thì chúng ta nên áp dụng giảm thuế cho tất cả mọi mặt hàng. 

Điều này vừa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và cũng để tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi phải phân loại, sàng lọc vừa phức tạp, vừa dễ tiêu cực". 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi cho rằng, việc giảm thuế nói chung và 2% thuế VAT nói riêng cho đến tháng 6/2024 chắc chắn sẽ giúp gia tăng thu nhập khả dụng của người dân và giá cả hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp sẽ giảm. Từ đó, người dân sẽ gia tăng chi tiêu và góp phần làm tăng tổng cầu, đặc biệt là trong quý IV/2023 và dịp Tết nguyên đán đầu năm 2024. 

Cần nhấn mạnh rằng, tăng trưởng của tổng cầu vào cuối năm và dịp Tết nguyên đán sẽ tạo đà và điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng năm 2024. 

Tác động của giảm thuế VAT sẽ nhanh và hiệu quả hơn những chính sách hỗ trợ khác vì không liên quan đến thể chế. Do vậy, tôi cho rằng, thuế có thể giảm sâu hơn từ nguồn các gói hỗ trợ thay cho việc tăng chi tiêu công mà không thể giải ngân được.   

PV: Theo ông, có nên áp dụng giảm thuế GTGT cho tất cả mặt hàng trên thị trường?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Hiện nay, trừ một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng do độc hại và có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như rượu, bia, thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) thì chúng ta nên áp dụng giảm thuế cho tất cả mọi mặt hàng. 

Điều này vừa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và cũng để tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi phải phân loại, sàng lọc vừa phức tạp, vừa dễ tiêu cực. 

Theo quan điểm cá nhân tôi, các chính sách hỗ trợ và cả hệ thống luật pháp nói chung, càng khái quát, đơn giản, thì càng dễ hiểu, dễ thực hiện và sẽ hạn chế “khe hở” cho tiêu cực, tham nhũng. 

“Nên cân nhắc giảm thuế sâu hơn, khi hỗ trợ vay vốn nhưng không giải ngân được”

PVVậy đối với lĩnh vực bất động sản, có cần thiết giảm thuế hay không, thưa PGS?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Như trên đã nói, nếu muốn kích cầu và hạn chế tiêu cực thông qua giảm thuế VAT thì Nhà nước cần giảm một cách bình đẳng đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả bất động sản. Chỉ không nên giảm thuế đối với rượu, bia và thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.

Theo tôi, việc kích cầu và phục hồi thị trường bất động sản cũng rất cần thiết, thậm chí trong giai đoạn hiện nay còn góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhiều hàng hóa dịch vụ khác, qua đó gián tiếp thúc đẩy sản lượng và việc làm. 

Cụ thể, thị trường bất động sản nếu được phục hồi thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được hồi phục. Ví dụ, đầu tiên là xây dựng dân dụng sẽ được hồi phục, tiêu thụ xi măng, sắt thép và tất cả các loại nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng nhà ở sẽ tăng, nên sẽ gia tăng sản lượng, lượng lao động được thu hút cũng sẽ tăng theo. 

Điều này đã cho tôi gợi nhớ lại quan điểm của Tiến sỹ J. M. Keynes - một nhà kinh tế học nổi tiếng khi có công cứu các nền kinh tế thị trường bằng quan điểm trọng cầu: “Nếu nhà nước thuê một lực lượng công nhân đào một cái lỗ và chôn tiền xuống đó, rồi lại thuê một lực lượng công nhân khác, đào chính cái lỗ đó để lấy tiền lên mà tiêu, thì cũng đã tạo ra của cải vật chất và công việc làm rồi”.

Chúng ta không thể phủ định được thực tế rằng, khi giao dịch nhà đất sôi động trở lại thì thu nhập của người dân và đóng góp thuế cho Nhà nước sẽ tăng lên. Theo tôi, vấn đề ở đây là khi thị trường bất động sản “ấm lên”, chúng ta vẫn kiểm soát được cơ cấu dòng tiền, tình trạng “bong bóng bất động sản” và đảm bảo vốn cho lĩnh vực sản xuất.

Trong quản lý cần chủ động tránh, không nên “đẩy” bất kỳ một thị trường bộ phận nào cũng như toàn bộ nền kinh tế vào tình trạng “thái cực hóa”, từ chỗ quá “nóng” đến chỗ “đóng băng” vì như vậy thì hành động quản lý đã tạo ra cú sốc chứ không phải hạn chế các cú sốc để ổn định hay giảm tính chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế.

Việc kích cầu và phục hồi thị trường bất động sản cũng rất cần thiết, thậm chí trong giai đoạn hiện nay còn góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhiều hàng hóa dịch vụ khác, qua đó gián tiếp thúc đẩy sản lượng và việc làm. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

PVCó nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm 2% thuế VAT trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện nay là chưa đủ sức lan tỏa. Theo ông, có nên nâng mức giảm lên 3 - 5%?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi đã vừa nêu ý kiến trên đây, thậm chí nên cân nhắc giảm sâu hơn, bởi lẽ hỗ trợ vay vốn nhưng không giải ngân được thì nên dùng nguồn hỗ trợ đó để giảm thuế nói chung, đặc biệt là thuế thu nhập và VAT. 

Giảm thuế sẽ tác động ngay và nhanh hơn cho vay ưu đãi vì không bị vướng các vấn đề về thể chế. Giảm thuế không chỉ làm tăng thu nhập khả dụng mà còn giảm những lãng phí xã hội (tax burdens hay tax incidences), được coi là những tác động tiêu cực do thuế tạo ra. 

Trong dài hạn, điều doanh nghiệp cần nhất chưa hẳn là hỗ trợ bằng tiền hay các chính sách thuế

PVDù kéo dài việc giảm thuế thêm 6 tháng hay lâu hơn nữa thì đây dường như vẫn là giải pháp hỗ trợ trước mắt. Bởi về lâu dài, điều doanh nghiệp cần nhất chưa hẳn là hỗ trợ bằng tiền hay các chính sách thuế, phí mà là sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, thưa ông?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi hoàn toàn nhất trí và chia sẻ với quan điểm, nhận định này ở cả hai giác độ là tác động của hỗ trợ chỉ trong ngắn hạn và cần sự hoàn thiện thể chế trong dài hạn. 

Cả trên giác độ lý thuyết và thực tế, chính sách tài khóa và tiền tệ hoặc bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước dù hiệu quả cũng chỉ trong ngắn hạn, giúp cho các doanh nghiệp hay nền kinh tế vượt qua những “cú sốc” hay giai đoạn khó khăn. 

Như tôi đã trình bày, nền kinh tế thị trường vận hành tốt cần dựa trên hai cơ sở: Các quy luật kinh tế khách quan và nền tảng thể chế thuận lợi. 

Do vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng sẽ là điều kiện phát huy được các chính sách kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong nghiên cứu, hầu như các mô hình kinh tế lượng có sử dụng biến giả (dumy) để đại diện cho sự tác động của thủ tục hành chính hay thể chế thì biến giả chỉ nhận 2 giá trị, 0 khi hệ thống thể chế không tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề nghiên cứu/biến phụ thuộc và ngược lại thì sẽ nhận giá trị là 1. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, khi hệ thống thể chế không tạo điều kiện thuận lợi thì tác động đối với mô hình/biến nghiên cứu có lẽ nhận giá trị âm, chứ không phải là 0.

Hãy làm một sự so sánh, chúng ta sẽ thấy những chi phí (ẩn) do thủ tục hành chính chưa thuận lợi gây ra cho các doanh nghiệp và nền kinh tế luôn lớn hơn nhiều so với tiền lãi phải trả cho NHTM và các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Thủ tục hành chính phức tạp và thiếu khoa học sẽ không chỉ gây tốn kém về thời gian, tạo phiền hà cho người dân và doanh nghiệp mà còn là nguồn gốc của tham nhũng và nghiêm trọng hơn, làm mất đi cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân. 

Do vậy, tôi nghĩ rằng hoàn thiện hay có thể dùng từ mạnh mẽ hơn, cải cách thể chế là điều kiện quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế nước ta.

Cải cách thể chế là điều kiện quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế nước ta. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

PVBên cạnh các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, theo ông, chúng ta cần phối hợp thêm những chính sách nào để phát huy hiệu quả?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Qua những cú sốc ngắn hạn, sự hỗ trợ của các chính sách tài khóa, tiền tệ hay bất kỳ hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp nào của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sẽ là không cần thiết và tạo ra sự không minh bạch của nền kinh tế. 

Để thúc đẩy tăng trưởng thì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về kỹ thuật, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ là những chính sách hỗ trợ cơ bản và lâu dài đối với các doanh nghiệp trong nước. 

Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, khi cơ sở hạ tầng được ưu tiên phát triển, giao thông vận tải và logistics được chú trọng đã phát huy hiệu quả duy trì chuỗi giá trị và đảm bảo những liên kết kinh tế, ngay cả trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tiếp đến, nguy cơ rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất cao và chúng ta chỉ có thể giải quyết được vấn đề “giải cứu” nông sản thực phẩm khi chúng ta có sự phát triển của công nghiệp chế biến.

Thu hút FDI để công nghiệp hóa là rất đúng đắn, song công nghiệp phụ trợ được phát triển mới đảm bảo khả năng thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao, đảm bảo quá trình nội địa hóa và sự lan tỏa về công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa nền sản xuất của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top